Nhà văn Anh Đức sau đại họa...

Nhà văn Anh Đức sau đại họa...
TP - Sớm nào cũng vậy, nhà văn Anh Đức thường ra ngồi ở cái bàn đá trước cửa xem báo hàng ngày. Nhìn vóc dáng, gương mặt thanh thoát của ông, chẳng ai ngờ rằng, ông từng trải đại họa…
Nhà văn Anh Đức sau đại họa... ảnh 1
Nhà văn Anh Đức (phải) và nhà thơ Lê Anh Xuân

Tôi ghé thăm nhà văn Anh Đức vào một sáng Chủ nhật. Vừa thấy tôi, ông cười, nụ cười hồn hậu của người vừa qua cơn bạo bệnh. Ông nhẹ nhàng hỏi tôi:

- Lóng rày cậu đang viết gì? Gần đây có cuốn nào hay không?

Nhà văn chúng ta là vậy, nỗi canh cánh trong lòng họ chính là làm việc, là tác phẩm của mình và của đồng nghiệp. Anh Đức là người rất quan tâm đến sáng tác của cây bút trẻ, ông cho đó là tương lai của văn học nước nhà…

Nếu nhìn bề ngoài, nhiều người cho rằng nhà văn Anh Đức là người nghiêm nghị, khó gần, nhưng thực ra, ông là người giàu tình cảm hay chuyện.

...Anh Đức sinh ra và lớn lên ở An Giang. Trong tứ giác Long Xuyên, An Giang là mảnh đất sinh ra nhiều tài năng văn nghệ. Có lẽ do phong cảnh ở xứ này trữ tình, nơi hội tụ của nhiều nguồn văn hóa dân gian, Việt - Khmer - Hoa.

Anh thoát ly gia đình, vào chiến khu hoạt động, năm 1953, được điều về làm báo Cứu quốc Nam Bộ. Ngày ấy, trong chiến khu mặc dù đời sống kham khổ nhưng các cấp lãnh đạo Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã rất quan tâm đến phát triển văn học nghệ thuật.

Giải thưởng văn nghệ Cửu Long mà cây bút trẻ Bùi Đức Ái, tên thật của Anh Đức, được tặng thưởng chứng minh điều đó. Người đầu tiên phát hiện ra năng khiếu văn học của Bùi Đức Ái chính là nhà văn Đoàn Giỏi.

Ngày ấy, Bùi Đức Ái mới ngoài hai mươi, vừa làm báo, vừa tập viết truyện ngắn, đâu được tám truyện, anh rụt rè nhờ nhà văn đàn anh Đoàn Giỏi xem giùm. Tác giả Cá bống mú, Đất rừng phương Nam, cầm tập bản thảo viết tay mặt vẫn khó đăm đăm, chiều hôm đó ông lánh ra cái chòi ở bìa rừng, gần cụm rừng Ban Văn nghệ đứng chân, mắc võng đọc.

Chừng đã khuya, Đoàn Giỏi lay Bùi Đức Ái dậy: “Cậu viết rất được, bỏ đi vài cái yếu là in được thành tập chững chạc”. Lời đánh giá của người sành văn ấy đã khiến anh thanh niên Bùi Đức Ái mừng không chợp mắt nổi. Tập truyện đầu tay ấy được lấy tên là Biển động.

Giọng kể trong văn Anh Đức được định hình từ những truyện ngắn đầu tay đó. Đấy là giọng văn điềm đạm nhưng vẫn thanh thoát. Ngay từ những truyện ngắn đầu tay của Bùi Đức Ái,  bằng đôi mắt xanh, Đoàn Giỏi dự đoán cây bút này sẽ còn đi xa.

...Anh Đức không hề thi vị hóa cuộc chiến tranh. Ông tìm ra nét đẹp của con người trong hoàn cảnh tàn bạo nhất của kẻ thù, đấy là tình người kháng chiến. Viết về cái đẹp cũng là để chống cái ác. Và, trong thực tế, tìm ra nét đẹp của con người khó hơn bới cái xấu.

…Truyện ngắn của Anh Đức không có những cốt truyện gay cấn, đặc sắc, nhưng nhờ cao tay trong cách dựng và sử dụng chữ, chi tiết đắt, tình huống hấp dẫn. Đấy cũng là những yếu tố làm nên một truyện ngắn thành công.

Truyện ngắn Khói, là một câu chuyện giản dị, một chiến sỹ giải phóng quân ở trong hầm bí mật, một lần cô gái con chủ nhà mang bữa ăn tới, cùng lúc, đám lính ngụy đi càn, và mũi thuốn của chúng đâm trúng vai cô gái. Cô gái cắn răng chịu đựng, rồi dùng khăn lau vết máu trên mũi thuốn. Cái chi tiết cô gái lau máu trên mũi thuốn thật đắc địa, nó găm vào trí nhớ người đọc.

Rồi cảnh đội nữ du kích đốt những đống lửa, tạo nên áng khói như mây để che mắt kẻ thù cho bộ đội hành quân sau trận đánh cũng rất độc đáo. Tôi đọc truyện này  chừng đã vài chục năm, vậy mà mỗi lần đi qua cánh đồng Nam Bộ vẫn như thấy hiện lên màn khói đốt đồng trong truyện ấy. Truyện ngắn thành công thường cho người thưởng văn những ấn tượng không thể quên.

