Nhà văn Tô Hoài nhớ về Tết xưa

Nhà văn Tô Hoài nhớ về Tết xưa
TP - Sớm đông căm căm, Hà Nội không lên nắng. Trong căn nhà nhỏ trên phố Nghĩa Tân, nhà văn Tô Hoài rủ rỉ hết chuyện tết, chuyện xuân Tây Bắc rồi lại bâng khuâng về một thời trai trẻ nhiều đắm đuối, lắm say mê…

Phóng viên Tiền phong hẹn mãi mới gặp được nhà văn Tô Hoài, bởi với tình hình sức khỏe và thời tiết miền Bắc khắc nghiệt như hiện nay, bà Thu Cúc chỉ lo “giữ” ông nhà.

Tết năm nay các báo đến “đặt hàng” ông nhiều chứ ạ?

Năm nay, sức khỏe không tốt nên tôi không viết nhiều như mọi năm. Vừa rồi, tờ Văn nghệ trẻ có in lại truyện ngắn “O chuột” tôi viết hồi mới đôi mươi.

Ông thấy không khí tết cổ truyền được thể hiện trên báo tết ngày nay như thế nào?

Báo tết bây giờ hiện đại lắm. Báo chí là biểu hiện của đời sống hôm nay, việc làm cho không khí ngày tết cũ sống lại trên trang báo nhưng lại với tư cách rất hiện đại thì ít báo làm được như ý.

Vì thực ra việc này khó. Tôi lấy ví dụ thế này, người Nhật họ hết sức văn minh, hiện đại nhưng họ cũng rất giữ gìn cái cổ, từ cách ăn mặc cho đến kiến trúc nhà cửa…, còn mình thì ồ ạt quá.

Là người từng rất gắn bó với Tây Bắc, vậy có mùa xuân Tây Bắc nào làm ông nhớ nhất?

Tháng 10/1952, sau giải phóng Nghĩa Lộ, tôi ăn tết ở đó với người Thái và người Mường cùng đạo diễn Mai Lộc. Chặng đường đi chơi tết hàng tháng. Rồi chúng tôi lên vùng cao Tà Sùa, ăn tết với người Mông một tháng, về tôi viết được truyện “Vợ chồng A Phủ”, mà sau đó anh Mai Lộc là đạo diễn phim. Dịp đó tôi đã ở với bà con lâu nhất và là kỷ niệm đáng nhớ  nhất được ghi dấu bằng bộ phim “Vợ chồng A Phủ”.

Nhớ hồi đó tôi và đạo diễn Mai Lộc đưa những người làm chủ chốt như: nhạc sĩ, họa sĩ… và các diễn viên chính lên Tà Sùa (Nghĩa Lộ) thực tế hàng tháng.

Cố NSƯT Đức Hoàn (vai Mỵ), NSND Trần Phương (vai A Phủ) trước khi bộ phim bấm máy đã phải đi thực tế cả nửa năm trời, công phu lắm. Họ phải học gùi nước, giã gạo bằng cối đá, học cách đi đứng y như người Mông thật.

Bối cảnh bộ phim hầu hết được quay ở Ba Vì, những doanh trại Pháp ở Nghĩa Lộ cũng là dựng ở Ba Vì. Cảnh Mỵ và A Phủ chạy trốn vào hang đá quay ở chùa Trầm, còn cảnh dữ dội nhất là A Phủ nhảy xuống suối thì lại thực hiện trong trường quay.

Còn cảnh rừng hoa đào thì toàn là đào giả đấy, đoàn làm phim phải đặt mua từ Hàng Mã (Hà Nội) mang lên.  

Thế còn những kỷ niệm về tết xưa ở làng Nghĩa Đô quê ông thì sao ạ?

Tôi sinh ra và lớn lên ở làng Nghĩa Đô, đến năm 20 tuổi mới đi hoạt động cách mạng. 20 năm thanh niên ăn tết ở quê ngoại Nghĩa Đô, tôi thấy bấy giờ ăn tết công phu, diệu vợi và lôi thôi lắm.

Lôi thôi ở đây có nghĩa là ngay việc gói bánh chưng phải đi mua lá thế nào, chọn hạt đậu tròn mẩy rồi hấp đậu ra sao… nó cầu kỳ và công phu lắm. Một nhà trung bình ăn tết cũng phải gói bánh chưng, có nồi cá kho, cuốn thịt bò, giã giò…

Người ta ăn tết cả chục ngày, chung quanh tết còn có nhiều lễ hội đình chùa ở các làng xung quanh. Ngày đó, đương tuổi thanh niên tôi cũng có hẹn hò với trai gái các làng đi chùa.

Mà ở đây lúc bấy giờ còn quê và nghèo lắm. Tôi nhớ nhất thời điểm giao thừa hằng năm, dân quanh vùng đốt pháo khiến chó nhà sợ chạy hết ra đầu làng.

Thế mới có cảnh tượng trong tiểu thuyết Quê người của tôi: Ngày tết người thì đuổi bắt chó, người thì bị trương tuần đuổi đánh. Cũng như trong “Khách nợ” (truyện ngắn, 1942 - pv) tôi kể lại, nói về khách nợ thê thảm lắm, cứ cuối năm là những nhà giàu lại thuê người đi đòi nợ vào 30 tết.

Xin cảm ơn nhà văn!

Mai Anh
Thực hiện

MỚI - NÓNG