Nhái tranh: Các trường Mỹ thuật cần quan tâm

Nhái tranh: Các trường Mỹ thuật cần quan tâm
TP - "Chưa hề có một giáo trình nào liên quan đến vấn đề bản quyền được giảng dạy trong các trường đào tạo sinh viên mỹ thuật cả". PGS TS Nguyễn Đỗ Bảo, Chủ tịch HĐ Phê bình mỹ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết. 
Nhái tranh: Các trường Mỹ thuật cần quan tâm ảnh 1
PGS.TS Nguyễn Đỗ Bảo

Cá nhân tôi cho rằng các cấp quản lý vẫn còn bỡ ngỡ với công ước này vì nó mới. Trong phạm vi hoạt động của Hội Mỹ thuật, tôi vẫn chưa thấy có được một buổi tổ chức giới thiệu về nội dung công ước cho hội viên, kết hợp với sự tham gia của Vụ Mỹ thuật- nơi trực tiếp quản lý các vấn đề về mỹ thuật, soạn thảo các văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực này.

Cũng có thể vì nó mới nên cấp lãnh đạo Hội hay Vụ còn phải nghiên cứu, tìm hiểu xem mình yếu ở điểm nào rồi mới trao đổi rộng rãi hơn để tìm giải pháp thực hiện chăng...

Thế còn việc phổ biến vấn đề bản quyền tới các nghệ sĩ tương lai, thưa ông?

Chưa hề có một giáo trình nào liên quan đến vấn đề bản quyền được giới thiệu giảng dạy trong các trường đào tạo sinh viên mỹ thuật cả. Nói đơn giản, cả nước mới có khoảng 1.500 hội viên Hội Mỹ thuật và hoạt động của  hội thì hình như chỉ giới hạn trong số người này.

Số sinh viên mỹ thuật, từ hệ cao đẳng đến đại học, từ đại học Mỹ thuật đến Mỹ thuật công nghiệp, rồi cả Sư phạm Mỹ thuật nữa,... ra trường hàng năm có lẽ cũng bằng số hội viên nêu trên.

Ai quản lý họ và quản lý trên cơ sở văn bản luật pháp nào nếu như có vấn đề gì liên quan đến bản quyền sáng tác? Rõ ràng là cần phải giúp họ hiểu biết luật pháp để nâng cao ý thức về luật pháp trước đã. Đây là chức năng của cơ quan Nhà nước, khi các cơ quan này còn chưa làm tròn nhiệm vụ thì người ta vi phạm là đương nhiên.

Không thể nói là không có cách nào giải quyết nạn vi phạm bản quyền mỹ thuật hay tình trạng tranh nhái phong cách, cũng như nhiều hiện tượng vi phạm bản quyền trong các ngành âm nhạc, văn học hiện nay được.

Cơ quan quản lý mỹ thuật phải có đề xuất đích đáng với cấp trên để giải quyết, để các văn bản pháp quy về hoạt động mỹ thuật có kẽ hở thì người đề ra chúng phải chịu trách nhiệm trước tiên.

Vậy ý thức đạo đức nghề nghiệp của họa sĩ - người sáng tạo nghệ thuật, chẳng lẽ lại không quan trọng?

Đạo đức nghề nghiệp hay đạo đức sống cũng thế cả thôi, đâu phải ai cũng có ý thức đầy đủ được. Tôi có suy nghĩ rằng trong vấn đề tranh nhái phong cách mà chúng ta đang nói đến ở đây, hầu hết những người nhái tranh chắc chắn chưa phải là hội viên mỹ thuật, mà hầu hết là người vẽ tự do nên không có một sự câu thúc phải giữ tư cách nghề nghiệp.

Nhân câu chuyện này, tôi cho rằng tất cả các lĩnh vực khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên cần phải dấy lên thành một phong trào chống vi phạm bản quyền mạnh mẽ để đất nước chúng ta làm tròn trách nhiệm của một thành viên tham gia công ước quốc tế về bản quyền.

Trở lại câu chuyện về giáo dục cho sinh viên trong các trường mỹ thuật theo ông nhà trường nên quan tâm đến những vấn đề cơ bản nào?

Theo tôi, phải chỉ dạy cho sinh viên sự sáng tạo chứ không phải dạy kỹ thuật là chủ yếu như tình trạng chung hiện nay. Điều này tiếc thay không được các thầy quan tâm nhiều. Đến giờ học hình họa, ai cũng vẽ na ná như ai, đi thực tế thì đi theo tập thể và ai cũng hao hao như ai cả về hình thức lẫn nội dung thì đó không phải là một sự giáo dục tốt.

Vì vậy, mà không ít người trẻ tìm cách “ăn sống nuốt tươi” nghệ thuật của người khác để vượt lên khỏi đám đông, cho dù phải trở thành kẻ lừa bịp hay ăn cắp sáng tạo của người đi trước...

Có thể thấy là trong đời sống hội họa hiện nay, để tìm ra một gương mặt nổi trội về sự sáng tạo không dễ, thậm chí rất hiếm. Rõ ràng, một họa sĩ muốn tìm một con đường sáng tạo thì phải tìm ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, chứ sau khi ra đời mới đi tìm thì có lẽ quá muộn.

Thủy Vân
(thực hiện)

MỚI - NÓNG