Nhớ anh Nguyễn Khang

Nhớ anh Nguyễn Khang
Dù đã 60 năm trôi qua, cứ mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, tôi lại nhớ tới anh Nguyễn Khang - Người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền tại Hà Nội 19/8/1945.
Nhớ anh Nguyễn Khang ảnh 1
Anh Nguyễn Khang (trái) và nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu

Tác giả nguyên là ủy viên Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội (1945), Chánh Văn phòng Bộ tổng tư lệnh Quân đội quốc gia (1947), Cục trưởng Cục quân báo (1950), hiện đang nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám, ông đã nhớ lại những giây phút hào hùng của thế hệ trẻ một nước Việt Nam mới, đứng lên làm cách mạng và đã lập nên những kỳ tích phi thường, mà đồng chí Nguyễn Khang là một đại diện tiêu biểu.

Cuối tháng 5/1945, tôi được đ/c Lê Đức Thọ giao nhiệm vụ lãnh đạo Đảng Dân chủ ở Hà Nội và các thành phố miền Bắc. Anh Thọ giới thiệu tôi với anh Nguyễn Khang, Thường vụ Xứ uỷ Bắc kỳ, phụ trách Hà Nội.

Gặp anh Khang, cảm giác đầu tiên thấy anh là một cán bộ lãnh đạo trẻ, vẻ hiền lành, dễ gần và thân mật. Nhưng sau đó, qua các biến cố, tôi đã có những ấn tượng sâu sắc về anh, người đã để lại những dấu ấn rất đậm nét trong việc đánh sập chính quyền Khâm sai Bắc kỳ và tạo dựng Chính quyền nhân dân làm chủ thực sự Thủ đô Hà Nội, góp phần quan trọng, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời đưa Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đến toàn thắng!

17 - 8 - 1945: Quyết định lịch sử

Đầu tháng 8, tình hình Hà Nội biến động dồn dập. Tôi vào ATK (An toàn khu) ở Hà Đông báo cáo về các cuộc tiếp xúc của tôi với ông Khâm sai Phan Kế Toại và Thủ tướng Trần Trọng Kim; tinh thần ông Toại đang chao đảo và có lời mời Việt Minh tham chính. Anh Nguyễn Khang và anh Trần Tử Bình lắng nghe, tỏ vẻ đắn đo, cân nhắc làm tôi thoáng lo…

Nhưng đến chiều 15 - 8, khi có tin: Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh, anh Khang cấp tốc vào nội thành tìm tôi, thông báo:

- Một: Xứ uỷ đã quyết định thành lập Uỷ ban quân sự cách mạng Hà Nội (Uỷ ban khởi nghĩa) của Mặt trận Việt Minh, để gấp rút chuẩn bị vũ trang khởi nghĩa cướp chính quyền. Anh Khang làm Chủ tịch, anh Nguyễn Quyết thay mặt Thành uỷ cộng sản, Nghĩa đại diện Đảng Dân chủ cùng các anh Khôi (Huy), Thân tham gia.

- Hai: Tổ chức ngay một đoàn Việt Minh do anh Khang phụ trách cùng Nghĩa và anh Trần Đình Long (làm cố vấn), ngày 16-8, đến “nói chuyện” với ông Phan Kế Toại, bác bỏ việc tham chính và yêu cầu ông Toại từ chức, giao chính quyền lại cho Việt Minh.

Các quyết định trên đã vạch ra cho Hà Nội một phương thức đấu tranh khởi nghĩa mới - thích ứng nhất với tình hình thực tế lúc đó: vừa dùng bạo lực quần chúng vừa kết hợp với đối thoại, thương lượng thuyết phục, để giành được thắng lợi quyết định.

Phương thức khởi nghĩa “cướp chính quyền” đó đã được thực hiện một cách táo bạo, linh hoạt ; qua các tình huống quyết liệt, đã thể hiện sự đúng đắn của nó và là yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc khởi nghĩa 19/8/1945.

