Nhạc sĩ phản đối Cục Nghệ thuật Biểu diễn

Nhạc sĩ phản đối Cục Nghệ thuật Biểu diễn
TP - Hàng chục nhạc sĩ lão thành ở Hà Nội vừa ký vào văn bản phản đối Cục Nghệ thuật Biểu diễn xâm phạm quyền tác giả âm nhạc.

> Xâm phạm bản quyền có thể bị phạt nửa tỷ đồng

Nhạc sĩ Phó Đức Phương (giữa) cùng các nhạc sĩ họp bàn về việc phản đối Cục Nghệ thuật Biểu diễn vi phạm quyền tác giả. Ảnh: N.M.H
Nhạc sĩ Phó Đức Phương (giữa) cùng các nhạc sĩ họp bàn về việc phản đối Cục Nghệ thuật Biểu diễn vi phạm quyền tác giả.
Ảnh: N.M.H.
 

Văn bản được gửi đến các cơ quan quản lý sau cuộc họp do Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc (BVQTGAN) Việt Nam tổ chức sáng 16-2 tại Hà Nội.

Trong sinh hoạt biểu diễn âm nhạc đang có những hiện tượng tréo ngoe. Kẽ hở được tạo ra bởi một điều khoản trong văn bản dưới luật. Đơn cử trường hợp chương trình Chế Linh vừa rồi, Sở VH-TT&DL Hà Nội phạt không cấp phép nhưng Cục Nghệ thuật Biểu diễn lại bật đèn xanh.

Tại điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ có quy định khi sử dụng tác phẩm để biểu diễn, người sử dụng phải có nghĩa vụ xin phép và trả tiền tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Nhưng Quy chế hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp (thường gọi tắt là Quy chế 47) đã không yêu cầu đơn vị xin phép sử dụng tác phẩm phải thực hiện nghĩa vụ này.

Cụ thể, theo quy chế này, đơn xin cấp phép tổ chức biểu diễn cũng như xin phép phát hành bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc… chỉ cần “kèm theo cam kết thực hiện quyền tác giả, quyền liên quan”.

Trung tâm BVQTGAN khẳng định: “Nếu chỉ yêu cầu cam kết thực hiện quyền tác giả là chưa chặt chẽ, không đúng với quy định của pháp luật. Việc này tạo tiền đề cho việc coi thường và bất tuân pháp luật, khiến cho việc thực thi pháp luật luôn bị cản trở, thậm chí không thể thực thi.

Chính điều này dẫn đến tình trạng trên 90% số buổi biểu diễn tại khu vực phía Bắc vi phạm bản quyền tác giả”. Trung tâm đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị sửa Quy chế 47, đổi thành: “kèm theo hợp đồng với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm theo quy định của pháp luật”.

Trong công văn gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL tháng 7-2011, Trung tâm nhấn mạnh: “Việc đóng dấu cấp phép cho các cá nhân và tổ chức biểu diễn tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả không chỉ đã hợp thức hóa việc trốn tránh nghĩa vụ luật pháp của các tổ chức cá nhân hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực âm nhạc, mà bản thân việc đóng dấu cấp phép đó cũng là một hành động vi phạm pháp luật”.

Mà nắm trong tay con dấu chính là Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Vì thế sau khi các nhạc sĩ họp nhau bàn nát nước quanh vấn đề làm sao thu được tiền tác quyền đã bị các nhà tổ chức nẫng tay trên lên tới hàng tỉ đồng, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã tuyên bố: “Đề nghị tập trung thẳng vào Cục Nghệ thuật Biểu diễn!”. Cuộc họp sáng qua chỉ có các nhạc sĩ và báo giới tham dự, không có đại diện nào từ Bộ VH-TT&DL.

Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho hay thời ông làm Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội, đơn vị này đã yêu cầu đơn vị xin cấp phép biểu diễn phải thực thi nghĩa vụ tác quyền, nhưng sau đó lệ này đã không được giữ. “Mỗi một việc hết sức đơn giản, dễ dàng sao không ai thực hiện” - ông Trương Ngọc Ninh nói.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương bổ sung: “Riêng Sở VH-TT&DL TPHCM vô cùng nghiêm túc, đã quy định tất cả các tổ chức xin cấp phép phải xin phép tác giả trước, trong khi Quy chế 47 chưa yêu cầu. Thậm chí quận nào không thực hiện nghiêm còn bị trừ điểm thi đua. Hà Nội gần lửa rát mặt, Cục ở đây nên Sở không dám làm gì”.

Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo: “Luật quy định đơn vị sử dụng, kinh doanh tác phẩm phải trả bản quyền, đâm ra các ca sĩ ỷ lại nhà tổ chức”. Theo nhạc sĩ, cho một chuyến lưu diễn nước ngoài, các ca sĩ có thể nhận 7.000 USD hoặc 7.000 euro, nhưng tác giả những bài họ hát không được một đồng nào, vì thế Trung tâm cũng nên đòi quyền lợi cho nhạc sĩ với những chương trình ở nước ngoài.

Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến: “Ca sĩ khi ký hợp đồng phải biết đơn vị tổ chức đã trả tác quyền chưa. Nếu không thì ca sĩ cũng vi phạm”. Nữ nhạc sĩ cũng nhắc lại cách đây trên chục năm, hơn 300 nhạc sĩ theo phát động của Phó Đức Phương đã ký đơn đề nghị thành lập trung tâm bảo vệ tác quyền cho giới nhạc, nay sao không tiếp tục làm đơn khi quyền của mình tiếp tục bị xâm phạm.

Kết thúc cuộc họp sáng 16-2 ở trụ sở Hội VHNT Hà Nội, gần 40 nhạc sĩ có mặt cùng ký vào một văn bản phản đối Cục gửi lên các cơ quan quản lý Nhà nước. Ý kiến của nhạc sĩ Hồ Quang Bình, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội được cử tọa đồng tình: “Cục đã vi phạm trắng trợn quyền của các nhạc sĩ. Tôi sẽ thay mặt tổ chức Hội đứng ra có ý kiến, và đề nghị Trung tâm đặt vấn đề các Hội trung ương và địa phương có công văn phản đối”.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.