Nhạc sĩ Nguyễn Cường xúc cảm cùng ca khúc “Bà tôi”

Nhạc sĩ Nguyễn Cường xúc cảm cùng ca khúc “Bà tôi”
Tôi rất ngại viết, chỉ thích nói trực diện để biểu đạt cảm xúc ngay. Nhưng, khi nghe "Bà tôi" của Nguyễn Vĩnh Tiến, trong tôi dậy lên một cảm xúc lạ lùng, và đây là lần thứ ba, tôi cầm bút.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường xúc cảm cùng ca khúc “Bà tôi” ảnh 1
Ca sĩ Ngọc Khuê, người đã thể hiện thành công bài hát Bà tôi

Trong đời, tôi đã hai lần cầm bút viết ra giấy những cảm xúc của mình, một lần là về ca khúc “Hồ trên núi” của NS Phó Đức Phương, cách đây 20 năm, lần khác là về “Hò kéo pháo” của NS Hoàng Vân.

Tôi phải khẳng định cảm giác này ngay. Trước hết, với chất liệu âm nhạc đồng bằng Bắc Bộ, tác giả đã tạo nên một bức tranh thủy mạc về làng quê, mà tịnh không có vết hằn như tranh sơn dầu.

Bài hát xếnh xang một gam màu tựa như tiếng gõ mõ tụng kinh, nền nã như nhịp đồng dao cất lên trong âm nhạc. Tất cả hết sức thuần khiết: này là gió cuốn mây trôi đưa tôi về làng, này là bóng nắng liêu xiêu theo tôi đường làng, làng tôi quanh co, quanh co, quanh co, quanh co... có mùa hoa cà tự nhiên tím tái, bà ví lông gà vàng như vườn cải, ông ví mặt trời như lời mối lái...

Suốt từ khi Bài hát Việt ra mắt khán giả yêu nhạc đến nay, hay nói chính xác hơn là từ rất nhiều năm nay, tôi mới được nghe được một bài hát cảm động đến thế.

Tự con chữ hát lên

Ca khúc là một bài thơ thực và siêu thực xen lẫn nhau. Thơ 4 chữ mà không giống như phổ thơ 4 chữ. Con chữ tự hát lên, cứ như thể "sinh ra" là để nên âm nên điệu: cười cười một chuỗi, trời thử bụng ta... Đó là một sự thành công mà không phải ai trong nghề cũng làm được.

Nếu xét một cách kỹ lưỡng và xét nét, nhiều chỗ trọng âm rơi không đúng, kỹ thuật còn có những chỗ chưa phải là chuẩn. Nhưng, ca khúc Bà tôi lại gần như "vượt khung", vượt qua hết rào cản của kỹ thuật để chiến thắng bằng cảm xúc rất lớn.

Với lối viết đồng dao nhất quán, tất cả đã tạo nên một nỗi ám ảnh! Đặc biệt về phần lời. Có lẽ không mấy ai nói về cái chết mà tinh tế mà cảm động đến thế: chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình chợt nổi trận gió to... Không có một chữ "đồng" nào đó, mà vẫn hình dung ra cảnh tiễn người về cõi vĩnh hằng rất đỗi quen thuộc. Phải là người sinh ra ở quê, hiểu và yêu quê Việt đến mức độ nào mới diễn tả được hình ảnh như thế.

Bà tôi không chỉ thống nhất về mặt ý nghĩa mà cả trong âm nhạc cũng vậy. Màu của La thứ gần như quán xuyến cả bài, nhưng tác phẩm vẫn tạo được sự phát triển và tái hiện. Mở: Bà tôi đưa tôi ra đầu làng một mình bà đội cả trời nắng to. Kết: Chiều nay tôi đưa bà ra đầu làng, đầu làng mình chợt nổi trận gió to. Người nghe đều cảm nhận đầy đủ sự vận động của ca khúc.

Ca khúc hiện-đại - bền-vững

Có người nói Bà tôi là bài hát không mang sắc màu hiện đại, thời cuộc. Nhưng tôi không nghĩ vậy, hiện đại chính là cái truyền thống, được Thời-Đại-Mới chấp nhận đó mới là cái hiện đại ở cấp độ cao nhất: hiện đại bền vững. Ca khúc Bà tôi đã làm được điều đó.

Cũng chính từ tác phẩm này đã đặt ra được vấn đề mà chúng ta đang suy nghĩ về âm nhạc Việt: tính thuần Việt. Theo tôi bản thân chữ "Việt" đã không thuần. Có Việt của miền Bắc - dân ca Bắc Bộ, Việt của miền Trung - dân ca Trung Bộ và miền Nam..., có nhạc Việt của ngàn năm, trăm năm trước... cho nên khái niệm âm nhạc thuần Việt là một điều khó xác định.

Để tìm được một tiếng nói khá chung thì có thể nói ca khúc Bà tôi đã kiếm được sự đồng cảm với nhiều thế hệ, nhiều khu vực khác nhau trong xã hội. Thực khó và đáng quý lắm!

MỚI - NÓNG