Chiều ngày 17 - 8, tại ATK Hà Đông, anh Khang trở về từ cuộc biểu tình nóng bỏng ở Hà Nội đã trao đổi với anh Trần Tử Bình (trực Xứ uỷ) quyết định cho Hà Nội phát động khởi nghĩa và ngay trong đêm triệu tập hội nghị cán bộ bàn kế hoạch thực hiện.

Quyết định quan trọng này được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi có tin Nhật đầu hàng Đồng Minh và Pháp còn đang lúng túng trong chính sách cụ thể đối với Việt Nam và Đông Dương.

Việc chớp thời cơ này thật táo bạo vì ta chỉ dựa vào sức  mạnh của chính nhân dân Thủ đô, với các tổ tự vệ chiến đấu mà chưa có sự hỗ trợ của đội quân giải phóng từ Trung ương và các chiến khu. Quyết định này nói lên sự sắc bén, dũng cảm chính trị và tinh thần trách nhiệm của Xứ uỷ.

Nguyên nhân để anh Khang dám “có quyết tâm” vào chiều ngày 17 là, khi trực tiếp tham gia vào cuộc biểu tình ở Quảng trường Nhà hát Lớn, anh đã thấy được sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân Hà Nội - sức mạnh ấy đã được phát động đến đỉnh cao.

Tôi còn nhớ, sáng 17, anh chỉ ra lệnh cho Thanh niên xung phong phá cuộc mít-tinh của giới công chức, sau đó rút lui. Anh còn ngại lực lượng của ta chưa thực sự sẵn sàng. Nhưng đến ngay chiều hôm đó, trước mắt tôi đã là một Nguyễn Khang khác hẳn. Về ATK báo cáo Xứ uỷ, anh đặt vấn đề “tất cả đã chín muồi, phải khởi nghĩa ngay !”

Sáng ngày 19, khi bắt đầu cuộc khởi nghĩa, anh Khang giao cho tôi trực tiếp phụ trách cánh biểu tình xông vào chiếm Phủ Khâm sai, đối mặt với người đứng đầu chính quyền trong Phủ.

Trước Phủ Khâm sai, quần chúng biểu tình, bao vây, kêu gọi rồi quyết liệt xông lên, vượt rào; cùng lúc cổng Dinh được mở ra. Mọi người tràn vào. Binh lính bỏ súng, đầu hàng. Khâm sai Bắc kỳ Nguyễn Xuân Chữ (1) bị giữ và đưa ngay ra ATK.

Phủ Khâm sai - mục tiêu số 1, ở giữa Thủ đô - bị ta chiếm giữ hoàn toàn, rất chính đáng mà không gặp một sự chống đối hay kháng cự nào từ người cầm đầu chính quyền cho đến lực lượng Bảo an binh của Phủ.

Sau khi anh Nguyễn Quyết và quần chúng khởi nghĩa vào chiếm Trại Bảo an binh, quân đội Nhật đã trực tiếp can thiệp, đưa xe tăng cùng binh lính bao vây quanh Trại, đòi tước vũ khí. Anh Quyết yêu cầu Uỷ ban giúp giải quyết.

Vấn đề đặt ra là: đánh hay không đánh? Anh Khang cùng anh Bình, anh Long lập tức giao cho tôi lấy xe Limousine trong Phủ, cắm cờ đỏ sao vàng, đàng hoàng đến gặp viên chỉ huy Nhật ở trước rạp Majestic (đối diện Trại, nay là rạp Tháng Tám), điều đình thương lượng.

Cuộc điều đình diễn ra khá gay go nhưng cuối cùng viên chỉ huy Nhật đã chấp thuận rút quân. Ta đã giải toả một cách êm thấm và tránh được cuộc đối đầu với quân đội chiếm đóng Nhật, ngay khi họ đã bắt đầu ra quân.

Như vậy trong ngày 19 ta đã kết thúc nhanh chóng việc chiếm các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của chính quyền Khâm sai ở Thủ đô mà không phải nổ một phát súng. Đồng thời lại ngăn chặn được cuộc can thiệp của đội quân Nhật (2), có nguy cơ dẫn đến xung đột võ trang dẫn tới tổn thất lớn.

