Nhạc trẻ Việt Nam: qua rồi thời vàng son?

Nhạc trẻ Việt Nam: qua rồi thời vàng son?
Chưa bao giờ tình hình sáng tác lại nở rộ nhưng... bế tắc như hiện nay. Các ca khúc mang tính học thuật không được số đông đón nhận, còn những ca khúc “số đông” thì bị các nhà chuyên môn chỉ trích.
Nhạc trẻ Việt Nam: qua rồi thời vàng son? ảnh 1
Ca sĩ săn tìm ca khúc hay nhưng các nhạc sỹ ngày càng đi vào bế tắc.

Dự án nối tiếp dự án vẫn bế tắc

Ca khúc không phải là tất cả những gì có trên thị trường âm nhạc, thế nhưng khi thiếu vắng những ca khúc “hit” thì thị trường âm nhạc dường như vắng lặng, không còn sôi động nữa.

Từ nhà sản xuất đến ca sĩ và khán giả đều trông ngóng sự xuất hiện ca khúc hay từng giờ từng phút. Nhưng các “nhà sáng tác” ngày càng lâm vào bế tắc.

Chính vì vậy, các nhạc sĩ sáng tác đã tự đi tìm công chúng cho chính mình bằng những dự án âm nhạc mà mới nghe qua, ai cũng phải giật mình. Người thì “nghiêng ngả” theo số đông, người thì “chọn lọc” người nghe quá kỹ. Các nhạc sĩ càng xoay xở thì dường như càng bế tắc.

Nhiều nhạc sĩ cứ nhập nhằng không biết mình là “người sang” hay “kẻ chợ”, cứ lơ mơ nghe ngóng thị trường và sau đó chạy theo nó đến mệt nhoài. Chính bài toán áo cơm đã đưa các nhạc sĩ đến “ngã ba” đầy khắc nghiệt mà nếu là nhà kinh tế thì sẽ dễ lựa chọn hơn khi đứng trước những dự án chỉ tốn vài chục triệu mà có thể đáp ứng thị hiếu – dĩ nhiên là bình dân – của mấy triệu người nghe.

Và có quá lãng phí hay không khi một dự án âm nhạc tốn tiền tỉ chỉ để phục vụ cho mấy trăm người thưởng thức (!?). Và còn nhiều dự án âm nhạc với những tác phẩm tầm cỡ “xuyên quốc gia”, hay phục vụ “đa quốc gia” vẫn còn bế tắc nằm trên bàn giấy.

Ca khúc hay: Chỉ còn trong hoài niệm

Những tên tuổi lừng lẫy một thời như Thanh Tùng, Trần Tiến, Dương Thụ, Trọng Đài, Phó Đức Phương, Ngọc Châu... dường như đã lui về “ở ẩn” hoặc sáng tác thưa dần.

Thị trường âm nhạc khó có thể tìm được những Giọt nắng bên thềm, Chị tôi, Cho em một ngày, Không thể và có thể, Hoa cỏ mùa xuân... như những ngày xưa ấy. Cái không khí bi quan phủ trùm lên bầu trời âm nhạc.

Các nhạc sĩ trung niên giờ cũng đã già, còn các nhạc sĩ trẻ thì không chịu “lớn” lên.

Thị trường âm nhạc rơi vào tình trạng khủng hoảng ca khúc trầm trọng: thiếu các ca khúc đủ “chất lượng” nhưng lại thừa số lượng người tham gia sáng tác.

Nguyên nhân là các nhạc sĩ tên tuổi không còn “sung” như trước đây. Mặt khác, một thị trường âm nhạc “phi chuẩn” như hiện nay đã làm cho những nhạc sĩ có tên tuổi thực sự phải chùn tay.

