Nhiều tật xấu trong một cuộc họp

Nhiều tật xấu trong một cuộc họp
TP - Họp không xấu, nhưng họp nhiều, không có chất lượng, trở thành “bệnh”, gọi là “bệnh họp”, hay “bệnh loạn họp” thì đáng phê phán.

Như bao nhiêu cán bộ công chức khác, số buổi họp của tôi được tính bằng năm tháng biên chế, mỗi tháng vài ba lần. Đáng buồn hơn là trong mỗi cuộc họp có hàng chục tật xấu. Có khi tôi cũng dính vào những tật xấu đó.

1. Đi muộn, về sớm

Hiếm cuộc nào mọi người đến đúng giờ, hoặc đến rồi nhưng vẫn ngồi đâu đó chứ không vào họp. Đến cuối buổi thì thưa thớt dần. Các buổi “hội thảo khoa học” rõ nhất.

Nhiều hội thảo, nếu một buổi thì sau giải lao, nếu cả ngày thì buổi chiều, thường còn lại già nửa. Có vị, một buổi có mặt trong hai, ba cuộc họp.

2. Bệnh “kính thưa”

Cách đây hơn một năm, Chính phủ có quy định chỉ “kính thưa” người có quyền cao nhất ở cuộc họp, thế mà giờ đây vẫn cứ loạn “kính thưa”. Có vị trong một cuộc được nhận dăm bảy lần “kính thưa”.

3.Nội dung báo cáo: Nặng thành tích, nhẹ yếu kém

Báo cáo thường có những từ “nhìn chung”, “nói chung”, “cơ bản” chúng ta đã đạt được nhiều thành tích. Khuyết điểm có nêu, nhưng chung chung, ít, và na ná các cuộc trước. Ưu điểm thì do vai trò lãnh đạo, khuyết điểm là do “chúng ta”.

4.Điều khiển họp: Không đúng trọng tâm

Nhiều cuộc, người điều khiển không nắm được hoặc không muốn nắm trọng tâm. Vì vậy, sau báo cáo, thường “lái” khéo sang những vấn đề khác xa rời vấn đề “nóng” đang thảo luận, vô thưởng vô phạt.

5.Phát biểu giọng lãnh đạo

Đã họp thì bình đẳng, nhưng có những người phát biểu giọng lãnh đạo, hoặc “cả vú lấp miệng em”, có tính áp đặt, uy hiếp.

6.Nói kiểu “xu nịnh, a dua”

Nhiều người phát biểu kiểu “theo gió bẻ buồm”, “thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi”, không có khí khái, chính kiến.

7. Không có thông tin

Lại có người phát biểu rất hùng hồn, nhưng chẳng có chút thông tin cần thiết nào. Toàn kể chuyện đâu đâu, làm loãng nội dung.

8.Phê bình người thì cao, tự phê bình thì thấp

Bệnh này khá phổ biến, nhất là cấp lãnh đạo, quản lý. Nếu có tự phê thì chung chung như do còn thiếu kinh nghiệm, thiếu phương pháp,  hạn chế nhất định về chuyên môn...

9. Vòng vo, né tránh

Bệnh này thường xuất hiện trong các cuộc họp kiểm điểm cuối năm. Nhiều vị “chịu khó” nói vòng vo, né tránh vấn đề, nhất là những vấn đề đụng chạm tới mình.

10.Làm việc riêng

Nói chuyện riêng, đọc báo, sử dụng điện thoại di động (chuông to, nói to), hút thuốc lá (cả trong phòng điều hoà). Có người còn làm việc trên máy tính cá nhân, đọc đề tài khoa học, luận án, ra vào tự do...

11.Nghỉ quản lý rồi mới phát biểu những nội dung thuộc chức năng quản lý

Nhiều vị khi đương chức, thấy ít nêu những căn bệnh lãnh đạo, quản lý. Nghỉ quản lý rồi thì lại chỉ ra bệnh này, bệnh kia của bộ máy, của quản lý, cả những giải pháp “hữu hiệu” để xóa bỏ những căn bệnh ấy.

