Nhớ một nhà thơ thường “cháy túi”...

Nhớ một nhà thơ thường “cháy túi”...
TPCN - Nghĩ về nhà thơ thường "cháy túi" Nguyễn Lương Ngọc, lại càng thấm thía về sự nghiệt ngã mà số phận thường định cho những tài năng văn chương.
Nhớ một nhà thơ thường “cháy túi”... ảnh 1

Nguyễn Lương Ngọc ở Huế trong chuyến đi bộ xuyên Việt (cùng với Hòa Vang). Ảnh: Nguyễn Đình Toán (chụp ngày 7/5/1993)

Chúng tôi quen nhau vào giữa năm 1983, khi công trường thủy điện Hòa Bình trên Sông Đà bước vào giai đoạn cao trào của tiến độ thi công công trình chính.

Tôi là biên tập viên Đài Sông Đà, một lần đi cơ sở phát hiện thấy một tờ báo tường của Đoàn Thanh niên Cty công trình ngầm rất đặc sắc.

Ngoài những sáng tác, văn xuôi, tùy bút, thơ do anh em công nhân kỹ sư viết rất đậm tính văn chương ra, còn có cả thơ văn của những thi sĩ nổi tiếng trên thế giới và những ký họa bài viết về chân dung họ.

Về chất lượng ở mặt nào đó còn xuất sắc hơn những trang tạp chí văn nghệ địa phương, và đầy tràn hơi thở của cuộc sống công trường. Tôi bèn mượn về, giới thiệu trên chương trình văn nghệ của đài công trường.

Ngay buổi chiều hôm sau, Tạ Duy Anh, lúc đó cũng là cộng tác viên của chúng tôi dẫn đến phòng tôi vị khách bất ngờ: tác giả tờ báo tường kia - Nguyễn Lương Ngọc.

Ngọc gây ấn tượng với tôi bằng một chân dung có nhiều thứ thái quá: trán quá dô, mắt quá sáng với ánh nhìn quá quyết liệt, miệng quá rộng và cằm quá bạnh, vóc dáng không quá to cao nhưng lại rất kềnh càng.

Sau khi chào hỏi, ngồi vào chỗ, Ngọc lập tức đề nghị tôi đọc thơ. Tôi đang bối rối, vì nghĩ chẳng có gì đáng để đọc (như một thứ ra mắt làm quen) thì Ngọc đã đứng phắt dậy, nói rằng: “Như thế là quá coi thường nhau” và dậm đi về.

Thấy vậy, tôi đành xoa dịu tình thế bằng một vài đoạn viết dở cho Ngọc xem. Hóa ra Ngọc đã chuẩn bị cho cuộc làm quen này bằng một xấp thơ nhét trong túi áo ngực.

Tính cách bộc trực, quyết liệt, lối hành xử đầy bộc phát, bất thường của Ngọc, về sau khi đã thân nhau, vẫn thường bộc lộ, ngay cả trong những sự việc, những tình thế mà mọi người thấy rất bình thường.

Chẳng hạn, làm một cái pa-nô cỡ lớn hay vẽ một tranh cổ động cho một “chiến dịch” thi đua nào đó, bất bình với cách làm việc, hay một lối ứng xử của một nhân vật nào đó, hoặc thậm chí sau khi đọc xong một cuốn sách, hoặc bài viết quá hay cũng như quá dở nào đó…

Nguyễn Lương Ngọc không thể không phát biểu ý kiến bằng tất cả sự hiểu biết cũng như cảm xúc của mình.

Ngọc đọc rất nhiều, và tương đối có hệ thống, không chỉ văn chương, Ngọc ham cả hội họa, triết học. Tôi nghĩ, sở dĩ mình thân với Ngọc có lẽ bởi ở công trường, tôi là người duy nhất chịu khó nghe và hiểu những gì Ngọc nói và cũng rất thành thật chỉ cho Ngọc thấy những hạt sạn, cũng như cái được của Ngọc.

Văn tài là một thứ vô cùng quý giá nhưng đôi khi nó chẳng là gì. Tôi quý Nguyễn Lương Ngọc trước hết và trên hết ở sự ngay thẳng chân thật đến tận đáy, trong suy nghĩ, trong lối cư xử có phần vụng về, ngay cả trong cả những câu thơ thô tháp của thời kỳ đầu tiên. Ngọc hơn tôi ở sự đam mê quyết liệt hết mình cho văn chương.

Vì văn chương, Ngọc quên hết mọi thứ khác trên đời. Đôi khi một chân lý bình thường nào đó, ai cũng nhận ra, cũng biết, Ngọc thì hoàn toàn vô tri, vô cảm, và ngược lại có thứ chả ai buồn quan tâm thì Ngọc phải tìm hiểu bằng đến ngọn nguồn, bằng cả tâm sức.

Một thứ mà Ngọc ngu ngơ nhất là khả năng kiếm tiền. Đây là điều gây ra cho Ngọc nhiều bi kịch và nỗi đau khổ đặc biệt từ khi rời công trường thủy điện Sông Đà về Hà Nội, Ngọc không bao giờ có tiền, điều này với cá nhân Ngọc thì không sao, nhưng Ngọc có vợ và con.

