Nhà văn 'lính tăng'

Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt tặng sách đại tá Bùi Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203. Ảnh: Kiến Nghĩa.
Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt tặng sách đại tá Bùi Tùng, nguyên Chính ủy Lữ đoàn xe tăng 203. Ảnh: Kiến Nghĩa.
TP - Tự nhận mình chỉ là một người lính xe tăng, nhưng do muốn ghi lại những câu chuyện về đồng đội trong cuộc chiến đấu gian khổ mà cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Khắc Nguyệt đã cầm bút. Đến nay, tất cả các cuốn sách của anh đều viết về những người “lính tăng”, và những tác phẩm đó đã khiến anh trở thành một nhà văn thực thụ…

Lính kể chuyện lính

Dịp 30/4 năm nay, nhờ giới thiệu của họa sĩ Lê Trí Dũng (người nổi tiếng với những bức tranh về ngựa-PV), tôi có dịp gặp đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt để tìm hiểu câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Kim Duyệt, một sinh viên đã ngã xuống trước ngày đại thắng khi trong ba lô của anh chỉ có toàn sách để chuẩn bị cho dịp trở lại giảng đường đại học. Câu chuyện xúc động này tôi đã viết trong bài “Dang dở một tài hoa ra trận” đăng trong số báo kỷ niệm chiến thắng 30/4 năm nay. Cuối buổi nói chuyện hôm đó, tôi chuẩn bị về thì gặp con một liệt sĩ tới nhà đại tá Nguyệt chơi. Qua câu chuyện giữa họ, tôi được biết chủ nhân vừa được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam đầu năm nay. “Những câu chuyện về bạn tôi như liệt sĩ Nguyễn Kim Duyệt và nhiều đồng đội khác nữa đã thôi thúc tôi cầm bút, chứ thực tình tôi ít nghĩ mình sẽ trở thành nhà văn”- CCB Nguyễn Khắc Nguyệt chia sẻ khi tôi ngỏ ý chúc mừng.

Hôm đó, do CCB Nguyễn Khắc Nguyệt bận tiếp khách nên tôi chưa có dịp hỏi thêm chuyện trở thành nhà văn của anh. Sau đó, tôi vài lần liên hệ để tới gặp nhưng anh đều không ở Hà Nội. Hóa ra với vai trò là Trưởng Ban liên lạc CCB Đại đội 4 (thuộc Lữ đoàn xe tăng 203, đơn vị đầu tiên chiếm Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975) khiến Nguyễn Khắc Nguyệt từ khi nghỉ hưu ít khi chịu ngồi yên. Khi thì anh đi thăm đồng đội, lúc lại bận tổ chức cho đơn vị cũ một chuyến đi xa… Gần đây có dịp gặp lại, anh cho biết mình vừa tổ chức cho các CCB Đại đội 4 vào tận A Lưới (tỉnh Thừa Thiên Huế) để dự lễ tưởng niệm, cầu siêu cho những đồng đội cũ đã hy sinh tại đây nhưng phần mộ sau đó không còn do vùng đất này thường xuyên bị bom đạn địch oanh tạc. Rồi Nguyễn Khắc Nguyệt tâm sự, khi đã từng qua một giai đoạn của cuộc chiến tranh, được chứng kiến bao đồng đội của mình đã ngã xuống giữa tuổi 20, bản thân anh luôn canh cánh trong lòng một món nợ tinh thần với những người đã khuất. Do vậy mà cách đây đúng mười năm, khi nhận giấy báo nghỉ hưu ở tuổi ngoại năm mươi, Nguyễn Khắc Nguyệt từng được bạn bè mời làm một số công việc khác nhưng anh đã từ chối để bắt tay vào việc viết văn. Cuốn sách đầu tiên “Hành trình đến Dinh Độc Lập” được viết với bút pháp giản dị của một cây bút không chuyên. Sự mộc mạc đó được anh thể hiện ngay ở lời đề tựa: “Cho đến giờ, hầu như mọi người dân Việt Nam đều biết về những chiếc xe tăng 843 và 390 của Đại đội 4 thuộc Lữ đoàn xe tăng 203 đã húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, và Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đã kéo lá cờ bách chiến bách thắng của dân tộc Việt Nam lên nóc Dinh trưa ngày 30/4/1975. Nhưng mấy ai biết được hành trình mà Đại đội 4 ấy đã đi qua từ lúc rời khỏi hậu phương miền Bắc vào Nam chiến đấu để đến được cái đích cuối cùng đầy vinh quang đấy…”.Vì vậy, CCB Nguyễn Khắc Nguyệt coi cuốn sách nàychỉ là lời tự sự của một chiến sĩ trong đại đội kể về cuộc hành trình đó, như một nén nhang thắp cho những người đã khuất và cũng là quà tặng cho những đồng đội đã rời quân ngũ đang ngày đêm bươn chải với cuộc sống đời thường.

