Nhập nhoạng

Minh họa: Trần Phương.
Minh họa: Trần Phương.
TP - Trời xâm xẩm tối, đêm và ngày đang trộn vào nhau bằng lớp sương mỏng tang, nhẹ bẫng như hơi thở. Nhiên lẳng lặng đi ra phía cổng nhà. Đã cố bình tĩnh nhưng vẫn có cảm giác hụt hơi, tim đập nhanh như vừa leo con dốc dựng đứng.

Nhiên khẽ đưa tay rút cây hóp bắc ngang chắn cổng. Cái cột cổng hôm nay làm sao mà chật chội, lúc lắc mãi mới lùa được một nửa gióng qua lỗ suốt cột bương. Tiếng động bên vườn làm Nhiên giật mình. Thì ra con trâu mượn của nhà Chinh về bừa đang ngoắc sừng lách cách vào thân cây khế chua. Con trâu loạt xoạt nhai những thân ngô vừa nhú bắp một cách ngon lành. Đám ngô ấy vừa mới trổ cờ, bị cơn lốc ào qua nằm rạp xuống, lay lắt xanh nhưng cũng không thể cho bắp. Rồi đây sẽ phải đóng bao nhiêu khoản tiền, rồi miếng ăn, thuốc thang cho người nhà chỉ còn trông vào mảnh ruộng mới đang bừa. Mà người nhà Nhiên thì có ai biết làm ra tiền đâu.

Nhiên nhìn xuống cái áo dính rơm, phủi vội mấy cái vụn bám trên ấy như thể muốn rũ cái khổ đeo bám trên người. Tiếng thở dài tự nhiên rơi xuống.

*   *   *

Đấy là một cái quán nhỏ giữa những cái giống hệt nhau nằm san sát trên cung đường quốc lộ bên hẻm núi. Chỉ có xe lao vèo vèo qua lại còn người thì vắng, thế mà nhà nào cũng treo biển GIẢI KHÁT. Chả hiểu người ta thích uống gì ở một nơi thế này, khách thì ngồi im lặng mà ánh đèn vàng cũng chỉ sáng hơn lửa đèn dầu trên chòi nương một tẹo. Chị Bích bảo Nhiên cứ ngồi đợi đấy, tí nữa sẽ có việc làm.

Có tiếng gõ, một bóng người lách vào, sập luôn cánh cửa mà không cần phải hỏi người đang ngồi là Nhiên có đồng ý không. Người ấy nhanh chóng tháo giày, gỡ quần áo ngoài vứt lên bàn cứ như ở nhà anh ta vậy.

Người đàn ông lạ nhìn Nhiên co ro trên góc giường, hỏi:

-Lính mới phải không?

Nhiên đang còn sợ, không biết nên trả lời thế nào. Mới là gì?Nhiên đã có chồng, có đứa con nhỏ rồi thì là mới hay cũ. Nhiên run lật bật, hãi hùng muốn chạy về, nhưng chạy thế nào được nữa.Với lại chị Bích đã bảo trước rồi, người ta cũng là đàn ông như chồng mình thôi, có gì mà phải sợ. Cả đứa chưa có chồng cũng đi đấy thôi... Nhiên nhắm chặt mắt. Run rẩy.

Mọi việc trôi qua như cơn ngủ mơ gặp nhiều ác mộng, chẳng biết mình đang làm gì. Nhiên choáng ngợp với nhiều cảm giác và ý nghĩ lẫn lộn, đầu óc cứ như quả bầu khô không hột. Người đàn ông bảo Nhiên cứ thả lỏng ra, lần sau đừng có gồng lên như thế…

Chị Bích dúi vào tay Nhiên mấy tờ tiền xanh rồi bảo về. Ngồi sau xe thằng Tình ở xóm trên mà người cứ run như cảm lạnh. Nhiên lấy tay che mặt khỏi những ánh đèn đường loang loáng trôi ngược về phía đằng sau, chợt thấy người như là chóng mặt, nôn nao. Tình đỗ xịch xe trước quán cháo, ẩy Nhiên vào rồi kéo hai cái ghế nhựa. Quán khuya vẫn có vài khách. Nhiên ngồi hai đùi run lập cập, miệng cứ khô bã ra không nuốt nổi thìa cháo nóng. Thỉnh thoảng liếc thằng Tình, chỉ sợ nó lại nói gì về việc lúc nãy nhưng may mà nó đang cúi đầu thổi nuốt ngon lành. Trên đường về nó bảo:

- Đừng sợ. Chả ai biết đâu. Đi rồi lại về, mai vẫn đi nương chứ có đi hẳn như bọn làng dưới đâu mà phải ngại. - Nó móc túi chìa cho Nhiên mảnh giấy bé, bảo cất kĩ kẻo mất và dặn khi nào cần đi thì bấm máy vào số đấy, như thế.

