Nhạc sĩ Thanh Tùng: "Tôi là người cô đơn bẩm sinh"

Nhạc sĩ Thanh Tùng: "Tôi là người cô đơn bẩm sinh"
Sáu năm lao đao với bệnh tiểu đường, cũng là sáu năm tạm thời "ngưng duyên" với âm nhạc, Thanh Tùng giờ đây trông cũng hư hao và mong manh như một "giọt nắng bên đời", như thoáng làm ta xót lòng trước một "ngày đã sang đêm lâu rồi" vậy...
Nhạc sĩ Thanh Tùng: "Tôi là người cô đơn bẩm sinh" ảnh 1
Nhạc sĩ Thanh Tùng

Thực ra thì "ngày đã sang đêm" chưa, thưa nhạc sĩ?

Tôi đã từng là một kẻ quậy phá, một tay chơi thượng lưu, đôi lúc giống một tên bụi đời... (Thanh Tùng từng nổi tiếng là người thay ôtô như thay áo, ở thời điểm năm 1998, ông đã sở hữu cùng lúc 3 chiếc xe cổ sản xuất năm 1914 và 1940 - T.L). Nhưng lúc này, tôi lại cảm thấy mình là một đứa trẻ, lúc nào cũng ngây thơ, cả tin, lúc nào cũng "tội nghiệp".

Nhìn lại đời mình, lắm khi thấy mình như một người cô đơn bẩm sinh. Lúc còn nhỏ thì không được sống cùng bố mẹ. Bốn mươi tuổi thì mất vợ, gà trống nuôi con... Là thằng đàn ông mà tôi luôn cảm thấy thèm muốn sự che chở, luôn luôn thấy mình bé nhỏ.

Hình như, cũng chính vì vậy mà bản năng tự vệ trong tôi thường rất lớn, càng khiến tôi trở thành một người rất dễ tổn thương, thất thường. Tôi luôn sẵn sàng nổi điên khi thấy mình bị xúc phạm. Không gì dễ bằng... chọc giận tôi!

Vậy mà một trong những vẻ đẹp nam tính nhất trong ca từ và giai điệu của ông hình như lại chính là cái giọng bao dung, điềm tĩnh?

Đúng là tôi từng thất tình, từng bị phản bội. Nhưng lúc đó, không hiểu sao, tôi lại chỉ muốn nói: "Khi thấy buồn, em cứ đến chơi, chim vẫn hót trong vườn đấy thôi. Chỉ có trong tôi ngày đã sang đêm lâu rồi, bài hát cho em giờ đã hát cho mọi người,...".

Thanh Tùng như quyết không chịu "ngã ngựa", khi cuộc trở lại của ông lần này thật "hoành tráng": nhân vật chính của "Con đường âm nhạc" số 4 (truyền hình trực tiếp từ Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM vào tối 14.8 tới).

Sau đó không lâu, vào cuối tháng 9, live show riêng của Thanh Tùng (dự kiến mang tên "Thanh Tùng - Con đường âm nhạc đầy ắp tình yêu") sẽ lại được tổ chức tại TPHCM và có thể "xuyên Việt".

Trong con người vừa gượng dậy sau cơn bạo bệnh này, dường như đang nhói lên sức bật của một ngọn cỏ tranh sau trận cháy. Cứ như trước sau, ông chỉ định nói với chúng ta điều gan ruột ấy: "Nếu tôi chết, hãy chôn tôi với cây đàn guitar!"

Khi gặp phải một đời sống có quá nhiều biến cố, điều tốt nhất người nhạc sĩ có thể làm cho mình và "cho mọi người" là neo mình vào trong âm nhạc. Âm nhạc của tôi vì vậy có lúc nhanh lúc chậm, lúc vui lúc buồn nhưng xuyên suốt vẫn phải mang thần thái của tôi: bình thản ngay cả khi ngã ngựa...

Tình yêu nào đã làm "đầy ắp" "con đường âm nhạc" của ông?

