Nhà văn Mỹ có cuốn sách hay nhất tại Pháp năm 2005

Nhà văn Mỹ có cuốn sách hay nhất tại Pháp năm 2005
TPCN - Theo thông lệ, đầu tháng Giêng năm nay, tạp chí Lire của Pháp, một trong những tạp chí văn học uy tín nhất thế giới, đưa ra danh sách 20 tác phẩm được bình chọn là hay nhất năm 2005.
Nhà văn Mỹ có cuốn sách hay nhất tại Pháp năm 2005 ảnh 1
Nhà văn Mỹ Bret Easton Ellis

Đứng đầu danh sách này năm nay là Vườn trăng, tiểu thuyết của nhà văn Mỹ Bret Easton Ellis, mới xuất hiện trên thị trường sách Pháp từ ngày 20/10 năm ngoái, do công lao của nhà xuất bản Robert Laffont.

Vườn trăng khẳng định thêm danh tiếng toàn cầu vốn đã vững chắc của Bret Easton Ellis.

Sinh năm 1964 ở Los Angeles, ông qua tuổi thơ ở Sherman Oaks, trong thung lũng San Fernando. Bố ông, Robert Martin Ellis, là một nhà kinh doanh bất động sản. Mẹ nội trợ. Gia đình khá giả. Môi trường làm việc của bố chấn động rất sớm vào tâm hồn ông.

Cuộc chia tay của bố mẹ năm 1982 càng khơi sâu những vết thương lòng không tự giác và bí ẩn. Đang theo học phổ thông ở trường trung học Buckley, ông bỏ sang học nhạc ở trường Bennington (việc này gợi ý cho ông một phần của tiểu thuyết Luật chơi, 1987).

Vừa theo học, ông vừa tham gia biểu diễn trong các nhóm nhạc địa phương như nhóm Bà con. Có điều, thiên hướng văn chương đã thắng thế, nên ngay khi còn nhỏ, ông đã thai nghén và viết tiểu thuyết đầu tay, Nhỏ hơn không, 1985. Tiểu thuyết này được giới phê bình hoan nghênh, ngay lần in đầu đã tiêu thụ được 50.000 bản.

Tình yêu văn chương đã thức tỉnh trong ông cảm nhận gần như u ám về cuộc đời. Đó là sự trống rỗng. Ví như, tính vô hồn của những hoạt động núp bóng “nhân văn”, “cao thượng”, “văn hóa”.

Ông tìm cách chạy trốn khỏi bang California quê hương, sang New Mamphire học đại học. Ở đây cũng không hơn gì, ông chạy đến bờ biển phía đông và cuối cùng là New York, nơi ông lập gia đình và sống cho đến nay.

Sau hai tiểu thuyết nói trên, ông công bố tiểu thuyết Tâm lý Mỹ (1991), tập truyện ngắn Những người rỗng tuếch (1996), tiểu thuyết Glamorama (1999) và Vườn trăng (2005).

Các tác phẩm đều thành công, in nhiều, dịch nhiều, được chuyển hết thành phim. Được thừa nhận và kỳ vọng nhiều từ tuổi 21, Bret Easton Ellis không phụ lòng giới phê bình và công chúng Mỹ.

Bất chấp chỉ trích của những người không ưa ông, theo đó, ông chỉ là một nhà biếm họa và một tác giả vô liêm sỉ và vô đạo đức, Bret Easton Ellis mau chóng được công chúng và phê bình tách biệt với các đồng nghiệp và xếp vào nhóm nhỏ những “người ngoài cuộc”, xa lạ với thế hệ ông.

Ông đã thành công trong thách thức lớn là vừa thể hiện được thế giới lạnh lẽo mà ông đề cập đến trong các tác phẩm của mình, vừa là một trong những ngòi bút công kích thế giới đó cay độc nhất.

Hai tác phẩm đầu miêu tả thật đau xót một thế hệ trẻ hư hỏng, thủ phạm và nạn nhân của sự lũng đoạn khủng khiếp của thói bạc nhược và của đồng tiền.

Tập truyện ngắn Những người rỗng tuếch khắc họa chuẩn xác việc chúng ta trở nên những “linh hồn chết” do đánh mất những giá trị đạo lý.

Bảy năm trời trăn trở lao lung là cái giá ông phải trả cho Glamorama, một quả bom làm bùng nổ thế giới biểu diễn. Để tự giải phóng khỏi buồn chán, những người mẫu không biết tự bao giờ trở nên dâm đãng và thích thú thói bạo dâm, sa dần vào chủ nghĩa khủng bố phi lý và vô nhân đạo.

Công phá lớn hơn là quả bom tấn Tâm lý Mỹ. Đây là chuyện của Patrick Bateman 26 tuổi - giờ đã thành tên chung- một nhân viên môi giới ở Wall Street, khu thương mại khét tiếng của Hoa kỳ.

Y sùng bái sự hoàn mỹ, hoàn thiện, sành điệu với những nhãn hiệu cao cấp, lịch lãm và phong nhã trong giao lưu, thành công mỹ mãn trong công việc. ấy là ban ngày.

Còn ban đêm, y buông thả cho bản năng thú vật, khoái trá hiếp dâm, cắt cổ, giết người không ghê tay. Y không sao cưỡng nổi sự “nổi loạn” tuồng như vô thức giữa một xã hội tưởng chừng đã vượt rất xa đời sống hoang dã.

Tiểu thuyết được tranh luận nhiều nhất này tạo ra sự kiện Bret Easton Ellis nhức nhối bậc nhất trên văn đàn nước Mỹ, nhà xuất bản Simon & Schuster đã tạm ứng cho ông 300.000 đôla, món tiền không nhỏ thời ấy.

