“Nhất thân, nhì quen”

“Nhất thân, nhì quen”
TP - Từ thời phong kiến trong xã hội đã tồn tại những quan niệm kiểu “một người làm quan cả họ được nhờ”, “giọt máu đào hơn ao nước lã”… rồi đến xã hội hiện đại chúng ta đang sống, cứ mỗi lúc về làng về quê người ta lại chỉ trỏ ông nọ, bà kia làm quan to ở Trung ương, ở thành phố…

Chẳng biết anh em, họ hàng từ đời thủa nào nhưng vẫn khuyên nhau “sao không đến đó mà nhờ”… 

Trên phương diện tình cảm hoặc một số lĩnh vực nào đó thì “thân quen” là động lực thúc đẩy sự gắn kết, gần nhau, hiểu nhau hơn, nhu cầu tất yếu đó có ích cho sự phát triển đa dạng các quan hệ xã hội.

Nhưng một khi “thân quen” chỉ là công cụ để đạt các mục tiêu như: thăng quan tiến chức, tìm việc- thì quả là nguy hiểm, là vật cản kìm hãm sự phát triển xã hội.

Một cơ quan, Cty nếu chỉ xét trên tiêu chí người thân, người quen hoặc con em của họ để tuyển dụng thì nhân tài sẽ bị lãng quên, đức hạnh cũng chỉ là thứ ghi trên sách vở để lưu vào thư viện.

Trên diễn đàn VNECONOMY ngày 11/11/2006 nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nhấn mạnh về dư luận xã hội cho rằng: Với tình trạng chạy chọt trong bộ máy Nhà nước rất khó có người giỏi.

Phải có sự đổi mới cơ bản  trong lĩnh vực này để lựa chọn cán bộ, những người thực sự có tài có đức, loại ra những người yếu kém, cơ hội, tiêu cực dựa vào các mối thân quen mà vào cơ quan, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước ta, là một thực tế đáng buồn, một bài toán khó cho các nhà hoạch định chính sách, quản lý.

Quan niệm kiểu “nhất thân, nhì quen…” tuy không chính thống, không  tài liệu, sách vở hoặc một định chế nào đề cập, nhưng dân gian thì ai ai cũng biết, cũng thấy bất cập nhưng loại bỏ nó không phải là chuyện dễ.

Có nhiều lý do để nó tồn tại dai dẳng, một mặt do người dân nói chung thường không thích thay đổi các trật tự, các quan niệm sống đã được thiết lập sẵn (quan điểm của Montesquieu trong Tinh thần pháp luật), việc duy trì nó không làm tổn hại trực tiếp đến lợi ích cá nhân, bởi vì đa số cho rằng:

Đại cục có phát triển được hay không là do Nhà nước, nhưng mấu chốt của vấn đề lại ở chỗ: Tổng thể có phát triển được phần lớn nhờ vào sự phát triển của các cá thể hợp thành.

Luật pháp rất khó điều chỉnh các quan hệ thân quen, do ranh giới tốt xấu của nó rất khó phân định, hơn nữa luật pháp chỉ có thể quy định, cấm người thân trong gia đình làm cùng cơ quan hoặc một số lĩnh vực nhất định nhưng không thể cấm mọi người kết thân, làm quen với nhau - và rồi cùng cơ quan hay khác cơ quan thì cũng chỉ là “lấy tiền từ túi áo trước ngực, bỏ vào túi quần phía sau lưng mà thôi”.

Nơi cất giấu, đặt, để... không nhất thiết phải cùng một chỗ. Mặt khác, tâm lý chung của mọi người là sự lo sợ, hoài nghi về khả năng “chắc gì người khác không dùng con đường thân quen để cầu danh, cầu lợi. Xã hội vẫn cứ tuôn theo một dòng chảy, nước lên thuyền lên,  bản thân ta ư? Chẳng dại gì”.

Các ngành khoa học (Tự nhiên, Công nghệ...) đã chứng minh, đường thẳng là con đường ngắn nhất để tới đích, đường càng thẳng càng rộng và phẳng thì các chuyển động trên đó càng dễ dàng, tốc độ càng dễ đạt được mức tối đa, nhưng dân ta vẫn thích đi đường vòng và đường hẹp hơn, bởi quan niệm: Đường nhỏ gặp hổ qua cũng dễ, đường lớn gặp người hãy coi chừng!

Và cứ thế mọi giá trị khi đưa lên bàn cân chẳng có gì nặng ký hơn sự khôn ngoan, ma mãnh. Có lẽ mọi người đều cho rằng: Biết lợi dụng các mối quan hệ để đạt mục đích là sự khôn ngoan nhất trong mọi sự khôn ngoan.

Khôn ngoan đến mức mà trước khi hành sự bao giờ cũng hỏi: “Có người quen ở đó không?”. Giống như tật nói lắp của một người trước khi họ muốn nói một điều gì đó.

Tật nói lắp chỉ gây khó chịu cho những người khó tính; đáng yêu - hài hước với những người vui tính; thương cảm đối với những người giàu  cảm thông..., còn cái tật mà cứ mở miệng là hỏi có người thân, người quen hay không, trước khi định hướng cho con cái học hành, nộp hồ sơ xin việc, vào cơ quan nào đó và thậm chí vào bệnh viện thì quả thật xoàng hết chỗ để nói. Buồn thay những người không có các mối quan hệ “thân quen”!

MỚI - NÓNG