Nhà văn Kim Dung học thạc sĩ ở tuổi 83

Nhà văn Kim Dung học thạc sĩ ở tuổi 83
"Tôi đang viết luận văn thạc sĩ nộp cho đại học Cambridge (Anh). Chủ đề của luận văn là Vấn đề kế tục ngôi vua của Đường Thái Tông Lý Thế Dân" - nhà văn tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung tâm sự.
Nhà văn Kim Dung học thạc sĩ ở tuổi 83 ảnh 1
Nhà văn Kim Dung

Tuần qua, nhật báo Chosun - Hàn Quốc vừa có bài phỏng vấn tiểu thuyết gia Kim Dung, nay đã 83 tuổi.

Bây giờ ông không viết tiểu thuyết, vậy ông làm gì?

Tôi đang viết luận văn thạc sĩ nộp cho đại học Cambridge (Anh). Chủ đề của luận văn là Vấn đề kế tục ngôi vua của Đường Thái Tông Lý Thế Dân. Khi rảnh, tôi đánh cờ vây.

Thưa ông, tiểu thuyết của ông được đưa vào sách giáo khoa như một loại hình văn học, đại diện cho văn hoá Trung Quốc, đã trở thành sự kiện lớn trên văn đàn...

Khi Trung Quốc bắt đầu đi theo con đường chủ nghĩa xã hội, việc sáng tác và phát hành tiểu thuyết võ hiệp bị cấm. Sau đó, tiểu thuyết của tôi được phát hành và đánh giá cao tại các nước Anh, Ý, Nhật nên nhà nước rất hữu hảo với tôi.

Các vị lãnh đạo như Đặng Tiểu Bình, Chu Dung Cơ đều là độc giả của tôi và xưng hô với nhau là bạn bè.

Nghe nói tiểu thuyết của ông được đưa vào sách giáo khoa thay thế tác phẩm "AQ chính truyện"?

AQ chính truyện xuất hiện sớm hơn tiểu thuyết của tôi 50 năm nhưng văn phong không tuân thủ truyền thống của Trung Quốc mà mô phỏng phương Tây nên có chất khác.

Các tác phẩm văn học chịu ảnh hưởng của phương Tây thường sử dụng câu theo hình thức bị động, trong khi Trung Quốc xưa nay dùng câu chủ động. Khi viết tiểu thuyết, tôi cố gắng giữ văn phong Trung Quốc.

Ông vẫn chưa dứt bỏ được cái mũ “tiểu thuyết thông tục”. Nhà văn trẻ Vương Sóc cho rằng tiểu thuyết của ông đầy những tình tiết thông tục và ngẫu nhiên. Ông nghĩ như thế nào?

Tôi không đồng ý lấy tác phẩm của tôi làm đối tượng tranh luận cho tiểu thuyết thông tục. Nhiều giáo sư khoa văn cũng không hào hứng với kiểu tranh luận trên.

Nếu phải định hình tác phẩm mang tính nghệ thuật hay thương mại, tôi cố gắng viết như thế nào cho có nhiều người đọc mới quan trọng hơn.

Nghe nói ông rất quan tâm đến văn hoá đại chúng của Hàn Quốc?

Tôi rất thích phim Dae Jang Kum, Bản tình ca mùa đông. Việc Tổng thống Hàn Quốc, Roh Moo Hyun, tặng DVD Dae Jang Kum cho nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il đã trở thành đề tài.

Văn hoá vì vậy mà nhận được sự chú ý của đại chúng. Tôi không quan tâm tiểu thuyết của tôi là thuần văn học hay văn học thông tục. Điều tôi quan tâm là người Hàn Quốc có thích tiểu thuyết của tôi giống người Trung Quốc hay không.

Việc ba cuốn tiểu thuyết "Anh hùng xạ điệu", "Thần điêu hiệp lữ" và "Ỷ thiên đồ long ký" ký hợp đồng bản quyền tại Hàn Quốc có ý nghĩa như thế nào?

Tiểu thuyết của tôi bị in lậu tại châu Á rất nhiều. Điều quan trọng là độc giả thích sách của tôi.

Ông từng là tổng biên tập của tờ Minh báo (Hong Kong), đồng thời là nhà bình luận chính trị, phải chăng trong tiểu thuyết của ông cũng phản ánh thái độ chính trị?

Tôi cố gắng làm nghề tay phải là bình luận chính trị, nghề tay trái là viết tiểu thuyết. Tôi tin rằng, số phận tiểu thuyết dài hơn chính trị, thêm nội dung chính trị vào tiểu thuyết, số phận của nó sẽ rút ngắn lại. Dù tôi rất chú ý nhưng sau đó vẫn phát hiện Lộc Đỉnh Ký có quan điểm chính trị của tôi.  

Theo Sài gòn Tiếp thị/Chosun

MỚI - NÓNG