Nhiên dặn bụng, chỉ lần ấy thôi, không đi làm nữa đâu mà phải gọi. Khuya, về tới nhà trời đã tối đen thăm thẳm. Cái gầu nước chạm đáy giếng mà tiếng vang của nó cũng làm Nhiên rùng mình. Tắm kĩ càng rồi, đã ron rón bước mà cái sàn bương còn cứ kêu ken két. Con chó nhà ai nghe động tru lên một thôi, gà trên cây sung ngái ngủ giật mình gáy lên òng ọc. Tiếng chồng ngủ mơ làu bàu, rên rỉ làm Nhiên thót người, tim đập thình thịch như là đi ăn trộm. Thế rồi cả đêm hôm ấy mắt cứ như con dơi, không sao ngủ được…

Thôn tổ chức họp sơ kết. Nhiên đã cố ngồi tận trong góc cuối nơi xa ánh điện mà vẫn thấy sáng trưng, bèn lấy tay che mặt. Trên kia cán bộ đang oang oang báo cáo tình hình chung về kinh tế an ninh của xã, của thôn. Nghe báo cáo thấy có nói về “Nông thôn mới” gì đấy, có tiêu chí “xóa đói giảm nghèo” sắp hoàn thành. Ở dưới, mọi người lèo xèo:

- Cái tiền xóa đói ấy chỉ để người đói được nghe tên như người ta nghe hát trên đài thôi. Có được sờ, được cất vào cạp váy đâu nhỉ.

- Ấy dà! Được đi kí chữ vào tờ giấy rồi mà. Dấu cấp trên đỏ như hạt gấc, chả nhẽ cái dấu nói sai à? – Một bà thắc mắc.

- Cái dấu không nói sai đâu. Hôm gặp thằng Cường say khướt đổ người vào giậu của nhà, hỏi ra nó bảo đi mổ lợn cho mấy nhà làm cỗ, được tiền hỗ trợ phải chia nhau “xóa đói” luôn cho nóng. Còn cái nghèo của dân thì cứ từ từ…

Cán bộ thì năm nào cũng phổ biến cách làm kinh tế bằng câu hỏi “trồng cây gì, nuôi con gì?”. Người dân như Nhiên làm sao mà biết trồng cây gì ngoài ngô với sắn. Mấy lần có dự án vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mọi người hết phá ngô trồng thanh hao rồi lại chuyển sang trồng gấc. Gấc không ai mua, trâu bò cũng không ăn được bỏ thối, lại vận động trồng măng bát độ rồi lại ế ẩm. Cứ chạy theo cái dự án như đuổi theo cái bóng mình, vã mồ hôi mà chả tóm được, đói vẫn hoàn đói.

Nhiên nhớ thấy mấy lần nhà nước cấp gà Mông với lợn lòi giống, đưa về xã chia cho các hộ khó khăn nuôi, ai cũng phấn khởi chờ đợi. Nhà Nhiên cũng hộ nghèo, đợt này được đôi lợn thì thích phải biết. Hai mẹ con hăng hái làm chuồng, khoai trồng sẵn kín nương. Thế nhưng đợi mãi, cái chuồng sắp mục mà chưa được lợn cọ lưng. Nhiên chạy đi hỏi, người làng cười ha hả, nháy mắt bảo: Loại lợn gà được cấp ấy khó nuôi lắm, hay chạy mất nên người ta không chia cho nhà khó đâu. Nó chỉ sống được ở những nhà cán bộ có bờ rào xây bằng gạch thôi…

Buổi họp còn nói nhiều về phòng chống “Tai tệ nạn xã hội” hiện nay và của riêng xã nhà, thôn nhà. Bà con đang ngáp ngủ tự dưng chuyện sôi nổi hẳn lên.

- Tai tệ nạn chắc như tai mục nhĩ. Chả nhẽ xã mình như cây gỗ mục à? Mục thì nó mới mọc lên chứ!- Bà Hìu nhoài người về phía sau mà thỏ thẻ với mấy ông cụ đang truyền nhau cái điếu cày.

- Nghe cán bộ nói kia kìa. Phòng chống tệ nạn bán này bán nọ đấy- Một ông thì thào.

- Của nó thì nó bán, cấm thế nào được- Bà Bui nhả miếng giầu, nói với người ngồi cạnh rồi che cái miệng răng đen cười hinh hích- Cái cán bộ đi mà vận động, mà giữ.