Tình yêu con người. Một tình yêu luôn đủ để mình lúc thì cảm thấy muốn "hát với chú ve con", hay "cảm ơn mùa thu", lúc lại muốn kể một "câu chuyện nhỏ", một "chuyện tình của biển", lúc lại muốn tả một "giọt nắng bên thềm" hay một "ngôi sao cô đơn"...

Nhiều người bảo nhạc của tôi buồn nhiều hơn vui, hay đúng hơn, nó đã từng vui rồi buồn. Điều gì xảy ra khi một người thân yêu nhất của ta ra đi, còn ta thì vẫn phải tiếp tục trụ lại với cuộc đời này? Một sự cố đời sống lớn như thế chắc chắn sẽ để lại nhiều ám ảnh và với một người nhạc sĩ, không thể nói là không nhuốm màu buồn lên âm nhạc...

Như một số nhạc sĩ tài hoa khác, Thanh Tùng cũng có tiếng đa tình nhưng cũng thật trớ trêu, hầu như người phụ nữ nào từng sâu nặng với ông cuối cùng cũng đều theo chồng sống nơi đất khách. Như thể chưa từng bao giờ được nghe ông an ủi: "Em đừng ngồi buồn và đừng nói những lời giận hờn...", hay "xui dại": "Sao em không khóc, cho lòng nhẹ nhàng hơn"...

- Mặc dù vậy, điều tôi có thể tự hào là: chưa có người phụ nữ nào đi khỏi đời tôi mà lại không nhớ đến tôi, nếu như không muốn nói còn đối xử rất tốt với tôi. Khác chăng chỉ là họ không còn ở với ta thôi...

Một nhà thơ trùng tên với ông, từng buồn nỗi: "Trong câu thơ của em, anh không có mặt". Còn ông, ông có buồn không, khi trong cả 2 live show sắp tới, cũng vắng bóng những "người đàn bà hát" từng có mặt trong câu hát của ông?

- Biết làm sao khi vì lẽ này hay lẽ khác, những người đang bận đi vắng ấy không về vui được với mình. Nhưng đâu phải người nhạc sĩ chỉ hạnh phúc khi live show của mình hội tụ được nhiều sao? Nhạc Thanh Tùng có cái duyên là có thể được hát rất hay bởi những người bình thường trong phòng karaoke. Một cách tự tin, tôi không nghĩ rằng live show của tôi phải có một "trời sao" mới đứng được.

Sự tự tin trên của Thanh Tùng là hoàn toàn có lý. Tháng 11/1998, ông từng thắng lớn với "Lối cũ ta về" - live show nhạc sĩ đầu tiên và được làm "hoành tráng" nhất cho đến nay ở ta: xuyên Việt trong suốt hơn nửa tháng với 15 suất diễn.

Đến Phan Thiết đụng bão, nước dâng ngập cả tầng nhà, vậy mà hôm sau, nước rút, vẫn bán được trên 5.000 vé. "Lối cũ ta về" được gọi vui thành "lối cũ ta... giàu" vì thù lao mà ông bầu cảm ơn nhân vật chính là con số đáng giật mình vào thời điểm ấy: 100 triệu.

- Yêu cầu của ông bầu lúc đó là: nhất định phải có bài hát mới. Tôi không làm được, cho đến một hôm, sau nhiều đêm nhậu về say khướt, ngang qua phố nhỏ Đình Ngang (Hà Nội), tự nhiên vẳng ra câu hát: "đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ..." (về sau sẽ thành hình nên ca khúc "Một mình"). Thấy chưa, nhạc của tôi lắm khi rõ là được viết bởi một ... tên say rượu!

Tôi chưa bao giờ viết nhạc theo đơn đặt hàng. Âm nhạc với tôi trước sau chỉ là phương tiện để thể hiện cảm xúc chứ không phải để dạy đời, càng không thể để cầu danh cầu lợi. Đơn giản thế này thôi, nhưng tôi đã phải rất trăn trở, vật vã mới có thể có được định nghĩa này: Âm nhạc là một món đồ chơi xa xỉ cho những ai có nhu cầu sống hướng nội.

