Nhà văn Lại Văn Long: Chuyển hệ làm phim hình sự?

Lại Văn Long hẹn sẽ có phim dài tập chất lượng về cảnh sát hình sự.
Lại Văn Long hẹn sẽ có phim dài tập chất lượng về cảnh sát hình sự.
TP - “Đứa con thời hậu chiến” là tiểu thuyết mới nhất của Lại Văn Long, sắp tới anh hẹn in liền bốn cuốn sách và một kịch bản phim dài tập đề tài cảnh sát hình sự. Cuộc trò chuyện sau đây cho thấy ở tuổi tri thiên mệnh, “Kẻ sát nhân lương thiện” ngày nào giờ lại có vẻ hiền lành, dễ bằng lòng.

Anh đang được mùa chuyển thể phim truyền hình (“Thủy cơ”, “Biệt thự Pensée”), lại còn định ra liền ba tiểu thuyết, một tập truyện và một kịch bản phim truyền hình dài tập. Anh có thể hé lộ về bộ phim đề tài an ninh này?

Phim Biệt thự Pensée chuyển thể từ truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện của tôi gồm 32 tập đã phát HTV 9 cuối năm ngoái, được nhiều giải thưởng điện ảnh và đang phát lại trên kênh Sofativi mỗi tối. Thủy Cơ chuyển từ truyện vừa Thủy Cơ của tôi cũng 32 tập, đạo diễn Đỗ Phú Hải cho biết sẽ phát HTV9 từ giữa tháng 8 tới.

Còn kịch bản phim hình sự Mật danh Đ9 đang được báo Công an TPHCM kết hợp một đơn vị thực hiện, dự kiến hoàn thành trong năm 2017. Một câu chuyện dài kể về cuộc đấu tranh với tội phạm có tổ chức của lực lượng công an TPHCM. Trong đó có mối tình phức tạp: Một nhà báo, một sĩ quan cảnh sát hình sự, một sát thủ giới giang hồ và ông trùm xã hội đen - bốn người cùng yêu một nghệ sĩ. Mỗi chàng si tình có động cơ và phương thức chiếm trái tim người đẹp khác nhau làm cho cuộc đấu tranh giữa truyền thông, công an chống tội phạm càng ly kỳ, hấp dẫn. Tôi cũng đã chuyển thể “ngược” kịch bản này thành tiểu thuyết hình sự khoảng 600-700 trang in, đang chờ xuất bản.

Tôi giờ 52, 53 tuổi, không phải 25, 26 như hồi viết Kẻ sát nhân lương thiện. Cuộc sống cũng không túng thiếu, bức bách như hồi đó nên tâm lý sáng tác thay đổi nhiều. Đúng như bạn nói “hiền lành” hơn, nhưng vẫn thích viết cái gì đó thật dữ dội mà xã hội chấp nhận được. Song viết có “tới” không còn tùy thuộc vào khả năng và thời vận nữa.

Nói thật tôi ít dám hy vọng ở phim nội về cảnh sát hình sự. Người trong nghề xem chả cười ngặt nghẽo ấy chứ. Cũng như đã phim nào chân thực về nghề báo đâu?

Tôi chưa bao giờ xem trọn tập trong một bộ phim như thế nên không dám  ý kiến. Nhưng Mật danh Đ9 được viết bởi người làm báo Công an 25 năm như tôi có lẽ không đến nỗi đưa những tình huống ngây ngô về hình sự hay báo chí. Tất nhiên phải trông đợi ở đạo diễn, diễn viên và tiền đầu tư nữa.

Tiểu thuyết mới nhất của anh- “Đứa con thời hậu chiến” lấy cảm hứng từ chuyện có thật: Cô gái trong gia đình trí thức, lỡ có con, bố đẻ giấu cô đưa đứa trẻ vào trại  mồ côi. Nhiều năm sau nhờ báo Công an TPHCM, mẹ con tìm được nhau nhưng lại nảy sinh mâu thuẫn mới. Trong cuốn này, nhân vật duy nhất gây được thiện cảm cho tôi là Trọng Hội, phóng viên báo Công an TPHCM. Nguyên mẫu nhân vật là anh à? Vì Trọng Hội ghép tên quê anh, và vài lý do nữa? Với nhân vật này và bối cảnh xảy ra chuyện, anh PR cho báo nhà ghê quá hehe.

Nhiều người đọc cũng nhận xét giống bạn. Thật ra hoạt động từ thiện như thế ở báo Công an TPHCM không có gì cường điệu cả. Chỉ chi tiết anh nhà báo Trọng Hội “10 năm nuôi con người yêu”, 10 năm lửa gần rơm cũng không “phát hỏa” và 4 chục năm chờ đợi tình yêu là cường điệu thôi.