Khi chuẩn bị in, do nhiều phản đối của những người thân cận được đọc bản thảo, đặc biệt của các chiến sĩ đấu tranh cho nữ quyền, Nhà xuất bản đành bỏ số tiền và không công bố tác phẩm.

Song, một nhà xuất bản khác, Vintage, vội vã cầm lấy ngọn đuốc và cuốn sách ra đời một tháng sau. Xin lưu ý, trước và sau khi tập tiểu thuyết “trình làng”, Bret Easton Ellis từng bị dọa giết nhiều lần. Đương nhiên, ông không hề nao núng.

Không có hồn, thiếu cốt lõi, con người dù muốn dù không cũng tha hóa và biến thành thú vật; xã hội dù muốn dù không cũng biến thành địa ngục. Đây là chân lý do Bret Easton Ellis phát hiện.

Nó quyết định việc ông chọn đề tài (bề ngoài là hình sự), bút pháp (ông luôn thuật chuyện ở ngôi thứ nhất), ngôn ngữ (cực kỳ cô đúc, thường nhật). Một trong những nét lạ trong văn ông là độc giả luôn luôn cảm thấy nghi ngờ.

Chính câu hỏi thường trực “Chuyện này có thật không nhỉ” là một yếu tố của cảm nhận cuộc sống của ông, tạo nên sức hấp dẫn và thôi thúc riêng đối với người đọc.

Câu hỏi ấy được đặt ra riết róng trước Vườn trăng. Trong tiểu thuyết này, tác giả kể chuyện của chính mình. Sau bao bê bối ỉ eo, nhà tiểu thuyết Easton Ellis quyết định sống theo khuôn phép, thôi sử dụng ma túy và rượu nặng.

Tỏ ra là một người cha tốt, ông hoàn toàn thoải mái trong ngôi nhà sang trọng ở bờ biển phía đông Hoa Kỳ, cùng người bạn đời là nữ diễn viên Jayne Dennis và hai con nhỏ mà đứa con trai không được ông công nhận. Mỗi tuần, ông sang giảng dạy vài tiết ở trường đại học gần nhà.

Tưởng thế là ông có thể sống nề nếp, yên ổn. Không, bộ vải lông chim bỗng hóa thành một con chim săn mồi dữ tợn. Các đồ vật trong nhà động đậy, một nhân vật kỳ lạ, giống hệ - Patrick Bateman, lẻn vào nhà.

Chỉ Ellis nhận ra chuyện đó thôi. Vợ ông bao giờ cũng kết tội ông ngớ ngẩn, và trở nên nhu nhược ngay khi bà quay lưng đi. Đồng thời với chuyện kinh sợ ấy, cảnh sát thường xuyên cật vấn ông về một loạt tội ác tương tự các tội ác trong Tâm lý Mỹ. Ellis tự điều tra và thật hãi hùng, dấu vết tội phạm lúc nào cũng dẫn đến bố ông qua đời năm 1992.

Sự thực, dù không ưa bố, Bret Easton Ellis vẫn rất đau buồn cả khi bố tạ thế lẫn lúc tình nhân đồng tính luyến ái của bố từ trần năm 2004.

Mặt khác, đồng thời với việc phơi bày không ngượng ngập những tật xấu đã qua của mình như chơi bời quá độ, ông đã vẽ được một bức tranh hiện thực như  một kiệt tác của thế kỷ XIX, với cảnh châm cứu giá 500 đô la cho những em bé lao lực trong nghề may thời trang cao cấp, cảnh trị liệu “sinh lý” cho các cặp yêu đương ở nhà một bác sỹ mà ai cũng muốn giữ riêng cho mình, cảnh chim chuột giữa các diễn viên và người mẫu...

Bạo lực, tình dục, luật rừng, tham nhũng..., những vấn đề nóng bỏng được đặt ra không chỉ cho hôm nay, mà cả cho hôm qua và ngày mai. Cho nên, rùng rợn, ma quái hay máu me chỉ là bên ngoài, khiến người đọc tưởng Ellis gần gũi với Michel Houellebecq của Pháp hay Stephen King của Hoa Kỳ.

Ellis thú nhận rằng Vườn trăng được viết một phần để bày tỏ lòng biết ơn của ông đối với nhà văn này mà ông từng đọc ngốn ngấu khi mới lớn lên. Như vậy, tác phẩm của ông nảy sinh trên cái nền hiện thực đau đáu những chuyện cốt tử đủ âm điệu của cõi đời.

Do đó, nó đa dạng hóa không ngừng và thật đáng kinh ngạc, như với mọi kiệt tác chân chính, dù hài hước đến đâu, bao giờ một nỗi buồn bâng khuâng cũng xâm chiếm lòng người đọc, một khi gập một tác phẩm của Ellis lại.

Cũng như các kiệt tác chân chính, tác phẩm của Ellis gợi mở đến vô cùng, quanh vấn đề hồn cốt của con người và xã hội. Cho nên, Vườn trăng ra mắt gần như cùng lúc ở Hoa Kỳ, Anh, Pháp.

Việc nó được suy tôn là cuốn sách hay nhất tại Pháp năm qua có thể được hiểu như một giấy xác nhận đẳng cấp cổ điển của sáng tác của ông. Giờ đây, thậm chí, có học giả coi ông là nhà văn Hoa Kỳ còn sống vĩ đại nhất, một niềm vui bất tử không chỉ cho giới văn chương và không chỉ ở Hoa Kỳ...

Khuất Lệ Lan (tổng hợp)    

MỚI - NÓNG