Bản thảo cuốn sách được CCB Nguyễn Khắc Nguyệt hoàn thành trong nửa năm. Nó khá thô ráp, trần trụi, mộc mạc đúng với tính chất lính kể chuyện lính. Tuy nhiên, khi đọc sách thấy “Hành trình đến Dinh Độc Lập” bao quát được cả hai yếu tố không gian lẫn thời gian của một đơn vị xe tăng đã góp phần làm nên lịch sử của dân tộc về không gian, “Hành trình đến Dinh Độc Lập” được trải dài hàng ngàn cây số với những biến cố khó lường; còn về thời gian là hàng nghìn ngày có lẻ với bao mất mát hy sinh, anh hùng và hèn nhát, cao thượng và thấp hèn, vinh quang và cay đắng… Đọc sách, có thể thấy được những người lính trẻ đã tổ chức hành quân bí mật trong mưa bom bão đạn như thế nào, để thấy trong tương quan bất lợi so với địch họ vẫn cùng nhau đảm nhận nhiệm vụ mà không chút đắn đo ra sao… Và trong sự vượt lên chính mình ấy, vẫn có những nỗi sợ hãi rất con người, nhưng sợ mà vẫn sẵn sàng đối diện với cái chết thì đó là sự vượt lên chính mình một lần nữa. Với những lột tả chân thực đó, “Hành trình đến Dinh Độc Lập” được Nhà xuất bản Quân đội xuất bản năm 2008. Năm 2015, nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, cuốn sách được Nhà xuất bản Trẻ tái bản (có bổ sung) với tựa đề “Bút ký lính tăng - Hành trình đến Dinh Độc Lập”. Khi được hỏi: “Vì sao các nhân vật trong sách đều là tên thật, duy mỗi anh lại mang tên khác” - CCB Nguyễn Khắc Nguyệt trả lời: “Nếu lấy tên thật nghĩa là xưng “tôi” mất rồi, mà như thế nghĩa là hồi ký. Một người lính như tôi viết dưới dạng bút ký là phù hợp. Vì vậy cuốn tái bản mới nhấn mạnh thêm là Bút ký lính tăng”.

Nhà văn 'lính tăng' ảnh 1 Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Về hưu mới chập chững văn chương

Thành công của “Hành trình đến Dinh Độc Lập” thôi thúc CCB Nguyễn Khắc Nguyệt viết một bộ tiểu thuyết về binh chủng Tăng-Thiết giáp. Trước đây, sau khi miền Nam giải phóng, anh được cử đi học Trường Sĩ quan Tăng-Thiết giáp rồi về binh chủng này công tác cho đến lúc nghỉ hưu. CCB Nguyễn Khắc Nguyệt kể, hồi vào học Trường Sĩ quan, rất nhiều bạn đồng học là những người lính xe tăng của khắp nơi tụ hội về nên giúp cho anh thu thập được rất nhiều thông tin. Khi về Binh chủng Tăng-Thiết giáp làm việc, môi trường công tác giúp Nguyễn Khắc Nguyệt tiếp xúc, thu thập được nhiều thông tin để anh có thể tự tin viết một bộ tiểu thuyết về binh chủng mà mình cả đời gắn bó. Trong 4 năm từ 2009 đến 2012, CCB Nguyễn Khắc Nguyệt lần lượt cho ra đời bộ tiểu thuyết “Bão thép” gồm 4 tập (tập 1 “Cơn lốc đầu mùa”, tập 2 “Áp thấp đường số 9”, tập 3 “Tâm bão”, tập 4 “Trận cuồng phong”) do Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành. Với 4 tập “Bão thép”, có thể nói đây là cuốn tiểu thuyết viết về quá trình hình thành, chiến đấu, phát triển của một đơn vị đặc biệt là Binh chủng Tăng- Thiết giáp. Trong bộ tiểu thuyết tưởng chừng toàn “sắt thép” ấy, Nguyễn Khắc Nguyệt vẫn biết cách hấp dẫn người đọc bằng những trận đánh đặc sắc, những nhân vật có số phận, những lời thoại đậm chất lính… để mềm hóa các sự kiện của bộ sách. Và mặc dù phải bám theo những sự kiện, những trận đánh, nhưng Nguyễn Khắc Nguyệt luôn chú tâm xây dựng những hình tượng văn học về người lính, góp phần làm “Bão thép” trở thành một bộ tiểu thuyết thực thụ.