Nhiều người hỏi tôi tốt bụng và chung thủy như Trọng Hội không? Tôi cười: “Ở đời người ta chỉ mơ điều không làm được, viết văn là cách thể hiện tốt nhất ước mơ đó”. Tôi mà chờ người yêu đến bạc tóc như Trọng Hội thì làm gì có hai đứa con lớn tướng! 25 năm làm báo Công an, tôi được nhiều thứ và chứng kiến vô vàn việc tốt đẹp mà báo đã làm cho hàng vạn độc giả của mình. Tôi có PR cho báo nhà không phải là nịnh bợ mà để nói lên sự thật cũng như tình cảm với nơi đã gắn bó hết thời trai trẻ thôi.

Trọng Hội là tên ghép Tân Hội – Đức Trọng (Lâm Đồng), quê tôi. Tôi kính trọng và thích thú nhân vật này nên mới lấy tên quê hương đặt cho anh ta, dĩ nhiên anh ta phải tốt hơn bình thường một chút mới xứng với kỳ vọng của tác giả chứ.

Anh kể mình thường viết rất nhanh, vài tháng một tiểu thuyết, thậm chí không đến. Anh không nghĩ phải bình tĩnh hơn, để văn chương “ngấu” hơn hẵng tung ra văn đàn, vì ít ra mình cũng lập danh lâu rồi?

Trong sáng tác không có chuyện “càng lâu càng hay”. Cảm xúc đến đường đột, nhà văn phải vội vã nắm bắt và triển khai ý tưởng ngay. Kẻ sát nhân lương thiện tôi chỉ viết trong một đêm mà thành công ngoài mong đợi. Một số truyện viết năm này qua năm khác mà khi hoàn thành chính mình cũng không muốn đọc lại.

 Nhưng để có được phút xuất thần, có khi phải nung nấu, nghiền ngẫm hàng năm, hàng chục năm. Bên cạnh đó là vốn sống, tri thức và quan điểm về vấn đề sẽ viết. Nhờ tích lũy qua quá trình làm báo lâu dài nên giờ tôi viết rất nhanh. Nhưng tôi luôn chú trọng “chất” chứ không chạy theo “lượng”. Bằng chứng là vài năm gần đây truyện của tôi vẫn đăng đều trên các tờ báo văn uy tín: Văn Nghệ, Văn nghệ Quân Đội, Văn Nghệ TPHCM và tuyển tập của các nhà xuất bản lớn.

Kịch bản đầu tay của tôi cũng được nhiều đạo diễn, nhà sản xuất đánh giá cao và sẵn sàng đầu tư. Nhưng viết văn là làm dâu trăm họ, được nhiều người khen thì vẫn có người chê. Tôi vui với tất cả khen chê và góp ý nào hợp lý thì cảm ơn và âm thầm điều chỉnh.   

Anh nói văn nghệ sĩ miền Bắc mà anh quen biết mấy chục năm qua đều dễ thương, chân tình?

Văn nghệ sĩ vùng nào cũng có cá tính dù họ là thường dân, công chức hay lãnh đạo. Có hai mẫu tôi không thích: Cố tạo dáng, phát ngôn lập dị, nhố nhăng hoặc cao ngạo dù văn tài không đến mức đó. Năm 1994 tôi dự Đại hội Nhà văn trẻ toàn quốc lần thứ nhất. Đó cũng là lần đầu được ra miền Bắc, thăm Thủ đô và tiếp xúc với một số văn nghệ sĩ nổi tiếng thời chiến tranh.

Hồi đó cơ cực lắm nhưng ai cũng ung dung, hào sảng như những nhà hiền triết sắp thoát tục. Họ uống rượu đế, nhai đậu phộng, sang hơn có thêm quả vịt lộn, nhưng những gì họ nói ra thì không bữa tiệc thượng lưu nào có được. 

Tôi coi đó là những buổi “nhậu học tập” bổ ích vô cùng. Sau này tôi được quen thân nhiều nhà văn nhà thơ miền Bắc khác, thấy ai cũng chân tình, khẳng khái, dễ mến và tri thức dồi dào. Kể cả khi đã say xỉn bét nhè, nói năng mất tự chủ nhưng họ vẫn rất vui vẻ, nhiệt tình với bạn bè. 

Năm ngoái Đại hội Nhà văn toàn quốc, tôi không ra dự vòng bầu chọn đại biểu tại Chi hội Nhà văn Công an nên không được dự đại hội chính thức, nhiều đàn anh gọi vào mắng té tát. Tôi bị mắng mà xúc động đến nghẹn ngào vì thấy mình được thương quá!


MỚI - NÓNG