Nhạc sĩ Phú Quang đã từng lên tiếng về sự “phi chuẩn” này khi nói về danh xưng nhạc sĩ. Dường như hiện nay các nhạc sĩ thực thụ đã bị đánh đồng với những người viết ca khúc không chuyên, không có hội chuyên ngành nào công nhận mà phần đông là các “nhạc sĩ”... tự công nhận chính mình và khi có một người “ăn may” với một ca khúc nào đó ồn ào trên thị trường thì kéo theo hệ lụy “người người sáng tác, nhà nhà sáng tác” làm cho danh xưng “nhạc sĩ” bị hạ thấp đến đau lòng.

Định hướng sáng tác: Công chúng bình dân

Hoạt động âm nhạc càng “khát” những ca khúc hay khi ngày càng có nhiều các nhạc sĩ trẻ, hay “nhạc sĩ” mới lăm le vào nghề đã quên đi lòng tự trọng mà “sinh sản vô tính” hàng loạt tác phẩm chất lượng kém chỉ để bán kiếm tiền.

Dù chỉ có một nội dung hoặc một “mô típ” xuất hiện trong một ca khúc nào đó, khi tung ra thị trường, được người nghe chú ý là lập tức sau đó, hàng chục “phiên bản” nối đuôi nhau xuất hiện.

Hiện nay các Sở VHTT chỉ duyệt nội dung, chủ yếu là ca từ của ca khúc, trước khi cấp phép phát hành chứ không thể kiểm định được chất lượng chuyên môn của một tác phẩm âm nhạc.

Chính vì vậy, “ngọn gió thị hiếu” của công chúng bình dân đã xô ngã “bức tường nghệ thuật”, lôi kéo nhiều nhạc sĩ chạy theo “nguyên tắc số đông”, vô hình trung, các “trung tâm đĩa lậu” và những bầu sô ca nhạc hoạt động ở các tỉnh đã trở thành “cơ quan thẩm định” không chính thức cho độ “hot” các ca khúc trên thị trường.

Nhưng có một điều đáng buồn là trong số những nhạc sĩ “sáng tác dễ dãi” đó không phải ai cũng là người non nớt, mà có người đã từng được giới chuyên môn công nhận, là hội viên chính thức của hội âm nhạc hẳn hoi, nay cũng nghiêng theo “chủ nghĩa ăn may” của âm nhạc thị trường.

Và để cứu vãn tình hình bế tắc ca khúc hay như hiện nay, các hội chuyên ngành như Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh đã có những cuộc vận động sáng tác và hỗ trợ các nhạc sĩ phổ biến tác phẩm. Thế nhưng các bài hát hay vẫn “biệt vô âm tín”.

Cả VTV và HTV cũng đã vào cuộc với hai “cuộc chơi” lớn là Bài hát Việt và Sài Gòn tình ca, được quảng bá liên tục trên sóng truyền hình với hàng trăm ca khúc của mỗi chương trình, chất lượng chuyên môn được “bảo chứng” bởi hội đồng nghệ thuật hẳn hoi.

Thế nhưng những ca khúc trên, dù được chăm chút rất kỹ từ khâu dàn dựng, hòa âm và được các “sao” thể hiện, vẫn chưa chinh phục được khán giả số đông và chưa được xem là các ca khúc “hit” trong đời sống âm nhạc.

Giờ đây nhạc trẻ chỉ còn những ca khúc gây được sự chú ý trên thị trường vì khả năng... gây sốc trong ca từ, hay ngay trong chính những xì căng đan của tác giả. Tìm một ca khúc “hit” trong thời buổi hiện nay còn khó hơn chuyện đãi cát tìm vàng.

Có bi quan lắm không khi nói cái thời vàng son của nhạc trẻ đã qua và... không bao giờ trở lại! Đó không chỉ là câu chuyện “trà dư tửu hậu” bên bàn cà phê buổi sáng tại 81 Trần Quốc Thảo (trụ sở của Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh) nữa mà là vấn đề chung của mỗi chúng ta, những người tâm huyết với nền nhạc trẻ Việt Nam.

Theo Người lao động

MỚI - NÓNG