Nhạc sĩ Nguyễn Cường với “ca khúc đặt hàng”

Nhạc sĩ Nguyễn Cường với “ca khúc đặt hàng”
TP - Sáng Tây Nguyên, tách cà phê nóng thơm và những người bạn. Không gian đầy ắp âm thanh ca khúc Nguyễn Cường trong chất giọng dày sâu đầy nội lực của Thanh Lam và Y Moan.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường với “ca khúc đặt hàng” ảnh 1
Nhạc sĩ Nguyễn Cường

Thưa nhạc sĩ, với anh, viết theo đơn đặt hàng dễ hay khó?

Làm nghệ thuật không có gì khó mà cũng không có gì dễ. Thật lòng yêu thì cảm xúc sẽ tràn đầy, nếu không, cáo già mấy cũng lộ. Người nghe tinh lắm.

“Robusta - Đăk Lăk, Robusta- Đăk Lăk”, hát lên nghe phơi phới. Anh say đắm loại cà phê này thật à ?

Tôi yêu được đến từng chủng loại cà phê là nhờ chính người đặt hàng ca khúc. Không nịnh tí nào, tôi yêu Đặng Lê Nguyên Vũ bởi cậu ấy có một tình yêu đất nước, cậu ấy không khát khao phấn đấu vì tiền mà vì lòng tự tôn dân tộc.

Vũ đề nghị tác phẩm không cần nhắc tên doanh nghiệp cậu ấy. Trong bài hát có câu nói tự đáy lòng của Vũ: “Một ngày mới cho ta cho quê hương”.

Nếu phía sau đơn đặt hàng chẳng có cảm xúc thật như vậy thì đành bó tay. Có lần nhận lời một xí nghiệp đóng tàu, mình  không viết được, đành xin lỗi, rút lời, bởi mình không sao tìm ra vẻ đẹp trong tâm hồn người đặt hàng hay uốn éo làm duyên.   

Nhạc sĩ có thấy mình trẻ so với tuổi thật (SN 1/12/1943), hình như nhờ sêri ria-mũ-kính mà anh khư khư giữ, kể cả khi nhảy lên sân khấu ban đêm ngổ ngáo như một chàng cowboy...

Mình tự thấy thích hợp với kiểu diện này. Hồi sang Las Vegas, một anh chàng Mỹ hỏi “Mày đang đi đóng phim đấy à?”. Có lần bạn trẻ nào đó thắc mắc sao anh không đổi mốt?

Mình bảo bỏ chiếc mũ này ra là hết 50% Nguyễn Cường, cạo ria là hết 30%, lột kính mất nốt 20% còn lại. Đùa chơi tí thôi, chứ tâm hồn vẫn là chính đúng không?

Nhiều người thấy lạ sao ông này lúc nào trông cũng hừng hực phởn phơ. Tính toán phần trăm, thì trong anh thường trực bao nhiêu nỗi buồn, bao nhiêu niềm vui?

Trong tôi luôn thường trực 100% niềm vui! Thật ra thì buồn vui như ngày và đêm, như hai mặt của một bàn tay. Trịnh Công Sơn cho rằng anh ấy hạnh phúc trong nỗi buồn, anh ấy tụng ca sự tuyệt vọng.

Còn mình nói nỗi buồn là giá trị, thậm chí là một giá trị sống. Nhưng tôi thích hướng tới niềm vui, thích tụng ca niềm hân hoan. Tôi kính trọng nỗi buồn nhưng không xài nó.

Liệu có phải vận dụng ý chí để đuổi nó đi không ?

Đúng là có phần nhờ ý chí, nhờ thói quen. Nhưng cái chính là tạng người, là trời cho. Phong cách của tôi là hào sảng, sung sướng, mạnh mẽ. Tôi chỉ thích từ vui trở lên mà thôi.

Hàng trăm tác phẩm khí nhạc, ca khúc anh đã và sẽ viết toàn vui thôi sao? 

Cũng có ca khúc viết về nỗi buồn nhưng luôn chứa chan hy vọng và khát vọng chứ không tuyệt vọng, nỗi buồn ấy sẽ qua đi.

Ví dụ trong Bi ca Trọng Thủy, nhân vật trong tận cùng đau khổ vẫn một lòng tin người yêu sẽ quay về. Tôi không biết sắp tới sẽ viết như thế nào, nhưng tôi thích mình luôn trẻ từng ngày, hân hoan từng ngày.

Điều anh muốn nói với bạn trẻ?

Đừng gặm nhấm nỗi buồn. Hãy vui và hãy yêu thật đẹp để cống hiến tốt hơn.

MỚI - NÓNG