Nhầm lẫn & chồng chéo

Kịch hình thể cần được bổ sung vào dự thảo. Trong ảnh là vở “Hăm lét” của Nhà hát Tuổi trẻ
Kịch hình thể cần được bổ sung vào dự thảo. Trong ảnh là vở “Hăm lét” của Nhà hát Tuổi trẻ
TP - Dự thảo Nghị định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật đang được góp ý sôi nổi vì các cơ quan văn hóa địa phương, các nhà tổ chức luôn phải bám sát thực tế, còn các nhà soạn thảo thì dường như chưa “ra ngoài” nhiều lắm.
Kịch hình thể cần được bổ sung vào dự thảo. Trong ảnh là vở “Hăm lét” của Nhà hát Tuổi trẻ

Trong ảnh là vở “Hăm lét” của Nhà hát Tuổi trẻ.

Lạ lùng “trình diễn nghệ thuật sắp đặt”

Ngay ở Điều 3 - Giải thích từ ngữ ở Chương I của dự thảo đã sai sót khi trong các loại hình nghệ thuật biểu diễn có kể ra “trình diễn nghệ thuật sắp đặt”. Lại càng sai khi liền đó mở ngoặc đơn với cụm từ “Video Art” như một sự giải nghĩa.

Thực tế lâu nay phát triển một số môn nghệ thuật đương đại như nghệ thuật trình diễn (performance art), sắp đặt (installation art), nghệ thuật thân thể (body art) và video art. Trong nghệ thuật trình diễn có thể có sự tham gia của video art chứ video art không phải là “trình diễn nghệ thuật sắp đặt”. Cũng chưa hề có cái gọi là “trình diễn nghệ thuật sắp đặt”.

Trước đó, trong phần này có cụm từ “kịch dân ca”. Lâu nay người ta thường gọi “kịch hát dân ca” hay “dân ca kịch” chứ không ai gọi “kịch dân ca”. Hy vọng cụm từ và cách giải nghĩa này sẽ được bỏ đi và dự thảo sẽ bổ sung tên gọi cho thỏa đáng.

Hình như, lường trước sẽ khó bao quát hết được các môn nghệ thuật biểu diễn nên các nhà soạn dự thảo có ghi: “và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác”. Nhưng nhiều bộ môn đã quen thuộc với công chúng, cần được gọi tên rõ ràng như kịch múa, sân khấu hóa, nghệ thuật trình diễn... Mấy năm qua có cả kịch hình thể do Nhà hát Tuổi trẻ khởi xướng, biểu diễn, cũng cần được nhắc đến chứ không nên chỉ gọi chung chung như vậy.

Phần này có nhắc đến “ngâm thơ”. Có lẽ khái niệm này được hiểu theo cách ngâm truyền thống vốn phổ biến trên sóng phát thanh, truyền hình. Thời gian qua, hình thức trình diễn thơ đang phát triển và được biết đến với các màn trình diễn của các nhà thơ Dương Tường, Hoàng Hưng, Phan Huyền Thư, Dạ Thảo Phương, Vi Thùy Linh…, từng bước kết hợp với cả âm nhạc, nghệ thuật trình diễn… Hy vọng các nhà soạn thảo sẽ cân nhắc, tìm hiểu nét mới này để văn bản theo kịp đời sống.

Nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn là hai loại hình khác hẳn nhau. Trong ảnh là một tác phẩm trình diễn ngoài đường phố của Lê Nguyên Mạnh
Nghệ thuật sắp đặt và nghệ thuật trình diễn là hai loại hình khác hẳn nhau.
Trong ảnh là một tác phẩm trình diễn ngoài đường phố của Lê Nguyên Mạnh.

Còn chồng chéo

Về thẩm quyền cấp giấy phép và đối tượng tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang trong Chương II dự thảo cũng có những điều phải bàn. Ở đây nhắc đến các chương trình của đài phát thanh, truyền hình như một đối tượng thuộc quyền cấp phép của Sở VHTT&DL địa phương.

Nếu buộc phải như vậy, có lẽ rất nhiều các chương trình biểu diễn tổ chức truyền hình trực tiếp như Sao Mai, Vietnam Idol, Nhà hát truyền hình và nhiều chương trình kỷ niệm, giao lưu khác của các đài đều phải chạy sang xin sở.

Theo Giám đốc Sở VHTT&DL Tiền Giang Nguyễn Ngọc Minh, về vấn đề này, sở quản lý đài rất khó! Còn TS Lê Ngọc Dũng – Chủ tịch Hội mỹ nghệ đá quý kim hoàn Việt Nam khi đặt vấn đề về thẩm quyền cấp giấy phép thì cho rằng nếu phải qua quá nhiều cấp để xin phép cho một sự kiện nào đó thì sẽ kéo dài thời gian làm thủ tục. Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Hưng Yên Đỗ Mạnh Hùng cũng nhận thấy việc phân cấp còn chưa rõ ràng.

Trình diễn thơ có nên xem là nghệ thuật biểu diễn? Trong ảnh là màn trình diễn thơ của nhà thơ Dương Tường trong Ngày thơ Việt Nam 2008
Trình diễn thơ có nên xem là nghệ thuật biểu diễn? Trong ảnh là màn trình diễn thơ của nhà thơ Dương Tường trong Ngày thơ Việt Nam 2008 .

Có thể thấy với việc chỉ đưa ra thẩm quyền từ cấp Bộ VHTT&DL đến cấp Cục nghệ thuật biểu diễn, rồi cấp UBND tỉnh và cấp Sở VHTT&DL, sẽ khó khăn để nhà tổ chức xác định nếu đã được phép của Bộ hay Cục rồi thì khi biểu diễn ở một địa phương nào đó, có phải xin cấp tỉnh hay cấp sở ở đó nữa không.

Ngôn từ một số chỗ còn có phần thiếu nhất quán khi ở Điều 8 về đối tượng tổ chức có Khoản 4 về tổ chức, cá nhân người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài vào Việt Nam biểu diễn, trình diễn.

Còn ở Điều 7 cho thấy cấp sở không có thẩm quyền cấp phép với đối tượng này, nhưng vẫn kê ra một cách khó hiểu: “Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép đối với các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5 Điều 8 Nghị định này thuộc địa phương, các đoàn nghệ thuật, cá nhân nghệ sĩ nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang tại địa phương”. Như vậy là sở vừa cấp vừa không được cấp giấy phép cho nghệ sĩ nước ngoài?

Hy vọng dự thảo sẽ được bổ sung, sắp xếp kỹ lưỡng và sáng rõ hơn nữa. Và với tình hình này, mong sao việc góp ý sẽ không chỉ diễn ra trong một hội nghị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG