Nha Trang, điểm hẹn của đá

Nha Trang, điểm hẹn của đá
TP - Ngắm ngó hơn 20 tác phẩm điêu khắc bằng đá hoa cương (dạng tượng vườn) đặt rải rác trong công viên trên đường Trần Phú liền kề với biển, có cảm giác trung tâm thành phố Nha Trang bây giờ sang trọng hơn.
Nha Trang, điểm hẹn của đá ảnh 1
Các nhà điêu khắc tại Trại sáng tác “Nha Trang điểm hẹn” lần 2

Nha Trang đã có thêm một điểm nhấn văn hóa, thêm một loại hình nghệ thuật đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ, tìm hiểu khám phá những giá trị văn hóa tiêu biểu của thành phố biển này.

Đó là kết quả của Trại sáng tác điêu khắc lần thứ nhất của Khánh Hòa tổ chức hồi đầu năm 2005. Thừa thắng xốc tới, Khánh Hòa khôn ngoan chu đáo cộng lịch lãm, hơn nửa tháng qua đã âm thầm quy tụ 20 nhà điêu khắc (NĐK) tên tuổi trong cả nước tại một trại sáng tác có tên Nha Trang, điểm hẹn lần 2. Đây cũng là hoạt động mở đầu cho chương trình Festival biển 2007.

Đá đây là đá hoa cương cứng gấp 3,4 lần so với đá xây dựng, đá ốp lát. Với nghệ thuật tạo hình trên thứ vật liệu có độ cứng cấp 8, cấp 9 này, phải có đặc thù, phải có thời gian.

Thời gian để BTC lựa chọn phác thảo, thời gian để NĐK chỉ nhõn cái máy cắt cùng choòng đục trong tay mà tạo nên hồn cốt cho thứ vật liệu cục mịch vô hồn. Nhưng quy định ngặt nghèo của BTC trại, chỉ có vẻn vẹn 35 ngày để hoàn thiện mọi sự chế tác.

Ngã ba Hòn Chồng Nha Trang, địa danh giữa trời giữa đất được chọn làm địa điểm sáng tác lẫn chế tác. Vốn do muôn thuở u tịch, quanh năm chỉ tiếng sóng ngự trị, bây chừ Ngã ba Hòn Chồng bỗng tạm thời dậy lên âm thanh của tiếng máy cắt đá, tiếng đục đá.

Miền Trung, mạch nguồn địa chất biến đổi sao đó mà tới tấp những chặng núi choài mình ra biển rồi chồm lên thứ đá chắc đanh gọi là hoa cương - đặc sản của xứ trầm hương Khánh Hòa.

Ý tưởng của NĐK khi bay bổng, khi lãng mạn nếu thể hiện trên các chất liệu như gỗ như đất hoặc trên thứ đá ít cứng hơn như sa thạch như mable (đá xây dựng, đá ốp lát) thì NĐK dường như nắm chắc phần thắng! Nhưng trên thứ đá hoa cương chắc khừ này, việc thể hiện chế tác có chi đó như là mong manh như là may rủi vậy!

Suất của mỗi NĐK là 5 mét khối đá hoa cương. Vần xoay cách chi thì tùy! Vậy nên NĐK người Chăm Đinh Rú (vừa nhận Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm ngoái) vốn khoáng đạt lẫn “giảo hoạt” liên tục gặt hái trong lĩnh vực điêu khắc bằng chất liệu gỗ thì bữa nay hình như đang loay hoay tần ngần với hình tượng cô gái đang gội đầu có tên là Suối tiên này!

Có vẻ như ông chưa thuận chưa ngọt tay lắm với chất liệu đá hoa cương cứng ngắc? Ngó người nghệ sĩ tuổi bảy mươi đầu trần, mái tóc dài buông xõa giữa trưa chang chang nắng (NĐK người Chăm này có cái tật nắng mưa cỡ nào đều để đầu trần như thế) mà đục mà đẽo, khắp người bụi đá trắng phếch, thấy dậy nên cảm giác rằng, ai dám bảo công việc của giống nghệ sĩ là nhàn nhã?