CCB Nguyễn Khắc Nguyệt cho biết, trong những lần tham dự các cuộc gặp mặt của Binh chủng Tăng-Thiết giáp, anh thường có dịp gặp nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Hữu Thỉnh trước đây cũng là một người lính của Binh chủng Tăng –Thiết giáp, ông từng có bài thơ hay mà sau này được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc thành bài hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Khi đó, mỗi lần xuất bản một cuốn sách Nguyễn Khắc Nguyệt lại đem tặng nhà thơ Hữu Thỉnh và những đồng đội của mình. Sau khi 4 tập “Bão thép” được xuất bản, một lần gặp nhà thơ, anh hỏi vui: “Em có thể trở thành nhà văn được không?”. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Được chứ”. Một thời gian sau, Nguyễn Khắc Nguyệt đã viết đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam. Tuy nhiên, một thời gian dài sau anh vẫn chưa thấy hồi âm. Nghĩ mình không được xét, nhưng Nguyễn Khắc Nguyệt chẳng lấy đó làm buồn, vẫn tiếp tục viết văn. Trong vài năm, một số cuốn sách nữa của Nguyễn Khắc Nguyệt như “Tự chuyện của mãnh hổ đường số 9”, “Mũi lao thép”, “Một chọi mười-Trận đấu tăng bi tráng”, “1975-hồi ức lính trận (viết chung- PV)”… do các nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân, Trẻ, Kim Đồng ấn hành. Rồi vào đầu năm 2017, một người bạn gọi điện thông báo với Nguyễn Khắc Nguyệt là anh đã trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt tâm sự: “Tôi vốn không định làm văn chương, bản thân cũng chưa được qua một lớp đào tạo hay bồi dưỡng viết văn nào. Các tác phẩm của tôi đơn giản chỉ là lính kể chuyện lính”. Tuy nhiên, những trang viết đó lại được nhiều nhà xuất bản đón nhận trong thời buổi “cơm áo không đùa với khách thơ” hiện nay. Nay trở thành một nhà văn, Nguyễn Khắc Nguyệt thấy trách nhiệm của mình lớn hơn, áp lực hơn trước mỗi trang viết. Khi được hỏi: “Nếu tự họa chân dung của mình, anh nói thế nào?” - nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt cười: “Một người bạn đã tóm tắt cuộc đời và văn nghiệp của tôi trong mấy câu thơ, ngẫm thấy đúng: Cả đời làm bạn cùng cây súng/Hưu rồi mới chập chững văn chương/Trả món nợ tình-Bao đồng đội/Vẫn còn nằm lại chốn sa trường!”.

“Tôi vốn không định làm văn chương, bản thân cũng chưa được qua một lớp đào tạo hay bồi dưỡng viết văn nào. Các tác phẩm của tôi đơn giản chỉ là lính kể chuyện lính”.

Nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt

Vần thơ trước khoảnh khắc lịch sử

Nguyễn Khắc Nguyệt nhập ngũ năm 1971, năm của nhiều thanh niên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu mà liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc của mãi mãi tuổi hai mươi là một trong những đại diện tiêu biểu. Tuy nhiên, Nguyễn Khắc Nguyệt khi đó chưa là sinh viên mà chỉ là sinh viên… hụt. Số là năm đó khi thi đại học anh đủ điểm để đi học nước ngoài, nhưng do cuộc chiến đang vào giai đoạn khốc liệt nên Nguyễn Khắc Nguyệt đã nhập ngũ. Trong quân ngũ, cái khiếu văn chương của chàng trai tài hoa quê Hưng Yên chỉ chờ dịp trỗi dậy. Trong ngày 30/4/1975 lịch sử, khi cùng đồng đội tiến vào Dinh Độc Lập, Nguyễn Khắc Nguyệt biết cuộc chiến tranh tới đây là kết thúc. Anh vội lấy cuốn sổ tay, vật “bất ly thân” hiện đã rách te tua để ghi vội mấy câu thơ: “Khi chiếc xe dừng trước Dinh Độc Lập/Ta ngỡ ngàng-đây thật hay mơ?/Cây số cuối cùng-cuộc trường chinh dằng dặc/Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng dưng nhòa”.

Đó là những vần thơ được nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt ghi lại ở một trong những trang viết xúc động nhất của cuốn “Hành trình đến Dinh Độc Lập”. Và những trang viết chân thực, xúc động về những người lính, trong đó có những chàng trai đã ngã xuống ở tuổi hai mươi khiến “Hành trình tới Dinh Độc Lập” của nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt thuyết phục được người đọc, qua đó cuốn sách được tái bản một lần nữa…

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.