Nhà văn nổi tiếng đi hành khất chấn động Trung Quốc

Nhà văn nổi tiếng đi hành khất chấn động Trung Quốc
TPCN - Ngày 28/10 vừa qua, trên đường Thanh Niên ở thành phố Thẩm Dương xuất hiện một người đàn ông trung niên đi hành khất, cổ đeo tấm biển, trên viết: “Ăn xin!
Nhà văn nổi tiếng đi hành khất chấn động Trung Quốc ảnh 1

Họ tên: Hùng Phong. Nghề nghiệp: Nhà văn. Tác phẩm: “Hàn Hải”, “ Khu Đông bát thời”, “Năm tháng hoà bình”, “Cuộc hẹn sinh tử”, “Giới hạn trung niên”… Đơn vị công tác: Cục Văn hoá thành phố Thẩm Dương”.

Người đàn ông này cao khoảng 1m70, béo đậm, đeo cặp kính cận dày cộp, nói giọng Đông Bắc, tự xưng là nhà văn đương đại nổi tiếng Hùng Phong. Rất nhiều người vây quanh ông ta để xem, có cả những người nước ngoài. Mọi người bàn tán sôi nổi:

“Có thật là nhà văn không? Sao lại phải đi hành khất? Chắc hẳn là kẻ lừa đảo hoặc bị bệnh thần kinh!” “Có khi đúng đấy, nghe nói các nhà nghệ thuật bây giờ có cái trò nghệ thuật hành vi gì gì đó”…

Một bạn đọc sau khi trò chuyện với người hành khất, vào mạng tìm kiếm thì thấy đó đúng là nhà văn Hùng Phong thật.

Hùng Phong tên thật là Triệu Hùng Phong, sinh năm 1957 ở Cát Lâm, năm 1978 vào học khoa Trung Văn, ĐHSP Đông Bắc, năm 1982 tốt nghiệp về giảng dạy tại Trường SP Bạch Thành.

Năm 1984 về làm biên tập tại Tạp chí “Nhà văn”. Từ 1995 về Phòng Sáng tác, Cục Văn hóa Thẩm Dương cho đến nay.

Về địa vị hiện nay của Hùng Phong trong làng văn Trung Quốc hiện nay, ông được xếp vào hàng “Xạ điêu ngũ hổ tướng”(Cùng với Tô Đồng, Dư Hoa, Mã Nguyên, Cách Phi).

Ông có tên trong Giáo trình lịch sử văn học đương đại cùng với Dư Hoa, Mã Nguyên và Cách Phi. Ông còn được coi là người đại biểu cho văn học tiên phong. Hùng Phong viết rất nhiều, tác phẩm của ông gồm nhiều thể loại: Thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết.

Ông còn là một cây bút bình luận bóng đá nổi danh trên báo “Bóng đá”. Năm 2001, cuốn “Bóng đá Trung Quốc - giấc mộng khó thành” đã gây tiếng vang lớn trong giới tín đồ túc cầu giáo.

Việc một nhà văn danh tiếng xuống đường hành khất đã gây chấn động cả trong và ngoài giới. Theo lời Hùng Phong thì ông buộc phải đi hành khất do cơ quan đã cắt lương của ông từ tháng 9.

Ông nói, năm 1995 khi ông từ Hội Nhà văn Cát Lâm chuyển về Cục Văn hóa Thẩm Dương, Cục đã thu nhận ông theo chính sách ưu đãi nhân tài. Cả ông Thị trưởng và Cục trưởng lúc đó đều hứa miệng: ủy ban thành phố sẽ bỏ ra 18 vạn tệ để mua cho ông một căn nhà, nếu thiếu tiền thì Cục VH sẽ bù vào.

Ngoài ra cả ông Cục trưởng và Cục phó đã nhất trí thoả thuận: Ông có thể không đến cơ quan làm việc và không viết kịch. Hùng Phong cho biết, chính do chính sách ưu đãi thu hút nhân tài nên ông mới về Thẩm Dương.

Thế nhưng, sau khi Hùng Phong về Thẩm Dương thì những lời hứa hẹn ưu đãi đó đều không được thực hiện. Ông chỉ được bố trí vào một căn hộ cũ kỹ có giá khoảng 3 vạn tệ trong khu tập thể đoàn kịch nói và ở đó cho đến nay.