Phó GĐ Sở Văn hóa Khánh Hòa, họa sĩ Nguyễn Hữu Bài, Trưởng ban tổ chức trại dắt tôi len lỏi khắp lượt địa điểm chế tác của 20 NĐK. Thông tin của ông dường như là lời dịch uẩn súc từ thứ ngôn ngữ đá mà tôi vốn rất mù mờ.

Ông Bài nhận xét về Đinh Rú mà tôi tạm hiểu thế này: Tác phẩm của Đinh Rú sần sùi thô ráp về hình thức nhưng khúc chiết về khối, sâu thẳm, gợi cảm trong tư duy. Suối tiên của ông dự trại, phảng phất cái rắn chắc thô ráp của thiên nhiên với chất mềm mại nuột nà của nhân vật, gợi cảm giác tuôn trào lan tỏa của dòng suối…

Không xa gian của Đinh Rú là gian của Tạ Quang Bạo cũng sắp tuổi thất tuần. Mặc dù đang bận với công trình tượng đài Điện Biên, ông vẫn tham gia trại với tác phẩm Thiếu nữ  mà như ông Bài cho hay, tác phẩm của NĐK Tạ Quang Bạo bố cục khỏe cô đọng tinh giản đến độ trống rỗng nhưng đặc quánh về khối và hình, gợi sự thanh thản đến độ hồn nhiên trước biển.

Nha Trang, điểm hẹn của đá ảnh 2
Một góc Trại sáng tác Ngã ba Hòn Chồng

NĐK Nguyễn Phú Cường mặc dù bận công tác quản lý ở Bộ Văn hóa và cùng lúc ông đang thai nghén hai tác phẩm tượng đài tại xưởng nhưng say mê nghề lại cảm mến vùng đất Nha Trang, ông đã trình trại với tác phẩm Hai nửa vầng trăng tinh giản về đường nét và khối, gợi cảm về tình yêu đôi lứa.

Ông Bài giới thiệu tiếp cho tôi công trình Ra khơi của PGS Nguyễn Xuân Thành ở trường ĐH Mỹ thuật Hà Nội mềm mại tinh giản về hình khối, gợi cảm giác tròng trành của con thuyền đang lướt về phía trước.

Mảng công trình tham gia trại của nhiều NĐK trẻ khá phong phú. Phan Đình Tiên với Biển cả. Hoàng Trường Ninh với Đá mềm, một lối tư duy ngẫu hứng không ồn ào về khối và hình.

Bùi Hải Sơn, Trưởng bộ môn Điêu khắc Đại học Kiến trúc TP HCM với Đồng hồ cát gợi mở một ý tưởng lẫn khái niệm mới về không gian và thời gian. Vui mừng gặp lại ông nghị Hà Trí Dũng (ĐBQH khóa X) vốn nổi danh với công trình tượng đài Lê Quý Đôn, Nguyễn Đức Cảnh ở Thái Bình, Đức Thánh Trần ở Chí Linh, Hải Dương rồi tượng đài  ở Sóc Trăng…

Hà Trí Dũng bữa nay dự trại với Hồn biển mà như ông Bài cho hay chặt chẽ trong bố cục, tinh giản về khối, tóm lại có thứ ngôn ngữ đá rất là… Hà Trí Dũng, gợi cho người xem sự giàu sang lẫn phồn thực của biển. NĐK Vũ Ngọc Thành, từng dự hai lần Trại điêu khắc quốc tế Trường Xuân và Bắc Kinh - Trung Quốc lần này trình làng với công trình Vọng.

Vọng của Vũ Ngọc Thành  phảng phất chất thiền tinh giản đến tột cùng. Một vết lõm định mệnh chứa chất nỗi niềm vô vọng cô đơn và nhung nhớ… Bên cạnh Vũ Ngọc Thành là Hoàng Nhân. Vốn là họa sĩ tranh hoành tráng, nhưng từ nhiều năm nay, Hoàng Nhân khá có duyên với điêu khắc.