Thắng lợi ở Hà Nội lập tức kéo theo một sự rung động và làm tan vỡ hệ thống chính quyền thân Nhật ở toàn vùng. Các tỉnh trưởng, thị trưởng Hải Phòng, Thái Nguyên… đang ngóng trông tin từ Hà Nội, phải vội vàng chuyển sang tìm gặp và theo Việt Minh ở địa phương. Có thể nói: với đòn chí tử vào mục tiêu số 1 ở Hà Nội ngày 19-8, chính quyền Khâm sai ở miền Bắc đã sụp đổ!

Chính quyền nhân dân đầu tiên ở Hà Nội

Sau khi đã chiếm Phủ Khâm sai, ngay trong đêm 19 - 8, Xứ ủy đã cho thành lập Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Bắc bộ và Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Hà Nội, đồng thời quyết định bằng mọi cách phải đưa công khai ra mắt quốc dân đồng bào và quốc tế, ngay sáng 20.

Uỷ ban Nhân dân Cách mạng Bắc bộ lúc đó mới chỉ có anh Khang làm Chủ tịch cùng với anh Thân và tôi. Tất cả còn rất bỡ ngỡ và lúng túng. Nhưng anh Khang, ngay tối đó, đã quyết định: giao cho tôi và anh Trần Đình Long, với tinh thần thừa thắng xông lên, phải chủ động tìm gặp Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật, tướng Tsuchihashi, để nói cho họ biết: ta không đụng đến người Nhật và yêu cầu họ không can thiệp vào công việc của Việt Minh.

Cuộc gặp đó đã diễn ra hết sức căng thẳng tại Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là số 33 Phạm Ngũ Lão), cuối cùng quân Nhật đã xác định thái độ không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt, mặc nhiên thừa nhận chúng tôi là nhà chức trách đương quyền tại Bắc bộ phủ (Dinh Khâm sai cũ) và cử sĩ quan liên lạc. Họ coi đây như một việc đã rồi, không thể đảo ngược và đã điện báo ngay về Tokyo. 

Sáng 20 - 8, trước trụ sở Bắc bộ phủ, Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ đã chính thức đường hoàng ra mắt đồng bào và thông báo cho phía Nhật và người nước ngoài biết.

Đồng thời lực lượng Bảo an binh, cảnh sát được giải thể một cách êm thấm. Công việc trấn an công chức, các đảng phái (Đại Việt, Quốc Dân Đảng…) được xúc tiến suôn sẻ.

Các nhân sĩ (cụ Nguyễn Văn Tố, bác sĩ Trần Duy Hưng, bác sĩ Luyện…) được mời tham gia chính quyền. Và người dân 36 phố phường, đặc biệt các “sĩ phu Bắc Hà” có thái độ ủng hộ nồng nhiệt và sẵn sàng tham gia cùng gánh vác. Đây là một sự phê duyệt và khẳng định quyết tâm cùng xây dựng chính quyền mới.

Ở Hà Đông, đã xảy ra vụ tên Quản Dưỡng nổ súng vào đoàn biểu tình, chiếm thị xã, gây thương vong nặng cho quần chúng. Ngày 21, tôi lại được anh Khang giao nhiệm vụ với danh nghĩa “Việt Minh Hà Nội” cùng với ông Hồ Đắc Điềm (nguyên Tổng đốc Hà Đông) vào thị xã, tới tận nơi đồn trú của Quản Dưỡng.

Ta đã thuyết phục y chịu quy phục, về với Uỷ ban tỉnh. Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ đã giải quyết được một vụ việc nghiêm trọng, giải tỏa được thị xã Hà Đông, ngăn chặn được cuộc xung đột vũ trang đã chớm nổ ra, có nguy cơ lan rộng ở ngay cửa ngõ Thủ đô. Vị thế và uy tín của Uỷ ban càng được củng cố và nâng cao !

