Nhâm nhi cà phê kiểu... Sài thành!

Nhâm nhi cà phê kiểu... Sài thành!
Người Sài Gòn đi uống cà phê vẫn thường hiểu rằng: "Mua ly cà phê - uống một chỗ ngồi". Các quán cà phê giờ đây không đơn giản chỉ là nơi đến và uống, mà còn là nơi để thưởng thức.
Nhâm nhi cà phê kiểu... Sài thành! ảnh 1
Hình minh họa

Sang, bụi, ồn, lặng, bóng, mờ, bệt, nằm, hẻm, hè, sách, tranh, tượng... Đa dạng phong cách các quán cà phê Sài Gòn. Nhân "Tuần văn hoá cà phê 2007" tại TPHCM (từ 13 đến 16/12), người Sài Gòn càng có dịp khẳng định văn hoá thưởng thức cà phê - thức uống "thuỷ chung" của họ.

1. Cà phê Sài Gòn - loạt 10 bức ảnh đen trắng là tác phẩm nghệ sĩ thị giác Như Huy tham gia dự án quốc tế "600 hình ảnh, 60 nghệ sĩ, 6 nhà giám tuyển, 6 thành phố Bangkok, Berlin, Manila, London, Los Angeles, Sài Gòn".

"Những bức ảnh của Như Huy nằm giữa ranh giới ảnh chụp nhanh và cứ liệu lưu trữ đen trắng. Tác giả ý thức rất rõ về niềm tin dai dẳng của công chúng bình thường là nhiếp ảnh luôn phản ánh hiện thực, nghệ sĩ chỉ dùng phương tiện để thể hiện cái đã từng - y - như - thế - trước ống kính" - giám tuyển dự án Sue Hajdu nhận xét.

"Đưa ra một hình ảnh có khả năng làm hiển lộ những đặc tính nào đó về xã hội Sài Gòn, tôi chọn các quán cà phê. Ở quán, uống cà phê, gặp gỡ bè bạn, hẹn hò hay bàn công chuyện - không đơn thuần chỉ là những thực thể vật lý, chúng còn là những thực thể văn hoá. Nếu chỉ vào quán uống cà phê một cách vô thức, người ta sẽ chẳng thấy được gì..." - Như Huy nói.

Lâu nay, người ta cho rằng, càphê là thức uống vẻ như rất thích hợp tính cách người Sài Gòn. Ở những nơi có khả năng lôi kéo được đông người, thức uống đưa ra, thường là càphê.

Ví dụ gần nhất, nhân triển lãm điêu khắc ngoài trời tại công viên Bạch Tùng Diệp (15/12/2007 - 15/1/2008) giới thiệu 25 tác phẩm của 9 nhà điêu khắc chủ đề đời sống tinh thần người Sài Gòn, một công ty "tranh thủ" mời khách xem uống cà phê miễn phí, truy cập Internet.

Vậy là, người Sài Gòn có cơ hội tiếp cận các tác phẩm điêu khắc theo một cách nhìn mới, gần gũi, thân thiện hơn.

Văn hoá thưởng thức cà phê và không gian càphê rõ ràng là một biểu hiện lối sống. Người Sài Gòn đi uống cà phê vẫn thường hiểu rằng: "Mua ly cà phê - uống một chỗ ngồi". Các quán cà phê giờ đây không đơn giản chỉ là nơi đến và uống, mà còn là nơi để thưởng thức ngoài chuyện nhạc, là còn lối thiết kế, bài trí.

Một số hoạ sĩ tụ lại với nhau, thường tổ chức TL trong các quán càphê - nơi họ gọi là những không gian phá cách...

Nhâm nhi cà phê kiểu... Sài thành! ảnh 2
"Càphê Sài Gòn 2006". Ảnh: Lao Động

2. Lục trong tài liệu xưa về Sài Gòn: Cách đây 143 năm, hai quán cà phê đầu tiên ra đời là Lyonnais (nằm trên đường Gouvernement - nay là đường Lý Tự Trọng, Q.1) và de Paris (góc đường số 16, nay là đường Đồng Khởi).

Một điều tra mới đây: Tại Hà Nội, chỉ 8% số sinh viên uống càphê, ở TPHCM, giới kinh doanh uống nhiều cà phê nhất (với 26,3%), sau đó đến giới trẻ (chủ yếu là sinh viên); gần một nửa số người Sài Gòn vào quán uống càphê, tỉ lệ này ở Hà Nội thấp hơn nhiều...

Sáng 13/12, ngày đầu tiên của "Tuần lễ văn hoá cà phê 2007" tại TPHCM, trong công viên văn hoá Tao Đàn, đến dự đông nhất là thanh niên. Họ đến để "mục sở thị" những người nông dân Đắc Lắc chăm sóc cây càphê, thưởng thức vẻ đẹp và hương thơm ngòn ngọt của những cây càphê đang trổ bông tinh trắng.

Cô Bảo Ngọc - Cty TNHH truyền thông Nam Việt - một trong hai đơn vị tổ chức tuần lễ - cho biết: "5 tấn đất đỏ bazan được chở từ Đắc Lắc về công viên để sử dụng cho khu nông trang, nhằm tạo môi trường thích hợp cho cây cà phê phát triển.

Tại đây "trồng tạm" 50 cây cà phê từ 6 đến 28 tháng tuổi ở các trạng thái cây xanh, cây đang ra hoa, cây đang trổ trái - cây càphê xuất sắc nhất Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên chọn lọc từ 20 vườn cà phê ở Đắc Lắc".

Đến các gian hàng, bạn trẻ được biết, học cách phơi, chọn hạt, chế biến, rang xay, ủ hương càphê, cách pha chế theo nhiều phong cách, tham khảo văn hoá càphê nhiều nước trên thế giới.

"Đưa câu chuyện văn hoá vào một sản phẩm không phải là một chuyện mới. Nhật Bản không trồng cà phê, nhưng có một bảo tàng dành riêng cho những tín đồ cà phê. New Zealand chuyên nhập khẩu cà phê nhưng năm nào cũng tổ chức lễ hội cà phê.

Những lễ hội văn hoá về nông sản như Tuần lễ văn hoá cà phê đã cung cấp phần nào đó (dù ban đầu mới chỉ là những khái niệm cơ bản) trong "những bài học nông thôn" cho những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở các đô thị. Cách làm này có thể sẽ ảnh hưởng tích cực đến văn hoá thưởng thức (ẩm thực) của giới trẻ" - một nhà nghiên cứu văn hoá ở TPHCM nói.

Theo Thùy Ân
Lao động

MỚI - NÓNG