Vợ Ngọc là giáo viên, lương thấp, hay đau yếu, con còn nhỏ dại. Ngọc bảo “Oanh rất yêu Ngọc, thương Ngọc và hiểu chồng, không khi nào oán trách, nhưng lúc nào Ngọc cũng thấy canh cánh bên lòng vì sự kém cỏi của mình”.

Bạn bè, sau khi Ngọc học xong trường Viết văn Nguyễn Du khóa 4 đã nhiều lần tìm cho anh một vài công việc nào đó tạm đủ sống, nhưng cá tính phóng túng, không chịu nổi sự phiền toái, gò bó của đời sống công chức “sáng vác ô đi, tối vác về” nên anh lại bỏ thẳng cẳng, không thương tiếc trước sự bực dọc và lo lắng của nhiều người.

Kể ra, mọi người lo lắng, bực dọc cũng có lý, bởi lúc đó, kiếm được một công việc cho người như Ngọc là không dễ. Nhưng Ngọc là Ngọc, không thể khác. Hỡi ôi! Sự thái quá trong tính cách của Nguyễn Lương Ngọc càng về những năm cuối cùng trước vụ tai nạn càng trầm trọng. Có cảm giác, bên trong con người anh có một tiếng gọi bí mật nào đó thôi thúc.

Ngọc kết thân với nhiều bạn bè, nhiều giới, nhân sĩ, trí thức khắp mọi miền, một cách khẩn thiết. Thực ra là vì điều gì vậy? Vì không tìm thấy tri âm? Vì thất vọng, và vì không cam chịu rằng không ai nghe thấy mình? Cuộc đi bộ nhiều tai tiếng với Hòa Vang trước vụ tai nạn phải chăng cũng là vì điều đó?

Nhớ lại những năm đầu tiên từ Sông Đà trở về Hà Nội học trường Viết văn Nguyễn Du. Nguyễn Lương Ngọc rất hăm hở, hăm hở đọc, hăm hở gặp gỡ, hăm hở tham gia tất cả các đêm thơ sinh viên của ĐHSP, ĐH Tổng hợp, ĐH Bách khoa…

Cái cách đọc thơ của Ngọc làm người ta liên tưởng đến Mai-a-cốp-xki, mạnh mẽ, đầy bi phẫn và quá độ một cách thuyết phục. Những lúc như thế, cái tinh thần công dân của một nhà thơ ở Ngọc được thể hiện cực rõ.

Ngọc phản đối tôi quyết liệt khi tôi không tham gia và viện lý do rằng, những cuộc hội hè như thế làm tôi chán ngắt. Ngọc cho rằng, chính mình phải là chất xúc tác làm tan cái sự nhàm chán đi chứ đừng chờ có gì hay ho mới xuất hiện.

Biết nói sao được, cái thái độ chiết trung, cầm chừng một cách khôn ngoan, tỉnh táo của tôi, của những người bạn mà Ngọc cho là tri âm, phải chăng đã khiến Ngọc buồn? Ngọc muốn làm một ngọn lửa.

Làm sao ngăn cản được người muốn thành ngọn lửa khi ta chỉ muốn làm một kẻ bình thường? Đôi khi tôi cũng cảm thấy hối hận vì đã không gắng sức trong việc kéo Ngọc lại cuộc sống bình thường!

Đọc lại thơ Ngọc, cũng như trước đây đọc lại Trần Vũ Mai, tất nhiên đó là hai con người. Hai tâm hồn, hai tư chất thơ khác nhau, nhưng có gì đó thật tương đồng. Phải chăng, chính là những câu thơ đầy cảm giác, đầy tính dự báo, đi thẳng vào bản chất của cái đời sống hỗn loạn, đầy bất trắc quanh ta. Những câu thơ bóp thắt tim ta vì sự tuyệt vọng, vì sự cùng khốn của cái đẹp trước đời sống dung tục.

Lại nhớ một lần, chúng tôi (tôi, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc và Hoàng Lê Sử (1 kỹ sư của Cty công trình ngầm) ngồi với nhau ở một quán nước chè gần Bệnh viện Sông Đà.

Đột nhiên Ngọc hỏi tôi rất khẽ: “Này, hỏi thật Vân nhé, nhìn mặt mình có đáng sợ lắm không?”. Tôi ớ ra ngạc nhiên: “Không, nhưng sao?” “Mình rất yêu trẻ con, thế mà có lần mình định bế một đứa trẻ, lúc đầu không sao, nhưng sau nó nhìn vào mặt mình rồi khóc thét lên và vùng chạy mất”. Ngọc không nói gì thêm, chỉ cố gắng giấu đi nỗi đau đớn.

Câu chuyện đã lùi rất xa theo tháng năm, chỉ đến khi Ngọc mất, đọc lại thơ Ngọc nó mới lại hiện ra, tôi muốn kể lại để bạn bè biết thêm chút nữa của con người thi sĩ Nguyễn Lương Ngọc.

Tất nhiên, cũng chẳng là gì, nhưng tôi vẫn muốn khẳng định với Ngọc và với độc giả yêu thơ rằng: Thơ Nguyễn Lương Ngọc có một vị trí đáng kể trong làng thơ đương đại bởi một dấu ấn, một con đường riêng, giàu tính nhân văn và hiện đại. Nếu ai không tin, xin hãy đợi sự thử thách và sàng lọc của thời gian.

9/3/2006

MỚI - NÓNG