Ngay sau ngày 19, Uỷ ban đã cử đồng chí Vũ Quốc Uy từ Hà Nội đi Hải Phòng để giúp Thành uỷ Hải Phòng tổ chức khởi nghĩa. Ngày 23-8, Uỷ ban Nhân dân cách mạng Hải Phòng được thành lập do đồng chí Vũ Quốc Uy làm Chủ tịch. Bọn biệt kích Pháp trên tầu Crayssac đang lởn vởn ở sông Cấm vội chạy trốn ra Vịnh Bắc bộ.

Đến 22-8, khi có tin toán đặc nhiệm quân đội Đồng minh do thiếu tá A. Patti (thuộc cơ quan tình báo chiến lược OSS) cầm đầu đến Hà Nội, Bộ chỉ huy quân đội Nhật lấy cớ giữ trật tự trong vụ nổ súng trước khách sạn Metropole, lại dàn quân bao vây Bắc bộ phủ, uy hiếp, ép “Việt Minh Hà Nội” đi cùng họ lên Thái Nguyên để giải quyết xung đột đang diễn ra ở đó!

Anh Khang bàn với anh Bình, anh Long và tôi rồi quyết định: Ta không đi cùng với quân Nhật lên Thái Nguyên, nhưng cũng không chuyển cơ quan Uỷ ban ra ngoại thành hoặc rút vào bí mật. Uỷ ban quyết trụ lại trung tâm Hà Nội để đối phó và chờ cho được Trung ương về…

Bắc bộ Phủ với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc vẫn hiên ngang bên Hồ Gươm lịch sử, ngay  giữa Thủ đô, khiến cho toán đặc nhiệm của Đồng Minh khi mới đặt chân tới Hà Nội phải kinh ngạc và thán phục. Họ - cả A. Patti (Mỹ)  cũng như Sainteny (Pháp) - đã phải xác nhận: “Việt Minh đã nắm chính quyền ở Hà Nội” và điện báo cáo về Trùng Khánh, Washington và Paris…

Từ ngày 23 đến 25-8-1945, Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ và Uỷ ban Nhân dân cách mạng Hà Nội đã có vinh dự lớn: phục vụ và đảm bảo an ninh tuyệt đối đón Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh về Hà Nội, tiếp tục giải quyết quan hệ mới được mở ra với quân đội Nhật, thực hiện ngừng chiến ở Thái Nguyên… và chuẩn bị lập Chính phủ Trung ương.

Và ngày 2-9-1945, trên quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngay khi quân đội Nhật đang còn có mặt ở Hà Nội và trước khi quân đội Đồng Minh tới.

Một thời gian sau đồng chí Nguyễn Khang chuyển sang công tác Đảng chuyên trách. Uỷ ban Nhân dân cách mạng Bắc bộ được thay thế bằng Uỷ ban Hành chính Bắc bộ do ông Nguyễn Xiển làm Chủ tịch, đ/c Nguyễn Văn Trân làm Phó Chủ tịch… Tôi cũng chuyển về làm công tác Mặt trận.

60 năm đã trôi qua, cứ mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, tôi lại cảm nhận sâu sắc thêm rằng, Nguyễn Khang, người Chủ tịch Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội, cho đến nay, vẫn là một hình tượng nổi bật của lớp thanh niên dấn thân theo cách mạng, giàu lòng yêu nước, dám nghĩ dám làm và dám chịu trách nhiệm…

Anh tiêu biểu cho lớp người tiên phong trong phong trào cách mạng vĩ đại của nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác, đứng lên bằng chính sức mình để cứu mình, tiến vào thời đại mới từ cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 vĩ đại!

Tp.HCM, tháng 7-2005

(1) Người thay ông Phan Kế Toại, sau đó được trả tự do khi Bác về Hà Nội.

(2) Đến 21-8 quân đội Nhật ở Việt Nam mới nhận được lệnh ngừng chiến. Và ngày  28-8 quân Đồng Minh mới tới được biên giới Việt - Trung.

MỚI - NÓNG