Nhà văn Bà Tùng Long đã "biệt thế"

Nhà văn Bà Tùng Long đã "biệt thế"
Bà Tùng Long - cây bút chuyên nghiệp viết truyện dài từng ngày (feuilleton), cũng là người chuyên "gỡ rối tơ lòng" thập niên 60 trên các nhật báo Sài Gòn trước đây, đã ra đi vào buổi chiều 26/4.
Nhà văn Bà Tùng Long đã "biệt thế" ảnh 1
Nhà văn Tùng Long và con trai út, nhà văn Nguyễn Đông Thức.                    Ảnh: Tuổi trẻ

Trước năm 1975, trên văn đàn của miền Nam Việt Nam nổi lên một nhà văn nữ chuyên viết tiểu thuyết tâm lý xã hội, bút lực của bà thật dồi dào - với hơn 60 tác phẩm ký tên Bà Tùng Long.

Tiểu thuyết của bà mang tính giáo dục cao nhất là trong các lĩnh vực hôn nhân gia đình, bình đẳng nam nữ, đề cao vai trò nữ giới trong gia đình và xã hội, tiêu biểu như:

Người xưa đã về, Bóng người xưa, Giang sơn nhà chồng, Mẹ chồng nàng dâu, Vợ lớn vợ bé, Duyên tình lạc bến, Hứa hẹn, Đời con gái, Hứa hẹn, Tỉnh giấc tình si, Tìm về bến thương, Mười hai bến nước...

Bà khai sinh mục “Gỡ rối tơ lòng” trên nhật báo Sài Gòn Mới và viết thường xuyên trên mục “Tâm tình cởi mở” cho nhật báo Tiếng Vang. Cây bút Bà Tùng Long được báo giới Sài Gòn đánh giá là “một thương hiệu cầu chứng” từ thập niên 1950, sau khi sinh người con út là nhà văn Nguyễn Đông Thức bây giờ.

Sau 1975, một số tác phẩm của bà đã được tái bản. Sách của bà đã được Công ty văn hóa Phương Nam mua bản quyền từ năm 2004.

Bà Tùng Long tên thật là Lê Thị Bạch Vân, sinh năm 1915 tại Đà Nẵng, sau một thời gian bệnh nặng đã từ trần tại tư gia (6A2 Đinh Bộ Lĩnh, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM), hưởng thọ 92 tuổi.

Bà Tùng Long có người cha cũng từng theo nghiệp viết lách; trong một bài trả lời phỏng vấn, bà cho biết: “Thuở ấy cha tôi cộng tác cho các báo Hữu Thanh, Nam Phong”, bà đọc các tạp chí ấy hồi còn tiểu học, cái tinh thần bút mực ngấm vào người con xứ Quảng, và lớn lên, cũng bằng chính cách dùng ngòi bút của mình, bà nuôi chín người con ăn học thành tài.

Điều này không phải dễ, nhất là trong thời ly loạn, chiến tranh chia cắt, gia đình mấy lần vào Sài Gòn, ra Quảng Ngãi, rồi trở lại Sài Gòn, bà vẫn đem tiếng nói của mình cổ xúy cho tinh thần bình đẳng nam nữ, đề cao vai trò phụ nữ trong gia đình Việt, giáo dục lối sống mới...

Không những thế, trong lịch sử báo tư nhân Sài Gòn hẳn còn phải kể đến việc bà thuê manchette báo Tân Thời từ năm 1935, tổ chức làm báo chuyên đề về phụ nữ.

Bà Tùng Long tâm sự về nghề:  “Tôi ngồi đâu viết cũng được và viết bất cứ lúc nào, khi có nhu cầu...Tôi thường viết bằng bút Bic mực màu đen, viết trên giấy báo đã in một mặt.

Tôi thường ghé tòa soạn mỗi buổi sáng, vào thẳng nhà in lấy tờ ruột đã in trang 2 và trang 3, để coi lại feuilleton của mình đã đến đâu. Nếu hôm nào người ấn loát trưởng (chef typo) cho biết bài tôi đã hết, phải đưa thêm, tôi liền ngồi vào bàn tại phòng sắp chữ để viết nối đoạn tiểu thuyết hôm trước, đưa liền để thợ kịp sắp chữ lên khuôn”.

Tỉnh táo để làm báo đúng kỳ hạn, giữ cảm xúc để viết văn thu hút người đọc, rốt cuộc bà gom tất cả vào một chỗ: Gia đình.

Bà tâm sự: “Tôi viết văn để nuôi con. Khi nào các con tôi đứa lớn trưởng thành dìu dắt được đàn em nó, bấy giờ tôi sẽ nghỉ viết”. Câu này bà nói năm 1961, đến 1972, văn đàn Sài Gòn ghi nhận bà gác bút.

Từ đó, mối bận tâm còn lại của bà là chuyện gia đình. Nặng lòng với gia đình đến nỗi khi lâm trọng bệnh, bà vẫn lo lắng cho việc thành thân của đứa cháu nội đang nối nghiệp viết báo. Bây giờ, bà thanh thản ra đi.     

Tang lễ sẽ cử hành tại tư gia, lễ động quan vào lúc 6 giờ 30 ngày 29.4.2006 và an táng tại nghĩa trang Trung Việt ái hữu (Thủ Đức).

Theo Thanh niên/Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.