Tuy thỏa thuận về nhà ở không được thực hiện, nhưng sự hợp tác giữa ông với Cục VH Thẩm Dương vẫn được kéo dài cho đến nay. Cho đến đầu năm nay, lãnh đạo nơi ông công tác vẫn đồng ý cho ông sáng tác ở nhà miễn là có tác phẩm.

Thế nhưng, từ tháng 9 năm nay trong tài khoản của ông không còn khoản lương 2000 tệ/tháng nữa. Hùng Phong vội đến tìm kế toán thì mới biết tiền lương của ông đã bị cắt theo chỉ thị của vị lãnh đạo mới và nói đó là cách để họ liên lạc được với ông, họ cũng bày tỏ muốn sa thải ông khỏi ngạch công chức.

Hùng Phong cho biết, từ hồi tháng 4, Cục VH đã yêu cầu ông đến cơ quan làm việc, nếu không sẽ cắt lương. Lúc đó ông đã về thương lượng với lãnh đạo Cục và đã được họ đồng ý tiếp tục cho làm việc ở nhà, nhưng đến tháng 9 thì họ đột ngột không cấp lương nữa.

Hùng Phong nói, mặc dù là nhà văn nổi tiếng nhưng ông không coi viết lách là một cách kiếm tiền. Ông nói: “Mất đi khoản tiền không nhiều lắm ấy, cũng tức là tôi đã mất đi nguồn sống cơ bản, huống hồ vợ tôi đang bị bệnh ung thư, mỗi tháng cần tới gần 3 vạn tệ để chữa bệnh”.

Phóng viên “Thời báo Hoa Hạ” liên lạc với Cục VH Thẩm Dương thì người phụ trách cục này nói: Hùng Phong có chút danh tiếng ở miền Bắc, chứ trong cả nước thì chưa là gì.

Ông Hồ Khắc Văn, Trưởng phòng sáng tác kịch nơi Hùng Phong công tác nói: “Các nhà văn ở Cục VH đều sáng tác ở nhà, nhưng mỗi tuần đều đến đơn vị một lần, đó là quy định, nhưng Hùng Phong từ trước đến nay không đi làm, cũng không đến gặp lãnh đạo hay đồng nghiệp.

Từ đầu năm đến giờ không thấy đâu, các hoạt động của đơn vị cũng không tham gia. Chúng tôi yêu cầu ông tham dự Tết Nghệ thuật, ông ấy cũng bỏ ngoài tai. Người nhà bị bệnh, chúng tôi cho nghỉ, nhưng không được bỏ liên hệ như thế.

Chúng tôi gọi điện, ông ấy không nhấc máy, cũng chả còn cách liên hệ nào khác. Ông ấy hưởng lương biên tập loại I, mọi người rất có ý kiến. Quyết định của thị trưởng tiền nhiệm là chuyện từ lâu rồi…Đơn vị đang cải cách, anh chả có cống hiến gì mà cứ nhận lương thì sao được?”.

Hồ Khắc Văn khẳng định: “Đơn vị không cắt lương của Hùng Phong mà chỉ dùng đó là cách buộc ông phải liên hệ và thương lượng với lãnh đạo… Không ngờ ông ấy lại viết thư gửi cấp trên, lại còn ra đường hành khất, gây ầm ĩ trên mạng. Sao lại có người như thế cơ chứ?”.

Về sự kiện Hùng Phong hành khất để đòi tiền lương, nhà văn chuyên nghiệp kiêm nhà báo Diệp Vĩnh Liệt nói: “Do nhà văn chuyên nghiệp cần có thời gian và không gian để sáng tác nên không cần đi làm hàng ngày, nhưng chúng tôi vẫn đang làm việc,

Hội Nhà văn vẫn cấp lương cho chúng tôi”. Về việc Hùng Phong đi hành khất, Diệp Vĩnh Liệt bày tỏ “rất không hiểu nổi hành vi này”. Ông nói: “Nhà văn chuyên nghiệp là một danh hiệu nghề nghiệp. Ra phố hành khất không phải là hành động của một nhà văn chuyên nghiệp”.

Thu Thủy
Tổng hợp

MỚI - NÓNG