Không phải đến lúc nổi tiếng nhờ "món đồ chơi xa xỉ" kia, Thanh Tùng mới được "mát số". Một người bạn quen thân ông kể: Số ông được nhờ vợ nên ngay cả thời cả làng khó khăn, đời ông vẫn có phần "tươi" hơn người khác. Rồi về sau, chính ông cũng lại xắn tay làm kinh doanh, như thể "không chịu nghèo".

Ông chơi đủ thứ: nước khoáng (thương hiệu nước khoáng Tubon có tiếng một thời), vũ trường (ông là đồng chủ sở hữu - một trong những vũ trường đầu tiên ở Hà Nội), nhà hàng... - đủ hết! Thất bại có lúc liên tiếp nhưng bù lại, là cái duyên buôn bất động sản. Dân tình lý giải: "Mua, thì có lẽ người ta thích mua nhà của người nổi tiếng mà bán, lại cũng thích bán rẻ cho người nổi tiếng!". Còn ông thì cắt nghĩa:

- Nhớ hồi tôi "đổ" vụ Tubon, thầy bói của tôi bảo: Ông mạng "hoả", làm về "thuỷ" thì thua là phải! Và thầy khuyên tôi nên nhảy sang "thổ", tức: kinh doanh bất động sản, quả nhiên thắng.

Tôi ngẫm kỹ rồi: các cụ ta bảo "có đức mặc sức mà ăn", tiền của ngoài đường, nó đã thích vào nhà ai thì có đuổi nó cũng không đi, còn một khi nó đã không thích thì có mời nó cũng không vào. Cho nên, tìm cơ hội kiếm tiền nhiều khi chưa quan trọng bằng cơ hội làm điều tốt, dưỡng cái "đức" ở mình thì những điều may mắn sẽ tự tìm đến.

Hoá ra vì thế mà có dạo, ông đã chăm chăm đi làm từ thiện, từ trước cả khi nổi lên phong trào "người người làm việc thiện"?

Khi quyết định xây dựng một ngôi trường tình thương cho các cháu mồ côi ("Mái ấm 19.5", Ba Đình, Hà Nội), thực ra, tôi chỉ muốn được nói một lời tri ân với miền Bắc, nơi có những bà con cô bác đã từng cưu mang tôi hồi tôi còn là cậu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, thiếu thốn tình cảm quê hương, gia đình... Từng không được sống gần bố mẹ từ bé, tôi hiểu lắm việc thiếu một mái ấm, một tuổi thơ khan hiếm nụ cười...

Chứ không phải vì phần nào đó, ông cũng cần đánh bóng tên tuổi?

Nếu vậy, tôi đã không từng dám giao hẹn: nếu như bí mật không được tôn trọng thì ngay lập tức, tôi sẽ ngừng cung cấp tài chính. Và kết quả là thông tin đã được giữ kín trong suốt gần 10 năm. Làm sao tôi phải đánh bóng tên tuổi, khi tên tuổi tôi lúc đó nào đã kịp bị "gỉ"? Tôi cũng đâu cần phải "hối lộ quỷ thần" khi tôi đâu phải là người có tội?

Tôi trêu Thanh Tùng: Điều đó thì chưa biết được, vì khái niệm "người có tội" thì tương đối lắm. Bởi: không "có tội" với người này biết đâu lại "có tội" với người khác, hoặc giả: với chính mình. Làm người ta ghét mình là "có tội" với mình, làm người ta phải mê mình biết đâu cũng lại là " có tội" với người ta. Nếu hiểu theo nghĩa đó thì Thanh Tùng quả là một tay "ngây thơ vô số tội". Và không phải là ông không đầy lúc "hối lỗi".

Như trong "Cơn bão nghiêng đêm" - ca khúc ông mới sáng tác gần đây (phổ thơ Nguyễn Bùi Vợi - một bài thơ ông từng chép vào sổ tay cách đây... 40 năm): "Cơn bão nghiêng đêm - Cây gãy cành bay lá - Anh nắm tay em qua đường cho khỏi ngã - Cơn bão đã tan rồi - Hàng cây xanh thắm lại - Nhưng anh cũng xa rồi - Cơn bão lòng em - Thổi mãi...".

MỚI - NÓNG