12.Ai cũng tự nhận tốt

Nếu tốt thật thì không sao, nhưng rõ ràng có nhiều vị ngày mai bị còng tay, hôm nay họp vẫn nhận mình trong sạch, đơn vị mình trong sạch, vững mạnh. Số liệu nhiều đơn vị cuối năm 80- 90% cá nhân tốt rõ ràng là có vấn đề.

13.Khen chê không rõ ràng

Nhiều cuộc không kết luận được những vấn đề lớn theo kiểu “hòa cả làng”. Người tốt không được đánh giá đúng mức; người xấu cũng không được phê bình đúng mức, thậm chí xấu thành tốt, tốt thành xấu.

14.Nói dai, nói dài

Xảy ra với cả người điều khiển lẫn người dự. Đáng lẽ phát biểu thì lại đọc văn bản. Yêu cầu khoảng 10 phút thì nói tới 30-45 phút. Điều mọi người cần thì không nói, điều nói thì mọi người không cần.

15.Họp lâu, hình thức

Nhiều cuộc chỉ mang tính hình thức, họp cũng được không họp cũng được. Bởi không xác định được mục đích: họp kiểm điểm, đánh giá, trao đổi khoa học hay họp phổ biến...

Thảo luận thì cần thời gian, phải chuẩn bị. Còn phổ biến thì cần làm nhanh. Nhiều cuộc họp cả buổi sáng nhưng nội dung chỉ là phổ biến công tác. 

Văn phòng tôi thường được các tổ chức quốc tế tài trợ để làm hội thảo. Thực tình mà nói, hội thảo phần lớn là để giải ngân, chứ ích lợi chẳng biết đến đâu.

Gần như tuần nào cũng có hội thảo, nhiều khi rất buồn cười. Tên hội thảo thì sáo, nửa tây nửa ta, ương ương dở dở kiểu sính dùng khái niệm mới lạ, nhằm lừa bịp những người có trình độ vừa phải.

Nội dung “rao giảng” - trình độ nửa mùa: Ngộ chữ chẳng ra ngộ chữ, bởi phải có chữ mới ngộ được. Trong số các tác giả thường xuyên có bài úy lạo hội thảo ở cơ quan tôi, nổi lên một vị phó thủ trưởng văn phòng chúng tôi.

Ông này có học vị tờ sờ (TS), được một quan chức  nâng đỡ nên lên chức nhanh như tên bắn. Cuộc nào cũng có bài của ông. Có hội thảo có đến hai ba bài, mà bài nào cũng dùng đèn chiếu pao - ơ - poanh (powerpoint) cho oai.

Nhưng nghe chỉ muốn phát điên bởi diễn đạt ấp úng, vòng vèo, rắc rối. Nội dung thì vặt vãnh, rời rạc, chẳng có cái gọi là chủ đề cho ra hồn. Do trình độ thiếu tính hệ thống, vay mượn hoặc đạo văn, nên ông luôn cố tình làm phức tạp một vấn đề đơn giản để chứng minh “quan điểm khoa học” hay “nhận thức mới”!

Thật là hợm hĩnh!

Thực ra, ngoài việc khoe khoang kiến thức trống rỗng, tự đánh bóng mình, ông đã lấy cương vị thủ trưởng phụ trách các dự án để kiếm tiền nhuận bút mà thôi.

Mỗi hội thảo tính sơ sơ các khoản nào là bài viết, nào chủ trì, nào lãnh đạo... ông xơi khoảng 5 đến 8 triệu đồng ngon ơ.

Đó là một thói xấu đáng lên án, bởi nó không chính đính so với tính liêm sỉ, liêm khiết và liêm trinh của dân tộc ta.  

 
MỚI - NÓNG