Ở địa hạt bút ký cũng vậy, Anh Đức không bao giờ kể chuyện chay, những lời đại ngôn, mà bằng những chi tiết. Ngôn ngữ được chọn lọc, khi sử dụng phương ngữ thường dùng những từ nêu bật nét đặc sắc của vùng đất, thường là lời thoại để dựng tính cách nhân vật.

Trong Bức thư Cà Mau là những đoạn viết về cách đốt than, những từ như người thợ đốt lò ngửi mùi xem than đã chín chưa hay vốc bụng nước U Minh đỏ ngầu như rượu vang… Nghệ thuật dựng rất cừ, nên dù cho người xem trực tiếp bằng văn bản hay nghe qua đài phát thanh vẫn nhớ.

Anh Đức là nhà văn từ Nam Bộ tập kết ra miền Bắc, rồi trở lại chiến trường rất sớm, đợt đầu tiên của văn nghệ sỹ. Trong thời gian ở miền Bắc, Anh Đức vẫn viết với bút danh Bùi Đức Ái. Đấy chính là thời gian để anh  tiếp xúc với nhiều nhà văn lớn để học nghề.

Hồi đó, Hội Nhà văn phân công, cứ một nhà văn lớn tuổi giúp đỡ, truyền đạt kinh nghiệm, đọc bản thảo, cho một cây bút trẻ tập kết. Người kèm cặp Bùi Đức Ái là nhà văn Nguyễn Huy Tưởng. Và hàng ngày, tiếp xúc với các bậc đàn anh trong nghề ở Hà Nội, anh học được rất nhiều.

Học viết văn, chính là học kinh nghiệm sáng tác của đồng nghiệp. Bùi Đức Ái cũng đi thực tế nhiều nơi,  viết được mấy truyện ngắn nhưng không thật nổi, có lẽ do anh chưa thật sự bắt nhịp với cuộc sống ở vùng đất, chưa tạo được cảm hứng.

Anh gặp chi Nguyễn Thi Huỳnh, một phụ nữ từng hoạt động trong vùng tạm chiếm, và viết Một truyện chép ở bệnh viện. Tập truyện vừa này được bạn đọc đón nhận rộng rãi.

Đến năm 1962, anh nhận nhiệm vụ trở lại chiến trường miền Nam. Trước khi lên đường, Trưởng ban tổ chức Trung ương Lê Đức Thọ gặp Bùi Đức Ái và dặn: “Vào trong đó cậu nên tập trung thời gian mà sáng tác, đừng làm việc hành chính mất thời gian, việc đó nhiều người làm được”. Trở về chiến trường, Bùi Đức Ái lấy bút danh mới là Anh Đức.

Hành trang Anh Đức mang trở về Nam là vốn kiến thức văn học, nghề văn khá vững, khi tiếp cận với thực tế cuộc chiến đấu của quân và dân trên chiến trường Nam Bộ, Anh Đức đã viết một loạt bút ký, nổi tiếng nhất là loạt bài ký mang tên Bức thư Cà Mau, như một loại thư văn học trao đổi với nhà văn Nguyễn Tuân.

Những trang viết từ trong máu lửa nhưng vẫn giàu chất thơ, đậm hiện thực cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ. Kế đó, Anh Đức viết truyện ngắn. Một loạt truyện ngắn mang phong cách Anh Đức được đông đảo bạn đọc đón nhận. Sau một thời gian thâu lượm tư liệu, đến với vùng đất Kiên Giang, Anh Đức viết tiểu thuyết Hòn Đất.

Hòn Đất tiêu biểu cho tiểu thuyết viết về chiến tranh lúc bấy giờ, nhà văn đã dựng được nhiều nhân vật sống động. Ngay khi ra đời, tiểu thuyết Hòn Đất đã gây được tiếng vang lớn trong đời sống văn học. Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu mà Anh Đức cùng nhiều nhà văn miền Nam được nhận lãnh khẳng định thành công của dòng văn học ấy. 

Sau ngày giải phóng miền Nam, Anh Đức trở về thành phố, ông viết được mấy truyện ngắn hay. Đó là các truyện Người khách đến thăm vườn nhà tôi, Cái bàn bỏ trống, Miền sóng vỗ. Vẫn viết với bút pháp quen thuộc, nhưng nhờ chất liệu mới, cái tình người viết đằm thắm nên đứng được trong lòng bạn đọc.

Nhưng rồi, hình như không bằng lòng với cách viết cũ, ông dừng lại để tìm cách thể hiện mới mẻ hơn, phù hợp với thời đại hơn. Hơn thế, chất liệu, vốn sống trong chiến tranh của ông vô cùng lớn nhưng biến thành tác phẩm cho ngày hôm nay lại phải qua một quá trình chiêm nghiệm, tìm tòi, khám phá. Và thế là thời gian cứ qua đi…

Bây giờ, sức khỏe ông đang hồi phục tốt, nhưng không biết có sáng tạo được nữa không? Thời gian vốn rất khắc nghiệt, nó chẳng nuông chiều ai…

Sài Gòn 28/9/2007

MỚI - NÓNG