- Ừ nhỉ. Có phải củ khoai củ sắn đâu mà cán bộ gọi là “bán”. Đi ngủ, được tiền mà vẫn còn đấy, có mất đi đâu. Mà để không nó cũng phí đi, nhể!- Một ông móm răng nói lào xào, đám các bà lại cười ré lên.

 Mấy chị phụ nữ trẻ cũng nói nhỏ vào tai nhau:

- Nhà cái Mơ ấy, “đi làm” ở phố rồi tiện thể đẻ cho người ta đứa con trai, người ta về mua miếng đất xây hẳn cái nhà đẹp, cứ chủ nhật là bố nó đánh xe về chơi. Có sao đâu.

- Ừ. Lấy đàn ông ở làng không có tiền đâu, đã không có việc làm chiều rỗi đi đánh bóng chuyền thùm thụp, tối lại muốn uống rượu. Chỉ khổ đàn bà!

Nhiên ngồi lặng nghe. Bên trên, chị hội trưởng phụ nữ đang nói về mở lớp dạy nghề, ở dưới người ta cứ chuyện rào rào. Rằng cái nghề đan với thêu ấy chỉ đi học để lấy công. Ngồi mỗi ngày được trả tiền bằng hai cân thóc theo tiêu chuẩn chứ còn đan mây tre toác tay, thêu gù lưng mờ mắt rồi lại để mốc, có ai thu mua cho đâu mà hội phụ nữ cứ đòi “phát triển” nghề phụ. Cả làng từ trước đến nay ngoài cái ruộng, cái nương thì chả kiếm được gì ra tiền. Củi thì cũng kiệt, măng có mùa mà rừng cũng bị người ta bán gần hết, kiếm cả ngày cũng được dăm cân mà bán chỉ đủ mua mắm muối với gói thuốc lào cho chồng, xôm thì được dăm gói mì tôm cho con chan cơm.

Chồng Nhiên yêu chiều vợ con nhất mực. Việc làm không có đành theo đám đàn ông đi làm vàng cho ông chủ, hì hục đào bới tít dưới hố sâu đầy bùn đất, mà lúc nào cũng lo nơm nớp. Nhiên nhớ đã có lần hầm bị sập, mấy người ở ngoài chạy được còn lại ba người biến mất luôn. Cái sợ vẫn không to bằng cái đói, lò vàng vẫn cứ đông người. Năm kia người Trung Quốc đến đó mua lại lò, đem máy vào múc đất ầm ầm chở ra xưởng, không lo sập hầm nhưng chồng Nhiên phải chuyển theo ra làm ở chỗ khò vàng. Chất độc gì mà trộn vào đám đá thạch anh rồi xì lửa để cô vàng lại thả ra suối đến cá tôm cũng chết dần. Chồng Nhiên kêu đau lưng, rồi cứ héo dần như cây môn thối rễ, giờ nằm một chỗ, cái mồm vẫn ăn được nhưng đau đớn lắm. Mẹ chồng Nhiên bảo: “Lúc nó khỏe nó làm ra tiền nuôi cả nhà, giờ nó đau mày phải làm cái tiền mà chữa cho nó”. Tiền của trong nhà cứ theo chồng đi hết viện này viện nọ. Ngay cả những trang sức nhiên đem theo về nhà chồng cũng đã bán sạch để đổi thuốc. Cái đói cứ như bóng tối tiến lừ lừ vào cửa.

Nhiên mới đầu quyết làm lụng vất vả kiếm tiền nhưng rồi không đủ bốn miệng ăn. Vay vỏ chạy chọt khắp làng chưa biết lấy gì trả nợ. Đứa con gái bé lại cần có tiền ăn bán trú ở lớp. Thế mà ba đám cưới với hai đám giỗ trăm ngày sắp tới phải đến mà trả nợ miệng. Tháng này giáp mùa, lúa trong bồ đã sắp cạn. Một mình Nhiên bừa gãy lưng chưa xong cái ruộng mà nhà Chinh cũng chỉ cho mượn trâu ba hôm thôi. Mấy nay bận, không nhặt được ốc vặn về nấu, hôm nào cũng nồi cơm canh rau sắn muối không mỡ, chua tận chân răng. Hôm qua đi mua tí cá khô dưới quán ở cổng ủy ban, chị chủ quán lại nhắc khéo tiền thóc giống với ngô giống còn chịu dạo nọ. Ông Tin chuyên cho vay lãi đã mấy lần lên tận nhà đòi tiền bắt ghi giấy nợ, Nhiên cúi người kí. Mắt trước mắt sau không thấy ai, bàn tay lạnh nhớt nắm chặt tay Nhiên, kéo nhiên đổ vào người. Bảo nếu nghe ông thì chỉ lấy gốc chứ không tính lãi, cho nợ thoải mái. Nhiên vùng vẫy giằng co cật lực mới thoát được nhưng cũng không dám nói với ai, kể cả chồng. Mấy nay ông ấy còn đang nhắn nhe hết tháng mà không trả đủ thì lấy đất lấy nhà bắt nợ. Rối ruột quá, Nhiên đành chạy sang nhà chị Bích vay tiền thêm lần nữa. Chị ấy bảo: Đem thân mình đi làm lấy tiền chăm chồng cũng có gì là xấu, ngồi nhìn chồng chết mới là người tốt a? Đúng lúc rối trí Nhiên tặc lưỡi đánh liều, sau bận ấy thì nhất quyết không bao giờ đi nữa...

