Nhạc sĩ Anh Quân: "Chúng tôi không sợ mình cũ"

Nhạc sĩ Anh Quân: "Chúng tôi không sợ mình cũ"
Trước giờ mở màn live show Mỹ Linh tour 06, một tour diễn được cho là chuyên nghiệp, nhạc sĩ Anh Quân, người trực tiếp trong ê-kíp thực hiện chương tình trò chuyện với báo chí.
Nhạc sĩ Anh Quân: "Chúng tôi không sợ mình cũ" ảnh 1
Nhạc sĩ Anh Quân và Mỹ Linh (giữa). Ảnh: SGTT

Live show Mỹ Linh sau 6 năm khác gì với những đêm diễn tại phòng trà của cô?

Thật khập khiễng khi so sánh đêm diễn trực tiếp hoành tráng với chuyện ca sĩ hát tại phòng trà. Đây là một chương trình đầu tư dàn dựng có ý tưởng, dành riêng cho ca sĩ; còn tại phòng trà, ca sĩ chỉ hát để giới thiệu mình, hát với nhạc đệm thu sẵn, sẽ có nhiều hạn chế.

Với cá nhân tôi, phòng trà chỉ là một giải pháp tình huống, nếu như không vì mục đích kinh tế, nếu thị trường Việt Nam không bị can thiệp bởi băng đĩa lậu thì chắc chắn ca sĩ cũng chẳng cần phải đi hát phòng trà, mà sẽ dành nhiều thời gian để đầu tư vào album.

Vậy Live show Mỹ Linh phải làm gì để đó không phải là một buổi hát tại phòng trà "phóng to"?

Hơn nửa chương trình là những bài hát Linh đã phát hành trong album Chat với Mozart Để tình yêu hát, những bài này Linh ít hát tại các phòng trà sau khi album được phát hành.

Linh sẽ tái hiện tất cả những gì các bạn đã nghe trong CD, từ dàn bè, giọng tenor, soprano... đến dàn dây của Nhạc viện TPHCM và Hà Nội.

Và lần đầu tiên ban nhạc Anh Em sẽ trình diễn live bằng một dàn kèn. Tất cả chúng tôi đều háo hức chờ đợi lần ra mắt này!

Một điều nữa là trong live show lần này chúng tôi cố gắng khắc phục những điểm yếu của Việt Nam ta hay mắc phải, vấn đề về âm thanh.

Chúng tôi mời bằng được hai chuyên gia âm thanh hàng đầu của Nhật sang phụ trách phần âm thanh cho cả tour diễn, đảm bảo hệ thống âm thanh được lập trình ổn định trong điều kiện tốt nhất, phù hợp nhất cho giọng hát của Mỹ Linh.

Người ta cho rằng Mỹ Linh khó có thể hát "sống" các bài hát trong album "Chat với Mozart", cho dù có yếu tố kỹ thuật âm thanh hiện đại và đồng bộ. Anh có đảm bảo rằng đêm diễn sẽ thành công?

Chúng tôi có quyền tin tưởng chứ. Đã 6 năm, khán giả mong đợi, chúng tôi còn mong đợi nhiều hơn thế. Chúng tôi thèm cảm giác được một lần chơi hết sức mình cùng với các anh em trong ê-kíp.

Trong giai đoạn này, Mỹ Linh đang sung sức, phấn chấn tinh thần, tôi nghĩ Linh có thể hát tốt. Trong nghệ thuật, tinh thần chiếm 70% khả năng thành công cho công việc.

Từ "Tóc ngắn 1" tới "Để tình yêu hát", khán giả thấy Mỹ Linh quen thuộc trong một phong cách âm nhạc của Anh Quân - Huy Tuấn?

Có một phong cách âm nhạc xác định, chúng tôi không sợ mình cũ. Mọi người có quan niệm thích đột phá. Theo tôi trong âm nhạc, đó là một khái niệm vớ vẩn, họ nhầm những sáng tạo đột phá với việc thay đổi phong cách liên tục không định hướng.

Ca sĩ tìm được dòng nhạc cho mình đã khó, theo đuổi phong cách đến cùng càng khó hơn. Ca sĩ mà cứ thay đổi phong cách thì chỉ liên tục tạo ra những sản phẩm non của âm nhạc Việt Nam.

Vậy trong tình hình hiện nay, ca sĩ thử nhiều thể loại cũng chỉ... cố tìm cho mình một phong cách phù hợp nhất?

Với ca sĩ trẻ, phép thử có thể là cần thiết, nhưng với những người có tên tuổi thì không nên. Họ cần ổn định trong một phong cách, để từ đó có thể hòan thiện mình. Nhiều người dùng sự thay đổi để tự tạo đẳng cấp cho mình. Tôi nghĩ thế là vớ vẩn, không cần thiết.

Không đủ định hướng phong cách, cuốn theo phong cách của ê-kíp cộng tác, vô tình các ca sĩ trở thành một bản sao của ai đó?

Tôi biết, nhiều người nói Anh Quân - Huy Tuấn áp đặt phong cách lên ca sĩ cho Mỹ Linh, sau này là Phương Anh. Nhưng tôi xác định một điều, mỗi ca sĩ làm album từ chính cá tính và khả năng của họ, chúng tôi không thể ép hay tác động đến cá tính của bất kỳ ca sĩ nào!

Mỹ Linh và ban nhạc Anh Em luôn chuyên nghiệp hóa hoạt động âm nhạc, vậy theo anh, Việt Nam hiện nay còn thiếu những điều kiện gì để hòa nhập với quốc tế?

Bỏ qua những bất cập trong chuyện phát hành băng đĩa nhạc và bản quyền tác phẩm, việc chúng ta còn quá nhiều ca sĩ tạo nên những sản phẩm non, không theo tiêu chuẩn về băng đĩa cụ thể, cũng là một hạn chế.

Âm nhạc Việt Nam lại chưa có ngôn ngữ quốc tế, chưa nằm trong dòng chảy chung của thế giới, và đặc biệt, chúng ta không nằm trong hệ thống công nghiệp băng đĩa nhạc quốc tế, những hãng băng đĩa lớn chưa có mặt tại Việt Nam, đấy cũng là những khó khăn cho quá trình hòa nhập.

Tôi rất hi vọng, hiệp định WTO sắp tới sẽ cho Việt Nam có nhiều cơ hội hơn!

Theo Huy Trường
Thể thao Văn hóa

MỚI - NÓNG