Nhà văn làm cho giải thêm sang trọng

Nhà văn làm cho giải thêm sang trọng
TPO-Tôn vinh các tác phẩm văn chương đặc sắc bằng giải thưởng đang chứng minh sự danh giá của mình, hy vọng Hội nhà văn Hà Nội sẽ tìm ra nhiều cách để giá trị các tác phẩm này được lan tỏa rộng rãi.

Trao giải thưởng Hội nhà văn Hà Nội 2013:

Nhà văn làm cho giải thêm sang trọng

TPO-Tôn vinh các tác phẩm văn chương đặc sắc bằng giải thưởng đang chứng minh sự danh giá của mình, hy vọng Hội nhà văn Hà Nội sẽ tìm ra nhiều cách để giá trị các tác phẩm này được lan tỏa rộng rãi.

Các tác giả trong lễ trao giải
Các tác giả trong lễ trao giải. Ảnh: Minh Đạt

“Bộ” giải thưởng giàu giá trị

Vai trò của Hội nhà văn Hà Nội trong đời sống văn học nghệ thuật thủ đô đang được đánh giá ngày càng cao hơn và uy tín cũng lan rộng hơn. Điều này được tạo nên từ nhiều hoạt động chuyên môn có hiệu quả diễn ra thời gian qua với các cuộc tọa đàm, nói chuyện chuyên đề hàng tháng cùng các hội thảo tôn vinh nhiều tác gia danh tiếng của văn chương Việt Nam hiện đại. Đặc biệt là giải thưởng hàng năm của Hội đang được đề cao ở sự công tâm, tính nghiêm túc và chất lượng của các tác phẩm được giải.

Giải thưởng năm 2013 vừa được trao cho nhà văn Nguyên Ngọc với tập bút ký “Các bạn tôi ở trên ấy”, nhà thơ Giáng Vân với tập “Đường gió”, tác giả Phan An Sa với cuốn khảo cứu “Nắng được thì cứ nắng” và GS Phạm Vĩnh Cư với tập thơ dịch mang tên “Tâm” của nữ thi hào Nga Marina Tsvetaeva. GS Huệ Chi nhận được giải thành tựu sự nghiệp tác phẩm “Văn học cổ cận đại Việt Nam từ góc nhìn văn hóa đên các mã nghệ thuật”. Đây đều là các tác phẩm được đề cử và bỏ phiếu chọn lựa qua các hội đồng chuyên môn và hội đồng chung khảo. Đáng chú ý là các tác phẩm năm nay nghiêng về tính phi hư cấu, tư liệu, không có tác phẩm thuộc thể loại hư cấu. Lễ trao giải đã diễn ra trang trọng tại Thư viện Hà Nội vào sáng 10-10, đúng dịp kỷ niệm tiếp quản thủ đô năm 1954. Hội cũng dự định sẽ lấy ngày này hàng năm để tổ chức trao giải và kết nạp hội viên mới.

Các tác phẩm được ghi nhận với nhiều giá trị thuyết phục. Tập bút ký cho thấy một “Nguyên Ngọc ở tất cả các tư cách làm người và làm văn, ông là Người Đi: Đi nhiều trên thực địa, đi sát trong đời sống, đi rộng trong văn hóa, đi sâu trong tư duy”. Với tập thơ “Đường gió”, những người bầu chọn đánh giá: “Những bài thơ chắt lọc, kiệm nén, không ồn ào phô bày mà ghìm nén tâm trạng. Tập thơ chứng tỏ năng lượng thơ của tác giả vẫn dồi dào và một thái độ thơ nghiêm túc”. Nhà phê bình Phạm Xuan Nguyên – Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội thay mặt Hội cho rằng, cuốn sách “Nắng được thì cứ nắng” đã bước đầu làm hiện rõ và nổi bật vai trò, vị trí của nhà văn Phan Khôi trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Còn tập thơ dịch “Tâm” thì lần đầu tiên bạn đọc Việt Nam được tiếp xúc một cách hệ thống với thơ Marina Tsvetaeva. Trong khi đó, cuốn sách của GS Huệ Chi lại mang tính chất tổng kết sự nghiệp nghiên cứu văn học truyền thống dân tộc hơn nửa thế kỷ của một nhà nghiên cứu có tri thức và bản lĩnh, có đam mê khoa học. Các giả, tác phẩm nhận giải được coi như đã làm cho giải thưởng của Hội nhà văn Hà Nội thêm sang trọng, uy tín.

