Nhà văn trẻ Đặng Thiều Quang:

Nhân vật của tôi vô lý để độc giả phải đặt ra câu hỏi...

Nhân vật của tôi vô lý để độc giả phải đặt ra câu hỏi...
TP - Năm 2007 vừa qua Đặng Thiều Quang xuất bản đến gần 1.000 trang in gồm cả tiểu thuyết và tập truyện ngắn, sau một thời gian dài im hơi lặng tiếng.
Nhân vật của tôi vô lý để độc giả phải đặt ra câu hỏi... ảnh 1
Nhà văn trẻ Đặng Thiều Quang

Trước đó, anh đã từng là cây bút khá nổi của lứa tuổi teen với truyện dài “Tôi và Đắc-ta-nhăng” in liên tiếp đến nửa năm trên báo “Hoa học trò”.

Giờ đây, như đang ở giai đoạn “xung”, Đặng Thiều Quang xuất hiện liên tiếp với những tác phẩm mới “Chờ tuyết rơi”, “Đảo cát trắng”. Điều đáng nói, trước khi in sách, tác phẩm của Quang đều xuất hiện trên mạng...

Đa phần những tác phẩm này đều đã xuất hiện trên blog của anh. Anh có thể cho biết khi xuất bản trên blog, nó có hiệu ứng như thế nào?

Những độc giả trên mạng của tôi phản ứng rất khác nhau, một số thích kiểu viết của tôi, họ tỏ ra thích thú khi được đọc miễn phí trên mạng.

Một số ẩn danh thì đọc qua loa nhưng lại chê bai “tôi chỉ mới đọc qua, tôi bận kiếm tiền nên không có thời gian, nhưng chắc là văn chương của anh cũng chỉ là một thứ chả ra gì, chắc anh chả biết làm gì nữa bèn đi viết văn?”. Còn lại phần lớn độc giả vẫn đọc nhưng im lặng.

Tôi rút ra kết luận là đa số độc giả vẫn chưa quen với tinh thần tự do cởi mở trong môi trường internet, dường như trong sâu thẳm họ vẫn còn e ngại bày tỏ quan điểm, như thể lối tư duy khép kín suốt bao năm vẫn còn dư âm dai dẳng trong họ. Nhưng nhìn chung thì hiệu ứng từ độc giả với tôi là rất thú vị.

Những bình luận (comment) đến với anh như thế nào? Anh có thể có một nhận xét sơ bộ về chúng? Chúng tác động đến anh ra sao trong sáng tác?

Những bình luận của độc giả khiến tôi hiểu họ hơn, hiểu những phản ứng tâm lý của đại đa số họ là như thế nào. Trong trò chơi cút bắt này tôi luôn cố gắng chủ động.

Tôi thấy có sự tương đồng giữa một bộ phim và một cuốn tiểu thuyết, giữa khán giả và độc giả. Từ những quan sát, các nhà tiểu thuyết có thể sẽ học được nhiều từ các bộ phim trong cách dẫn dắt cảm xúc độc giả của mình. Và ngược lại…

Những thắc mắc kiểu “tôi không hiểu tại sao nhân vật của anh lại vô lý như thế” là khá nhiều. Tôi trả lời là nó vô lý như thế để độc giả phải đặt ra câu hỏi, và câu trả lời nằm trong cả cuốn sách, hãy đọc nó, vậy thôi.

Rất khó đánh giá chính xác những nhận xét của độc giả đã tác động đến quá trình viết của tôi ra sao, nhưng có vẻ như nó luôn khiến tôi viết tốt hơn.

Tôi hướng đến những người yêu thích sự thay đổi và mới mẻ.

Anh có quá tự tin?

Vâng, tất nhiên, nếu không nghĩ như thế thì người ta còn viết văn làm cái gì? Nếu anh không tin vào công việc mình làm, thì anh tin vào cái gì nữa?

Tôi nhớ có dịp anh đã nói: “Tôi quan tâm nhất đến việc viết và đem in sách, việc chinh phục độc giả, xét từ góc độ kinh tế thì họ là khách hàng, là Thượng đế của tôi”. Độc giả rất nhiều dạng, anh chọn độc giả của mình như thế nào?

Độc giả mà tôi hướng tới là giới trí thức trẻ có sở thích đọc sách, nhất là sách văn chương. Có những cuốn sách làm thay đổi cuộc đời chúng ta. Vì một số cuốn sách, cuộc đời tôi đã rẽ theo hướng khác, hướng về phía tìm kiếm sự tự do, về tri thức, về phía tích cực hơn, cố gắng sống tốt hơn.

Có biết bao nhiêu mối liên hệ nhân quả và ràng buộc, thậm chí tác động lên lẫn nhau một cách mạnh mẽ như thế, trong thời đại thông tin này. Tôi nghĩ khi một số bạn trẻ yêu thích sách của mình, nghĩa là họ đã chọn tôi đấy chứ!

Anh có nói về “kinh tế”, vậy thu nhập về việc in sách của anh ra sao?

Về “kinh tế”, tôi luôn hy vọng sách của mình bán chạy để có thể sống đàng hoàng bằng nhuận bút trong tương lai. Hiện tại thì chưa. Tôi phải viết đủ thứ để kiếm thêm tiền.

Anh có dự định gì trong thời gian tới?

Trong 6 tháng đầu năm 2008, tôi còn định ra hàng loạt những tác phẩm khác, cả tái bản cả in mới như “Hoen gỉ”, “Phố vắng”, “Khi ta hai mươi”…

Xin cảm ơn anh!

MỚI - NÓNG