Nhìn từ xa và nhìn gần

Nhìn từ xa và nhìn gần
TP - Triển lãm ảnh Việt Nam 80-00” có 30 bức ảnh của Eva Lindskog chụp quanh cảnh Hà Nội cách đây hơn 20 năm và 15 bức ảnh của họa sỹ Lê Thiết Cương chụp rải rác từ năm 2000 đến nay. Đây chỉ là một phần nhỏ trong kho ảnh đồ sộ của họ mà tôi được xem.

Năm 1980, lúc này Việt Nam đang thời bao cấp, gần như khép kín không có liên hệ nào với bên ngoài thì Eva Lindskog đến Việt Nam. Người phụ nữ Thụy Điển này học tiếng Việt, ở lại và làm việc tại Việt Nam suốt từ đó đến nay. Ta có thể phần nào hình dung ra diện mạo tâm lý của một người phụ nữ sống trong đất nước phát triển có mức sống cao vào loại nhất thế giới lại “hạ phóng” tới Việt Nam khi ấy.

Với chiếc máy ảnh du lịch bình thường trên tay, Eva Lindskog chụp tất cả những gì bà gặp trên đường, tất cả những gì mà bà nhìn thấy từ xa, từ bên ngoài (nó quá lạ lẫm với cuộc sống trước đó của bà). Đó là những người đứng xếp hàng (họ quá quen với trật tự hay buộc phải thụ động?). Đó là những người hành khách ngồi trên nóc toa tầu (họ quá quen với hiểm nguy hay họ coi thường mạng sống?). Đó là một gánh phở đẩy, một gian tranh Tết (họ quá quen với nếp sống thanh đạm hay chẳng qua chỉ bởi nghèo nàn?)…

Những bức ảnh được nhìn từ xa, từ bên ngoài đều lộ rõ một sự tò mò khách quan, thậm chí có phần nào dè dặt của “người ngoài cuộc xa lạ”. Với lớp bụi thời gian hơn 20 năm, bỗng dưng khi rỡ ra xem lại, tất cả các bức ảnh trở nên cảm động khôn lường, đây là điều mà Eva Lindskog đã không ngờ tới.

Ngẫu nhiên những bức ảnh của Eva Lindskog bỗng trở thành những nhân chứng nghệ thuật hiếm hoi cho giai đoạn cuối cùng thời bao cấp ở Việt Nam. Khi bấm máy, có lẽ Eva Lindskog đã không hề có ý định ấy. Bà và các nhân vật của bà sẽ chẳng biết rằng những khoảnh khắc ấy trong cái thời điểm lịch sử ấy mãi mãi vĩnh viễn chẳng bao giờ lặp lại ở đâu khác nữa.

Là người Việt Nam, ngay chính tôi cũng ngạc nhiên và xúc động khi ngắm nhìn những khuôn mặt con người và các cảnh trí của Việt Nam thời bao cấp ấy. Tất cả đều hồn nhiên, đều gần như không có âu lo, không có dục vọng nào ghê gớm khiến người ta phải e ngại. Tất cả đều như đang mê ngủ hoặc như đang bị bỏ bùa! Có lẽ thành công trong những bức ảnh của Eva Lindskog hoàn toàn không phải là ở cách nhìn có phần lý trí mà ở một chỗ khác kia (nó to lớn hơn lý trí): nó ở ngay chính sự tình cờ trong tình cảm của bà, trong cuộc gặp gỡ lạ lùng của định mệnh bà khi đến với đất nước Việt Nam và con người Việt Nam.

Nhìn gần, từ bên trong

Nhìn từ xa và nhìn gần ảnh 1
Nghề mới. Ảnh: Lê Thiết Cương

Họa sỹ Lê Thiết Cương là người hiếm hoi cầm máy chụp ảnh ngay từ đầu đã có một quan niệm chụp ảnh riêng. Anh coi mỗi bức ảnh là một câu chuyện cuộc đời. Quan niệm như thế nên Cương hay chú ý đến nhân vật và tình huống bộc lộ nên câu chuyện cuộc đời ấy. Gần như mỗi bức ảnh của anh đều cần một lời giải thích ở phía đằng sau. Cách nhìn gần “tinh tướng” của người trong cuộc khiến người nào xem ảnh của Cương đều có cảm giác mệt và căng thẳng bởi phải động não (điều này khác hẳn với việc xem ảnh của Eva Lindskog).

Với trí tưởng tượng và kinh nghiệm riêng, người xem có thể kể một câu chuyện về chiếc ba - lô lính trên vai cô gái vùng cao. Họ có thể hình dung nên người đã cắm que hương lên hộp bia Heneiken khi cầu nguyện hiển nhiên là kẻ vô thần hay chẳng qua chỉ là một tay đùa dai vui tính? Với cô gái đi “mua lại công trái”, vận may nào có thực và vận may nào là không có thực với cô? Những nhà sư ngồi học vi tính hay người đàn ông đi xe Babetta họ đều là những câu chuyện của số phận và thời thế.

Tôi luôn có cảm giác đau nhói khi nhận ra những chi tiết nghịch lý trong các bức ảnh do Cương chụp. Anh gạt tình cảm sang bên để thản nhiên kể chuyện cuộc đời trong các bức ảnh của mình. Ý thức chuyên nghiệp lạnh lùng bộc lộ một khát vọng riết róng muốn can thiệp trực tiếp vào nghệ thuật và cả cái hiện thực mà nghệ thuật ấy đang miêu tả. Hình như đó chính là điều không tưởng của Cương, cũng là khát vọng có phần nào ngông cuồng của anh- cái khát vọng mà thiếu nó sẽ chẳng ai đi làm nghệ thuật!

Sự áp đặt nghệ thuật

Câu hỏi “ta là ai? ở đâu đến? ở trong ta có năng lượng gì?” luôn là câu hỏi đặt ra cho mỗi một người. Cuộc sống của chúng ta gần như chỉ để nhằm trả lời mỗi câu hỏi đó. Tôi luôn hoang mang khi tìm hiểu về các hành vi trong cuộc sống con người và ngờ rằng không ai có thể thoát khỏi sự vô minh, hỗn độn bao trùm lên hết thảy. Thật hoài công khi đi lý giải các mối liên hệ hay ý nghĩa nào đó ở trong cuộc sống…

Tôi thích tư tưởng sau đây của Nietzche: “Thiên tài- trong hành động, trong sự nghiệp- thiết yếu là một kẻ hoang tàng, phung phí. Áp lực cực độ của những sức mạnh tuôn trào từ trong chính con người hắn ngăn cấm bất cứ một sự thận trọng hay cẩn thận nào”.

Chính  điều đó đã làm nên các sự kiện có tính chất tiên phong, đã làm nên các giá trị đỉnh cao ở trong cuộc sống. Chính nó đã làm nên lịch sử, đã làm cho thế giới này sinh động. Nghệ thuật cũng không ngoại lệ.

Trong triển lãm này, những bức ảnh của Eva Lindskog và của Lê Thiết Cương sẽ mang đến cho mỗi người chúng ta một cảm giác khác nhau. Với tôi- đó là cảm giác áp đặt về sự tử tế ở trong công việc của người làm nghệ thuật hoặc chẳng qua chỉ vô tình dính líu đến nghệ thuật mà thôi. Không có sự tử tế ấy (sự tử tế thường là rất gần với phù phiếm, xa xỉ hay phung phí)- thiếu đi sự tử tế ấy sẽ không còn gì cả,  không còn các mối liên hệ con người. 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

MỚI - NÓNG