Anh ghi dấu của mình ở công trình tượng đài Trần Hưng Đạo ở Hải Dương, ở Ngã sáu Buôn Ma Thuột và đặc biệt mới đây là tượng đài Bình Định Vương Lê Lợi ở thành phố Thanh Hóa. Dự trại lần thứ nhất tại Nha Trang với tác phẩm Đồng Vọng (hiện bày ở công viên đường Trần Phú), lần này Hoàng Nhân tham gia với tác phẩm Mầm đá chắc nịch hình và khối nhưng lại không thiếu sự bay bổng lãng mạn.

Điêu khắc đá là loại hình nghệ thuật nặng nhọc, nhưng công việc còn quá thổ mộc này ở trại Nha Trang có tới 3 chị em đến từ Hà Nội. Ông Bài giới thiệu với tôi NĐK Nguyễn Thị Kim Liên với tác phẩm Che chở khối căng đầy, tinh giản, khỏe mạnh và gợi cảm.

Vi Thị Hoa, tác giả tượng đài Lý Thái Tổ ở vườn hoa ven hồ Hoàn Kiếm nay đem tới Nha Trang Hương rừng thanh thoát, mềm mại, tình cảm trong cách xử lý khối và hình. NĐK Lưu Thanh Lam góc cạnh, khúc chiết và trẻ trung với Cuộc sống và biển cả.

Qua hai lần tổ chức trại ở Nha Trang, dư luận cho rằng Khánh Hòa… khôn (?), cụ thể là Sở Văn hóa ranh?! Bởi cớ là đằng thằng mà nói, trong mặt bằng làm tượng bây giờ, một công trình điêu khắc bằng đá hoa cương dạng tượng đài cỡ ba mét trở xuống (na ná như 20 tác phẩm tại trại lần này) nếu mở cuộc thi hoặc đấu thầu chán chê thì cũng phải tròm trèm cỡ 300-450 triệu đồng!

Nhưng với hình thức tổ chức trại như thế này, các NĐK tính, kịch cầu các khoản cũng chỉ non trăm triệu cho một tác phẩm! Cứ cho là khoảng 2/3 công trình của trại bắt mắt người thưởng lãm và dư luận thì bằng hình thức tổ chức trại như thế này, Khánh Hòa đã lãi chán?

Phải chăng đây là một hướng đi mới của riêng Khánh Hòa và nhiều địa phương khác, nhằm tạo ra những vườn tượng tô điểm cho không gian đô thị bằng những công trình văn hóa? Một hình thức khai thác tập hợp khuyến khích tài năng của các NĐK? V.v… và v.v…

Có lẽ cái đuợc qua hai lần mở trại điêu khắc ở Khánh Hòa và Huế trước đó, các nhà quản lý lẫn lực lượng sáng tác ngõ hầu có thể tìm ra một hướng đi hữu hiệu?

…Đêm trước buổi bế mạc trại, tôi có dịp ngồi lại lâu lâu với các tác giả điêu khắc mà quên bẵng rằng mình chưa kịp hỏi chuyện gì, chưa kịp tiếp cận chi với một mảng quan trọng, một sự kiện hoành tráng ngay bên cạnh đây không kém trại điêu khắc.

Đó là trại sáng tác hội họa cũng do Sở Văn hóa Khánh Hòa tổ chức cùng thời gian với trại điêu khắc. Được biết, Khánh Hòa tiên phong làm công việc này ở trong nước. Có lẽ xin khất bạn đọc vào một dịp khác…

Đâm nhớ lâu hơn lời tâm sự của một NĐK cao niên hôm ấy rằng, bằng việc dự trại, hơn một tháng được làm việc cùng nhau được chia sẻ với nhau các ý tưởng, cảm xúc, được sống trong không khí ganh đua lành mạnh như thế này, cũng chẳng sướng sao?

Xuân Ba
Nha Trang, đêm 7/6/2007

MỚI - NÓNG