Chị hội trưởng phụ nữ ban nãy có nhắc đến tệ nạn mại dâm sẽ bị bệnh “ếch”. Nhiên cũng sợ lắm. Không biết bây giờ “ếch” nó đã nhảy sang người mình hay là chưa. Nếu nó mà sang rồi thì Nhiên sẽ chết mất. Cái hình vẽ con bệnh “ếch” ở tranh treo tường trạm xá nhìn nó như quả gấc đầy gai. Ghê quá. Ở cuối làng có thằng đi đào vàng, nghe bảo chủ nó ép cho tiêm thuốc chống “sốt rét” gì đó, nhưng mà tiêm xong thì bị nghiện rồi bị “ ếch”. Lúc về được nhà người gầy như con chão chuộc còn mỗi xương chìa ra, người toàn mụn như con cóc, chảy nước vàng nước xanh. Cả làng sợ không ai dám đến thăm, trâu bò cũng bị mọi người lùa đi xa không thả ở gần đồi nhà đấy. Tận lúc chết phải nhờ người trạm y tế đeo găng tay lên để cho vào quan. Đám ma buồn, thịt lợn ra mà không có người đến ăn cho.

Nhiên đã cố gắng làm lụng, theo cả mấy đứa đi gánh gạng tít ngoài lò gạch dưới huyện mà chả được bao nhiêu. Vừa hôm trước cơn mưa đá lại trút xuống vạt ngô đang trổ cờ, ông Tin đánh tiếng hạn trả nợ đã hết. Trở gió, chồng đau nặng thêm, tiếng rên đã kìm nén như càng vò rối ý nghĩ của Nhiên. Lúc nhấc cái áo trên vách, bất giác Nhiên sờ thấy mẩu giấy của thằng tình, tự dưng cái quán lại hiện ra, lời chị Bích lại ong ong bên tai. Nhiên muốn làm người tốt nhưng cũng không thể ngồi nhìn chồng chết.

*   *   *

Con trâu giậm chân lịch bịch kéo người khỏi những ý nghĩ giằng co.

Phía nhà sàn tiếng la đau đớn của chồng lại gắt lên. Tiếng nhỏ hơn lầm bầm của mẹ chồng già lúng búng miếng bã trầu trong miệng. Nhiên tần ngần cầm cái điện thoại cũ dựa bên cột cổng. Cái cổng của người miền núi không có cánh cổng và khóa, chỉ bằng hai cái cây hóp luồn qua lỗ đục của hai cột bương chôn hai bên. Cái cổng chỉ để ngăn trâu bò hay dê đi qua chứ không để đóng kín lối của con người. Cổng chắn người ngay chứ không cấm được người gian, thích vào hay ra thì khẽ rút ra một gióng, chỉ là muốn bước qua hay không mà thôi.

Sau lưng Nhiên, ánh đèn sáng lờ nhờ hắt ra từ căn nhà sàn, phía trước mặt là đường từ cổng xuống chân núi bóng tối đã phủ xuống đen quánh không nhìn thấy gì nữa. Nhiên đứng giữa hai khoảng tối sáng, không biết nên đi về phía nào.

Nhiên do dự đặt tay lên gióng cổng…

Nhập nhoạng ảnh 1Cuộc sống đói nghèo có thể đẩy người phụ nữ đến chỗ bi thảm nhất: Dùng thân thể mình để kiếm tiền. Ý tứ của truyện ngắn dưới đây có thể gói gọn lại như vậy. Nhưng Hạnh Trần (tên thật Trần Thị Hồng Hạnh, hiện sống và làm việc tại Hòa Bình) đã khéo xây dựng được một hoàn cảnh, quan trọng hơn - một nhân vật rất riêng, rất độc đáo. Người đọc sẽ không thấy tiếng kêu gọi tuyên truyền lên gân; thậm chí cũng không thấy những nhân vật “phản diện” cần lên án. Tất cả, chỉ còn lại một tiếng thở dài cố nén… 

L.A.H

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.