Nhạc sĩ Việt Anh: “Tôi không vội vã”

Nhạc sĩ Việt Anh: “Tôi không vội vã”
Vẫn gương mặt trẻ, cách nói chuyện chậm rãi, kiệm lời, Việt Anh chỉ khác sáu năm về trước bởi hành trang âm nhạc khá “nặng túi” mà anh có thêm sau thời gian học tập ở New Zealand.
Nhạc sĩ Việt Anh: “Tôi không vội vã” ảnh 1

Nhạc sĩ Việt Anh và ca sĩ Thu Phương

Nhạc sĩ của Dòng sông lơ đãng có ba niềm vui mới: về sinh sống hẳn tại Việt Nam, trở thành thành viên chính thức của Nhà hát Giao hưởng vũ kịch TP.HCM và chuẩn bị tổ ấm để... cưới vợ.

Từ một nhạc sĩ trẻ nổi danh với nhạc nhẹ quyết định chọn và trở thành một người học - viết nhạc giao hưởng, từ một sinh viên học tập ở nước ngoài về công tác trong một cơ quan nhà nước... những quyết định “không giống ai” này có gây băn khoăn cho anh lắm không?

Về nền móng, tôi học nhạc cổ điển nên luôn tâm đắc dòng nhạc này nhất. Sau thời gian viết ca khúc, tôi muốn thử sức ở những lĩnh vực khác của âm nhạc, như viết khí nhạc và để làm được việc này thì phải có sự học tập rất nghiêm túc.

Hiện nay, bên cạnh công việc soạn nhạc tại Nhà hát Giao hưởng vũ kịch TP.HCM, tôi vẫn làm những việc khác như sáng tác ca khúc, hòa âm... Tất nhiên, bận rộn hơn vì phải làm hai công việc trong hai lĩnh vực cùng một lúc, nhưng suy cho cùng cả hai đều là những điều mình yêu thích nên cũng thấy nhẹ nhàng.

Còn việc công tác trong một cơ quan nhà nước, tôi nghĩ đơn giản đó là môi trường để tôi làm việc và rèn luyện chuyên môn tốt nhất hiện nay. Để đạt được điều ấy mà phải hi sinh nhiều thứ khác cũng là chuyện đương nhiên thôi.

Tại sao anh không chọn giải pháp tiếp tục sinh sống và làm việc ở New Zealand?

Ở lại nước ngoài cũng là một lựa chọn, nhưng tôi muốn được đóng góp cho âm nhạc của đất nước mình. Nhạc giao hưởng trong nước tất nhiên không thể rầm rộ như nhạc nhẹ, những người làm nhạc giao hưởng là những người làm công việc thầm lặng. Tôi thấy rất rõ sự hi sinh của mỗi người trong họ. Đó là sự hi sinh rất đáng quí, không thể nào đo được.

Nhạc giao hưởng ở Việt Nam không rầm rộ như nhạc nhẹ và khó được số đông khán giả biết đến, nhưng tại sao anh muốn dấn thân với nó?

Trước mắt tôi muốn tích lũy kinh nghiệm trong lĩnh vực này, bởi vì học xong trường nhạc mới thấy để trở thành nhạc sĩ rất khó khăn, phải mất rất nhiều thời gian đầu tư học hỏi kinh nghiệm.

Với nhạc nhẹ thì sao?

Trước mắt, tôi muốn sống một thời gian để quan sát thị trường Việt Nam sau sáu năm xa cách. Trong thời gian này, tôi vẫn tập trung vào việc viết ca khúc và hi vọng trong năm nay mình có thể tập hợp sáng tác để thực hiện một CD.

Khi công chúng bắt đầu biết đến Việt Anh với "Mưa phi trường", "Không còn mùa thu"... thì anh đi du học, và trong thời gian sáu năm chỉ cho ra đời 4-5 ca khúc, một con số quá ít với người sáng tác chuyên nghiệp?

Thời gian qua, công việc chính của tôi là tập trung vào việc học nên không có nhiều thời gian để viết ca khúc. Nhưng dù sao đi nữa, tôi cũng không thể nào sáng tác quá nhiều, bởi vì trước mỗi ca khúc viết ra, tôi cần thời gian đủ để nó chín.

Lúc mới viết xong thì thấy rất hay, nhưng một thời gian sau mình mới nhìn được ưu và khuyết điểm của “đứa con tinh thần”, cả về phần nhạc lẫn ca từ. Làm ra một tác phẩm để có thể ký tên của mình, tôi thật sự cần thời gian để thẩm thấu nó.

Ngoài ra, tôi cũng hay mất thời gian cho việc kiểm tra lại những gì mình viết ra có phải là những gì vô tình còn nằm lại trong đầu mình khi nghe hay đọc ở đâu đó hay không.

Trước sự nở rộ của nhiều dòng nhạc thời thượng hiện nay ở Việt Nam, anh có dự định làm mới âm nhạc của mình?

Tất nhiên, khi sáng tác, làm việc cũng phải theo xu thế chung, không thể nào tách rời thực tế. Tôi vẫn nghĩ mình đang trong thời gian làm quen với những gì diễn ra tại Việt Nam sau sáu năm. Được học gì đi nữa thì điều quan trọng là thực tế nền âm nhạc ở mỗi nước có khác nhau, cách tồn tại cũng khác nhau. Việc của tôi hiện nay là... không vội vã.

Nhắc đến “thương hiệu” nhạc Việt Anh, người nghe thường chú ý đến ngôn từ sang trọng và cảm xúc chững chạc so với lứa tuổi của anh. Nếu nói nhạc của anh già thì điều đó có xúc phạm một người trẻ tuổi như anh không?

Mỗi lời viết ra, tôi muốn cho nó có một sức nặng nặng nhất trong khả năng có thể làm được. Nếu nói nhạc của tôi già thì đó có thể là một lời khen. Nhưng nói chung, nói nhạc của tôi trẻ hay già đều không thật sự chính xác.

Tự vấn chính mình, anh có thấy thay đổi không so với thời gian chập chững viết nhạc và được biết đến?

Nếu có sự thay đổi thì là sự thay đổi bên trong, không nhìn thấy được, giống như tôi viết bài hát, tất cả những điều tôi nói nằm trong đó hết rồi, không cần thiết phải diễn giải bên ngoài nữa.

Anh từng nói “nếu khán giả không còn nghe nhạc của tôi thì tôi sẽ tự hát”?

Tôi hát suốt ngày đó chứ và không chỉ hát nhạc của tôi. Chị hàng xóm bảo tôi là “chắc em yêu đời lắm vì lúc nào cũng thấy hát”. 

Theo Đỗ Duy
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG