Nhạc Trịnh đâu chỉ để du ca

Nhạc Trịnh đâu chỉ để du ca
TP - Quỹ từ thiện Da Vàng do Nguyễn Hữu Thái Hòa và gia đình Trịnh Công Sơn thành lập sẽ ra mắt dịp kỷ niệm tám năm ngày nhạc sĩ qua đời (1/4/2009).
Nhạc Trịnh đâu chỉ để du ca ảnh 1
Thái Hòa ở Hà Nội

Tần suất biểu diễn nhạc Trịnh trên sân khấu của anh là bao nhiêu?

Nhạc Trịnh luôn ở quanh cuộc sống của tôi mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ. Khi ở Pháp, tôi thường tình nguyện lãnh phần ru con bằng những ca khúc Trịnh Công Sơn. Đó là cách rất hay để thuộc lời và đưa vào tâm hồn trẻ thơ những lời ca và giai điệu nhẹ nhàng, nhân văn.

Mỗi ngày trên đường đến công sở, tôi luôn có trong đầu một ca khúc, một giai điệu Trịnh Công Sơn, từ đó tìm kiếm thêm ý tưởng hòa âm mới. Có khi nghe lại bài cũ, tôi hiểu thêm nhiều điều mới lạ... Có thể nói, tôi hát nhạc Trịnh mọi nơi chốn trong cõi đời này.

Có khi vài tháng hát một lần, có khi tuần bốn lần liên tiếp. Có chuyến công tác xuyên lục địa hát với bạn bè và người hâm mộ, hoặc có thời điểm nhận hát liên tiếp nhiều chương trình ở những thành phố gần nhau để bõ công một lần chuẩn bị, tập dượt.

Ở Pháp, có lúc tôi còn tổ chức hát nhạc Trịnh trong buổi quyên góp cho người khuyết tật da trắng. Không khán giả nào hiểu lời, thế mà có người sụt sùi khi nghe tôi ôm guitar nhắm nghiền mắt hát: Có một ngày như thế, anh đi. Anh đi đâu, về đâu...

Nhìn thêm những hình ảnh, hồ sơ VNED và VAVA cung cấp, thấy các em bé tật nguyền, tôi tự nhủ mình và những người Việt Nam còn lành lặn sau cuộc chiến đã quá may mắn. Chúng tôi nên chia sẻ nỗi đau với các nạn nhân. Riêng tôi coi việc làm này như một cách tích phước cho con gái tôi sau này vậy.

Đến album thứ bảy, anh có bí quyết gì để làm mới dòng nhạc này?

Nên hát thật với lòng mình. Bạn cứ nhắm mắt lại hằng đêm và trong đầu nhẩm một câu của Trịnh Công Sơn. Khi đó bạn thật sự đối diện với lòng mình, lời ca chỉ là công cụ dẫn đường, khai phá phần bên trong của bạn.

Vì nâng niu từng câu chữ Trịnh Công Sơn, tôi chỉ hát khi tâm mình thật thanh thản (thường là giữa đêm khuya thanh vắng) để không cơ bắp hóa, hoặc làm sến dòng nhạc đầy triết lý và sang trọng này.

Dòng nhạc Trịnh vốn còn quá mới đối với mỗi người, sao phải làm mới nhỉ! Tôi còn nhớ năm 1998, trong một buổi tối ngồi với nhau, chính Trịnh Công Sơn thú thật với bạn bè rằng: “Đến bây giờ, moi (tôi) vẫn còn khám phá cái thú vị của lời bài Một cõi đi về...”.

Ngoài lãnh đạo một tập đoàn công nghiệp của Pháp 12 năm nay, Nguyễn Hữu Thái Hòa còn nổi tiếng như một người hát Trịnh Công Sơn có phong cách. Từng học tại chức thanh nhạc Nhạc viện TPHCM, anh vừa ra album nhạc Trịnh thứ bảy.

Có người cho rằng anh hoàn toàn có thể hát tốt các nhạc sĩ khác. Vậy sao chỉ chung thủy với Trịnh? Anh có nghĩ đang tự giới hạn khả năng của mình?

Nếu bạn chỉ (muốn) hát với lòng mình và những rung động nội tại thì việc hát tốt hay không chỉ có mình cảm được, tùy thời điểm. Chỉ biết rằng thời sinh viên, tôi từng hát phòng trà kiếm sống bằng những nhạc phẩm tiếng Anh, Pháp của thập niên 60-70 như Boulovard, L’ amour c’est pour rien, Deilah, Yesterday... và hát cả nhạc khiêu vũ, nhạc tiền chiến.

Từng rất yêu Phạm Duy, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An qua một album nhạc đầu tay ở Canada. Nhưng có lẽ chỉ nhạc Trịnh giữ chân tôi lại rất lâu và có lẽ là mãi mãi...

Vì sao anh chọn hát bằng giọng địa phương (giọng Huế?)?

Tôi không chọn, mà hát bằng thổ âm thật của mình. Ba mẹ tôi đều gốc miền Trung nên giọng nói có âm sắc Huế. Khi thu âm, tôi cũng cố gắng để ý sửa theo giọng Bắc cho chuẩn.

Nhưng khi phiêu vào lời nhạc, vẫn trở về thổ âm của mình. Có bạn trẻ lại gởi thư nói, anh Thái Hòa đừng nên sửa giọng, em thích nhất ở chính cái cách hát ngọng của anh đấy. (cười)

Được biết anh lập bảo tàng về Trịnh và bây giờ là quỹ từ thiện. Anh có thể nói đôi điều về hoạch định tương lai của quỹ?

Năm nay, tôi tập trung hết các hoạt động với âm nhạc Trịnh Công Sơn vào mục đích từ thiện của Quỹ Da Vàng - do tôi phối hợp cùng chị Trịnh Vĩnh Trinh nhằm trợ giúp nạn nhân nhiễm chất độc da cam qua hợp tác với tổ chức VNED (Pháp) và VAVA (Việt Nam).

Quỹ sẽ kết nối với Thư viện Trịnh Công Sơn tại châu Âu và các hội nhóm yêu nhạc Trịnh trên thế giới và các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp tại Việt Nam- thông qua một số chương trình trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn.

Rất tình cờ, tôi ghé thăm một người em là nhạc sĩ tham gia thực hiện album Mẹ. Chứng kiến em và chị gái là nạn nhân dioxin do bố tham gia chiến trường miền Nam trước 1975, tôi tự biết lòng mình đã hướng hoàn toàn vào một con đường khác.

Âm nhạc Trịnh Công Sơn của chúng tôi giờ đây không còn chỉ là những ngày tháng rong chơi, du ca.  

MỚI - NÓNG