Nhạc sĩ Vĩnh Cát: “Tôi đã bị bỏ quên!”

Nhạc sĩ Vĩnh Cát: “Tôi đã bị bỏ quên!”
TP - Sau sự việc bốn nhạc sĩ - đại tá Quân đội gửi thư lên Hội đồng Giải thưởng Quốc gia bày tỏ về việc xét tặng giải thưởng đợt này, nay đến 2 lá thư (có đánh số hẳn hoi) của nhạc sĩ Vĩnh Cát.
Nhạc sĩ Vĩnh Cát: “Tôi đã bị bỏ quên!” ảnh 1
Nhạc sĩ Vĩnh Cát (phải) trong đêm nhạc riêng. Ảnh: N.Đ.T

Tác giả “Sa Pa thành phố trong sương” mệt mỏi: “Tôi rất bức xúc”.

Trong thư, ngoài việc góp ý về người chưa xứng đáng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, ông cũng tỏ bức xúc chuyện Hội đồng xét duyệt “bỏ sót một số tác giả xứng đáng”. Cụ thể ông muốn nói ai?

Tôi rất khó nói, chính tôi nằm trong số bị bỏ quên! Tôi vừa là người viết được khí nhạc, vừa viết được thanh nhạc. Có những bài hát đã được phổ biến, nổi tiếng. Từng làm một đêm giao hưởng riêng, đĩa giao hưởng riêng. Là người mở đầu một dòng nhạc giao hưởng ở VN- riêng việc đó đã có ý nghĩa nhất định. Ấy thế mà cứ bị bỏ quên hoài.

Bao nhiêu học trò của tôi như Thuận Yến, Phan Ngọc... đều được giải thưởng Nhà nước cả rồi. Bạn bè cùng học như Hoàng Việt, Hoàng Hiệp đều được Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Nhiều học sinh của tôi đã là NSND, NSƯT, mà thầy thì cứ bị bỏ quên đợt này hứa hẹn đợt kia. Đợt 1 dành suy tôn những lão làng như Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao... thì không kể. Còn đợt 2 bắt đầu xét thì sao lại bỏ sót tôi?

Một số nhạc sĩ trong đó có ông không tán thành xét tặng nhạc sĩ Trọng Bằng giải thưởng cao nhất, rằng Hội nghề nghiệp phải lên tiếng. Nhưng đề cử là từ Hội đồng chuyên ngành cơ mà? (Hội đồng cơ sở: thuộc các tỉnh các nhánh. Hội đồng chuyên ngành: thuộc Hội nhạc sĩ VN- TG).

Khi người ta còn ngồi điều khiển cái Hội đồng đó thì sự nể nang nhau cũng dễ hiểu thôi. Trong Hội đồng cơ sở còn đề đạt vài người nữa cùng được Giải thưởng Hồ Chí Minh cơ, cho nên cũng không đến nỗi căng thẳng với nhau lắm?

Hiện anh Trọng Bằng tuy không còn làm Tổng thư ký Hội nhạc sĩ VN nhưng vẫn là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật ở cơ sở, vẫn đại diện cho Hội nhạc sĩ ngồi ở Hội đồng xét duyệt quốc gia, chứ không phải Đỗ Hồng Quân như lẽ ra phải thế.

Từ đợt 1 ông đã ngồi rồi, bây giờ thôi Tổng thư ký đáng nhẽ phải có sự điều chỉnh. Có chân ở Hội đồng này một là phải Tổng thư ký các Hội. Hai là: mỗi ngành lấy 1 người được Giải thưởng Hồ Chí Minh ngồi vào đấy.

Ví dụ ngành nhạc có anh Huy Du là đúng, nhưng Trọng Bằng chưa có giải thưởng gì, lại không phải Tổng thư ký sao cứ ngồi mãi đấy. Người ta biết ông còn ở Hội đồng cơ sở, Hội đồng Trung ương thì người ta phải sợ, phải nể chứ!

PGS, nhạc sĩ Vĩnh Cát- nguyên Thành ủy viên, nguyên Giám đốc Sở VHTT Hà Nội. Nguyên Chủ nhiệm khoa Sáng tác lý luận- Chỉ huy, Phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội. Tác phẩm tiêu biểu: Sa Pa thành phố trong sương, Ngôi sao Hà Nội, Vườn nhãn quê hương, Muôn năm Tổ quốc Việt Nam, Có chúng tôi sẵn sàng (ca khúc). Hái hoa dâng Bác (Tổ khúc giao hưởng dựng thành kịch múa, 1960).

Như ông đã nói, trong Hội đồng quốc gia  đâu chỉ có nhạc sĩ Trọng Bằng mà còn nhạc sĩ Huy Du nữa.

Anh Huy Du hiện yếu lắm rồi, đang nằm trong bệnh viện.

Ông kiến nghị: mời các vị từng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước về âm nhạc tham gia xét. Nhưng phải chăng có thể có tình huống: những tác giả chỉ được Giải thưởng Nhà nước sẽ khắt khe khi đề cử và chấm cho người khác giải cao hơn mình? Ngộ nhỡ trong số được giải thưởng không hẳn ai cũng khách quan muốn người khác - ví dụ nhạc sĩ Trọng Bằng đoạt giải cao quí nhất?

Có thể xảy ra trò kéo chân nhau, nhưng dù sao cũng nên có thành phần ấy trong Hội đồng cơ sở, Hội đồng chuyên ngành. Vấn đề là tìm người đứng đắn- vừa được giải vừa đứng đắn mới có lợi cho phong trào.

Người nào đó có thể ghét ông Trọng Bằng, muốn dìm, nhưng số đông, những người khác vẫn ủng hộ Trọng Bằng nếu Trọng Bằng thật sự sáng ngời, xứng đáng, ca khúc thật nổi tiếng, nhạc không lời thật nổi tiếng...

Ông có nghĩ những góp ý của ông cũng như các nhạc sĩ khác sẽ làm xoay chuyển  tình hình?

Tôi tin tưởng vào sự đổi mới của Đảng và Nhà nước nhất là sau Đại hội 10. Còn nếu những ý kiến của tôi và anh em không có tác dụng gì thì thôi cũng đành. Về phần tôi, nếu lần thứ 2 này mà không được thì có lẽ sẽ không bao giờ! Không bao giờ tôi làm đơn hay hồ sơ gì nữa.

MỚI - NÓNG