Hạnh phúc và kỳ vọng

Nhận giải, dù là với những nhân vật đã từ lâu ghi tên tuổi và giàu bản lĩnh, nhưng niềm xúc động thì lại mới mẻ, đến mức nhà thơ Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch Hội đồng thơ nhận xét: Năm nay giải thưởng không có người trẻ nhưng những “người già” được giải lại rất trẻ, long lanh, bóng bẩy, điệu đà.

Niềm vui thấy tác phẩm được tôn vinh, đi liền với mong mỏi của các tác giả. Nhà văn Nguyên Ngọc điểm lại hai lần trước là năm 1955 ông được giải của Hội văn nghệ Việt Nam cho tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” và 1965, giải của Hội văn nghệ giải phóng miền Nam cho truyện ngắn “Rừng xà nu”. Ông nói vui, dường như ông đi ngược 50 năm, từ tiểu thuyết, xuống truyện ngắn rồi bút ký. Và cả ba lần đó, tác phẩm đều nói về Tây Nguyên, với ông, Tây Nguyên là một số kiếp. Có điều, càng về sau, những gì ông viết càng bi tráng, càng buồn hơn. Nhà văn chia sẻ: “Vùng đất thâm trầm và tuyệt diệu ấy đang bị tàn phá, bởi sự ngu dốt và tham lam của con người, đến mức không biết có còn quay lại được nữa không”. Nhà văn coi cuốn sách như một tiếng kêu, mong không đến nỗi tuyệt vọng. Và ông coi giải thưởng có thể làm cho tiếng kêu ấy vang xa hơn, được chú ý hơn, được nghe rõ hơn.

Năm 2010 nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã được giải thưởng Phan Châu Trinh với công trình về các tác phẩm đăng báo của Phan Khôi. Năm 2012, bộ phim tài liệu “Con mắt có đuôi” của NSƯT Huỳnh Hùng về cố nhà văn giành HCB tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc. Tiếp đó lại được Bằng khen của Hội điện ảnh Việt Nam và được phát sóng nhiều lần. Và đến nay, như lời tác giả Phan An Sa - người con của cố nhà văn, học giả Phan Khôi, giải thưởng cho cuốn sách “Nắng được thì cứ nắng” gieo niềm vui vỡ òa trong công chúng yêu lẽ thật và sự công bằng.

Tác giả không giấu nổi xúc động khi nhìn nhận sự đánh giá của Hội nhà văn Hà Nội với tác phẩm như một bước tiến trên hành trình nhìn nhận đầy đủ hơn về người cha của ông. Được biết, năm 2014 là năm kỷ niệm 55 năm ngày mất nhà văn Phan Khôi. Cùng với việc tên nhà văn đã được đặt cho một con đường ở TP Đà Nẵng, sẽ có một hội thảo do TP và tỉnh Quảng Nam thực hiện, tiếp tục ghi nhận, tôn vinh những đóng góp của một nhà văn từng chịu nhiều thiệt thòi. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Hội nhà văn Hà Nội cũng đã có ý tưởng, dự kiến cho một hoạt động học thuật về nhà văn.

Hy vọng từ việc tôn vinh của mình, Hội nhà văn Hà Nội sẽ có những hoạt động tiếp theo trong việc quảng bá, phổ biến các tác phẩm được giải đến công chúng rộng rãi. Rất nên nghĩ đến việc xây dựng một “tủ sách vàng” của Hội và cũng là của Hà Nội, để từ đó có thể diễn ra các hoạt động in ấn, tái bản, phát hành, trao tặng và nghiên cứu, tọa đàm, hội thảo xung quanh các tác phẩm.

Với giải thưởng cho công trình đồ sộ của mình, GS Huệ Chi nhắc lời các cụ: “Của cho không bằng cách cho”. Liên tưởng cách xét, trao giải của Hội nhà văn Hà Nội với cách mà Tự lực văn đoàn đã làm, GS thẳng thắn: Nhận giải thưởng này, tôi không bị mang cảm giác xin cho, nhận sự ban ân của bề trên. Tôi được sống trong cảm xúc dân chủ. Còn nhà thơ Giáng Vân thì chia sẻ, đối với người cầm bút, niềm sung sướng là được viết và chia sẻ. Chị cũng cho rằng, có nhiều những gương mặt trẻ độc đáo, mới mẻ, nhiều giọng điệu mà Hội nhà văn Hà Nội nên tìm để ghi nhận và tôn vinh họ.

Nguyễn Quang Hưng

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.