Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, con vẽ, bố khen hay

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, con vẽ, bố khen hay
TP - Con trai tôi, Nguyễn Phan Bách, sinh năm 1976, học khoa Điêu khắc trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội bắt đầu vẽ tranh khoảng 5 năm nay.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, con vẽ, bố khen hay ảnh 1
Tranh của Nguyễn Phan Bách

Trong nhà, tôi vốn là nóc nhà, là cây cao bóng cả. Danh tiếng nhà văn của tôi là một thứ rất dễ để cho mọi người ngộ nhận. Không khéo ứng xử, tôi sẽ là một tai họa cho tất cả nhà.

Hiểu ra điều đó, tôi đã mất chừng 50 năm và tôi đã chọn cách ứng xử tốt nhất là chỉ làm tốt những điều cần thiết. Những đứa con tôi sau này cũng sẽ mất chừng 50 năm để hiểu điều đó.

Thuở bé, tôi mơ ước trở thành họa sĩ. Số phận cuối cùng run rủi cho tôi trở thành nhà văn. Bách là con trai đầu, tôi đã cố gắng để hướng con trai tôi vào cái mơ ước mà tôi đã không bao giờ thực hiện được.

Vì sao tôi không bao giờ trở thành họa sĩ? Tôi đã nghĩ mãi và hiểu ra rằng đấy chính vì tôi đã không bao giờ vẽ được những thứ ở trong lòng mình. Tôi chỉ viết ra được những thứ ở trong lòng mình mà thôi. Đấy là định mệnh.

Nghệ thuật, dù là nghệ thuật gì đi nữa (hội họa, âm nhạc, văn học, đá bóng, chính trị v..v...) cuối cùng vẫn chỉ là nghệ thuật sống mà thôi.

Tôi đã từng nói như thế nhiều lần với Bách và những thanh niên trẻ khác khi họ có dịp đến gặp gỡ tôi. Nhưng đấy chỉ là kinh nghiệm của riêng tôi. Bách và thế hệ của nó có những kinh nghiệm khác.

“Con ta không phải của ta bởi nó không phải của nó”. Đấy là một câu trong Kinh Phật và tôi chẳng bao giờ muốn cho con tôi giống hệt như tôi.

Triển lãm tranh “vô diện” là triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Phan Bách. Ở đây, người ta nhìn thấy có những ký hiệu và dấu vết tâm linh của vài ba thế hệ người Việt Nam chúng ta.

Sự biểu cảm và cái đẹp phảng phất như một cái nhìn vô tư lự đã làm nhẹ đi rất nhiều vẻ lo âu hoặc yếm thế. Những ảnh hưởng từ bên ngoài, những vết tích thời gian đã truyền được một sự cảm thông nhất định vào tranh.

Tôi phấp phỏng nửa mừng nửa lo cho Bách: Con trai tôi chỉ có con đường tiến sâu và xa hơn nữa vào nghệ thuật, nó không có bước lùi nào khác. Như vậy, việc trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp sẽ là tất yếu.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, con vẽ, bố khen hay ảnh 2
Họa sĩ Nguyễn Phan Bách

Bách sẽ phải nếm trải tất cả vinh quang và cay đắng cho dù thế nào đi nữa, chỉ có điều nếu thất bại thì nỗi đau của nó sẽ đau hơn nhiều những nỗi đau của người thắng lợi mà thôi vì đấy là nỗi đau của kẻ bất tài.

Tôi đứng ra giới thiệu triển lãm cho con trai tôi để nhân dịp này cám ơn sự chỉ dẫn của nhiều thầy cô giáo, bạn bè và các văn nghệ sĩ đã từng là ruột thịt với tôi và những đứa con trai tôi.

Tôi cũng cám ơn sự giúp đỡ và khuyến khích của các họa sĩ Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong, Hoàng Phượng Vỹ, Đào Châu Hải, của nhà văn Nguyễn Việt Hà, của bạn bè trong “Quỹ phát triển văn hóa Thụy Điển”v.v... để có được triển lãm này của Bách.

Con đường nghệ thuật của họa sĩ Nguyễn Phan Bách bắt đầu từ đây. Mãi mãi đây sẽ là một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời. Rất vui vì triển lãm này lại là một cử chỉ nghĩa hiệp của những tình cảm đồng nghiệp.

Cái đẹp do cuộc sống đưa lại. Nhưng cái đẹp nào cũng vậy (càng đẹp thì càng như thế) đều rất dễ tổn thương bởi nó thường nhạy cảm, tinh tế và dứt khoát đòi hỏi người ta phải hi sinh và chiến đấu cho nó.

Nguyễn Huy Thiệp
Nhà văn

____

Triển lãm “Vô diện” của Nguyễn Phan Bách tại Gallery 39-số 39A Lý Quốc Sư, HN khai mạc 8/8/2006

MỚI - NÓNG