Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời

Nhạc sĩ Phạm Duy qua đời
TP - Chiều 27-1 nhạc sĩ tài hoa người đã nếm lịch sử thăng trầm của nền âm nhạc Việt Nam qua hai thế kỷ- Phạm Duy đã qua đời tại TPHCM sau một thời gian lâm bệnh. Chị Thuận, người giúp việc thân cận của ông cho biết: “Ông bị nhiều thứ bệnh, phải vào viện nhiều lần. Cách đây bốn hôm ông nhập viện và qua đời lúc 2 giờ chiều 27”.

> Thêm những ca khúc nào của Phạm Duy được phép phổ biến?
> “Tôi yêu tiếng nước tôi” - đêm nhạc Phạm Duy ở Huế

Phạm Duy sinh ngày 5-10-1921, tên thật là Phạm Duy Cẩn. Ông xuất phát là một ca sĩ. Theo Phạm Duy dù chơi rất thân với các nhạc sĩ hàng đầu như Văn Cao hay Hoàng Trọng, ông chỉ thực sự bước sáng tác vào năm 1947. Trước 1945 ông thực hiện nhiều chuyến biểu diễn xuyên Việt, ảnh hưởng đến sáng tác của ông sau này. Ông kể: “Tôi thích hát các ca khúc của Văn Cao và Phạm Thế Phong”.

Ông bắt tay vào sáng tác trong thời kỳ tham gia kháng chiến, vừa sáng tác vừa biểu diễn. Các ca khúc thời kỳ đầu của ông được phổ biến tại vùng tự do Thanh – Nghệ Tĩnh. Người dân ở vùng này vẫn còn nhớ đoàn văn công của Phạm Duy thường diễn ở vùng Đức Thọ, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, với nhiều ca khúc mô tả sự đau thương của người dân trong chiến tranh và khát khao hòa bình như Gươm tráng sĩ, Chinh phụ ca, Thu chiến trường, Chiến sĩ vô danh. Những năm 1950 ông vào Nam, sau đó ra hải ngoại và trở về Tổ quốc vào những năm 1990 với sự ủng hộ giúp đỡ của nhiều nhạc sĩ và nhà báo.

Theo nhạc sĩ Trần Tiến, “Phạm Duy có công lớn trong việc phát triển nền tân nhạc của Việt Nam. Không chỉ tôi mà rất nhiều anh em sáng tác khác đã học tập rất nhiều từ sáng tác của Phạm Duy”.

Ca sĩ Ánh Tuyết, thường trình bày các ca khúc của Phạm Duy viết thời kỳ chống Pháp cho biết: “Thời kỳ ông ốm đau, chúng tôi thường vào thăm ông. Ông nói không sợ chết và chưa thể chết vì ông còn nhiều dự định âm nhạc chưa làm được. Tuy nhiên ông đã ra đi”.

Phạm Duy rất phong phú về thể loại: Đạo Ca, Kiều Ca, Tục Ca, Vỉa hè ca… Tuy nhiên, trong một lần trò chuyện cùng phóng viên Tiền Phong ông nói chỉ muốn phân chia nội dung sáng tác của mình ra hai nội dung là viết về tình yêu và viết về quê hương.

Đánh giá sự nghiệp của Phạm Duy, nhạc sĩ trẻ Tuấn Khanh nói: “Phạm Duy được đào tạo bài bản. Ca khúc ông viết về quê hương rất đặc biệt, là những đỉnh cao trong âm nhạc”. Tuấn Khanh băn khoăn: “Việc nghiên cứu, thừa hưởng và phát triển di sản của Phạm Duy đang là vấn đề. Cần một thời gian dài nữa để có thể sản sinh ra những nhạc sĩ tầm cỡ như Phạm Duy”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG