Nhớ ngày Báo chí Việt Nam ở Washington DC

Nhớ ngày Báo chí Việt Nam ở Washington DC
TP - ... Rời đại bản doanh Microsoft của Bill Gates ở Seattle, không biết các VIP thế nào nhưng tâm trạng của cánh báo chí tháp tùng chuyến thăm nhẹ nhõm thơ thới và có chút chi đó như là tự tin!
Nhớ ngày Báo chí Việt Nam ở Washington DC ảnh 1
Tối 20/6/2006 tại thủ đô Washington D.C, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chúc mừng đoàn nhà báo tháp tùng Thủ tướng trong chuyến thăm Hoa Kỳ, nhân ngày 21/6 - Ảnh: Thế Thuần (TTXVN)

Ngày mai, 21/6 mới là trọng tâm của chuyến thăm, mới là sự kiện lần đầu một Thủ tướng Việt Nam làm khách của Nhà Trắng, làm khách của Tổng thống G. Bush...

Chuyên cơ trực chỉ đến sân bay Andrew của thủ đô Washington DC. Cơ trưởng Nguyễn Thành Trung (nay là Phó TGĐ Vietnam Airlines) cho hay, quốc khách của nước Mỹ thường dừng đỗ ở sân bay quân sự này hình như để đảm bảo an ninh?

Lối bên kia là nhà Trắng. Còn kia là điện Capitol. Còn kia nữa là... Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập VietnamNet, đã từng du học ở xứ này đang thao thao trên xe...

Còn kia nữa là... Là những địa danh nghe quen ngó quen trên báo hình báo viết của Washington mà nay đâm hấp dẫn qua cung cách giới thiệu của Tuấn.

Rồi anh roàn roạt giở cuốn lịch trắng ghi chương trình nói như reo rằng đoàn ta ở Khách sạn Inter Continental năm sao! Những năm tháng ở xứ Washington, mỗi khi qua khách sạn này, chỉ nhìn xa mà ngó vì ngự ở đấy là các chính khách lẫn thương gia cỡ bự.

Nghe Tuấn hồ hởi như thế, tự dưng đâm lo lo... Nhưng mà thôi đã mang lấy nghiệp... Với lại còn câu này nữa của cụ Nguyễn, rằng kể chi những nỗi dọc đường.

Phàm cái anh viết đã đi là lãi! Ai đã nói vậy nhỉ? Cái lãi vô hình. Một thứ nợ không biết vay khi nào mà cả đời phải trả!

Đang thừ người ngắm những vật dụng tinh tươm sáng choang trong phòng khách sạn thì cụ Lãm báo cái tin, ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh (nay là UVBCT, Bí thư Thành Ủy TPHCM), thành viên  chính thức của Đoàn mời các nhà báo đi ăn cơm mừng Ngày Báo chí Việt Nam.

Chợt hơi nao nao. Mai ở Mỹ mới 21 tháng 6 nhưng ở nhà đã là một ngày mới của 21 tháng 6, chẵn 80 năm Ngày Nhà báo Việt Nam. Ngập lút vào bao việc, suýt quên!

Lần đầu đón cái ngày này, cái ngày của mình ở xứ người... Chút nao nao nữa, chả phải động thái mời cơm anh em báo chí tháp tùng mà đâm có thiện cảm với ông Chủ tịch thành phố có cái tên thân mật là anh Hai này.

Trong chuyến đi, cứ ngó qua chương trình, tôi biết ông có rất nhiều sự vụ ràng buộc và còn vô số những việc không tên khác.

Có bận nhác thấy ông gõ cửa mấy phòng có các ký giả thuộc phạm vi ông quản lý như báo Sài Gòn giải phóng, báo Tuổi Trẻ, Đài truyền hình thành phố... hỏi xem anh em ăn uống sinh hoạt ra sao và công việc có chi trục trặc không?

Có lẽ cái câu thiên lý tha hương ngộ cố tri phải sửa thành ngộ đồng hương mới hồn cốt và ấm áp như nghĩa cử của ông Chủ tịch TP này?

Lại một bất ngờ. Vừa bước vào phòng ăn của khách sạn thì đã thấy Thủ tướng Phan Văn Khải (Thủ tướng, nay đã nghỉ hưu), Phó Thủ tướng Vũ Khoan (nay đã nghỉ hưu) và một số bộ trưởng khác trong bộ âu phục thẳng nếp ngồi ở đây tự lúc nào.

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao vui vẻ thông báo, ngày hôm nay Thủ tướng và các thành viên trong đoàn đến chúc mừng các nhà báo đi theo đoàn nhân Ngày Báo chí Việt Nam.

Trong cái cười vui vẻ đủ mọi cung bậc, tôi loáng thoáng nghe có ai đó nói vui rằng Chính phủ chủ trì, còn chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chủ chi.

Cụ Phạm Khắc Lãm, nhà báo nhiều tuổi nhất, nguyên Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, kiêm TBT Tạp chí Việt Mỹ nói nhỏ với tôi rằng có lẽ trong đời cầm viết, chưa khi nào ông được dự cái ngày 21 tháng 6 mà lại xôm tụ trọng thể dường này?

Bằng cớ là chỉ mười mấy nhà báo mà có mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng với nhiều bộ trưởng và quan chức cao cấp.

Tôi biết sau khi nhô khỏi những chìm lút công vụ bộn bề tại Seattle rồi bay một mạch về Washington D. C, đến như chức phận tháp tùng như chúng tôi còn bải hoải nữa là người đứng đầu một chuyến thăm quan trọng?

Ngày mai, không nói ra nhưng là một ngày trọng đại của chuyến thăm. Đến thời điểm này, cánh báo chí cũng chưa biết được  rằng ngày mai tại Nhà Trắng, thủ tục cũng như chương trình mà Tổng thống G. Bush tiếp Thủ tướng Việt Nam sẽ như thế nào?

Đang phải có biết bao thứ cần bàn soạn, chuẩn bị thế mà từ Thủ tướng đến tùy tùng vẫn có mặt ở một cuộc gặp như thế này!

Nếu không có những anh bồi da đen cứ lôm lốp lên sắc trắng của mũ áo phục vụ  và qua làn kính trong vắt kia, đang rực lên các kích cỡ đèn đêm của mấy cao ốc của Washington kế cận thì có hao hao cảm giác đang ngồi ở một phòng họp báo nào đó ở Hà Nội mà nghe Thủ tướng đang hướng cái nhìn cởi mở xuống các cử tọa với âm sắc trầm và vang của một bài nói chuyện không chuẩn bị trước bằng văn bản.

Tôi hiểu Thủ tướng đang hướng về phía hơn mười ngàn nhà báo Việt Nam đang hành nghề trong nước và cả nước ngoài chứ không riêng chi mười mấy anh em chúng tôi.

Rằng những thông tin mà Thủ tướng đang chia sẻ kia là với cộng đồng đông đảo các nhà báo là phải lấy cái tâm mà ứng phó mà làm quy chuẩn trong đạo đức nghề nghiệp.

Dũng cảm - cảnh giác - công tâm, đó là tố chất luôn đeo bám các nhà báo trong hành nghề và suốt cả cuộc đời làm báo... Và gì nữa, Thủ tướng cười, nhân văn nhân bản nhưng cũng phải hết sức thận trọng khi viết về đời tư.

Chuyện đời tư của chính khách các văn nghệ sĩ các yếu nhân... phải thận trọng bởi không sẽ sa đà vào việc câu khách gợi mở thị hiếu tò mò thấp hèn và phạm luật.

Ngồi ở tít tắp xứ người mà như đang ngồi ở nhà bởi những việc mà Thủ tướng đang nói kia là thứ sát sườn là thứ luôn câu thúc! Bay bổng trên chín tầng giời hay xa đất nước hàng chục ngàn cây số mà những bộn bề dưới mặt đất và tít tận bên nước kia luôn bận bịu níu kéo.

Chợt nhớ cái câu Du ư nghệ... (chơi trong cái nghề của mình) đành cái nhẽ đi như thế này đâu phải là du hý nhưng chao ôi, người xứ mình kể cũng chả mấy lúc được rảnh rỗi thanh nhàn, từ người cao nhất như Thủ tướng đây đến bậc đến phận như mình!

Thủ tướng xin phép về trước để nhường lời cho Phó Thủ tướng Vũ Khoan. Theo sát diễn biến tình hình đàm phán cấp cao luôn là mối quan tâm thường trực của nhóm báo chí tháp tùng.

Có lẽ đọc được ý nghĩ ấy của mọi người nên Phó Thủ tướng vui vẻ thông báo rằng những nội dung cốt yếu của chuyến thăm đã được các cơ quan hữu trách của cả hai bên bàn soạn kỹ càng và đi đến nhất trí.

Có thể nói cái khung cho một Tuyên bố chung đã được sự hoàn tất của cả hai bên.

Về phòng, tôi mở máy hí húi gõ bài để truyền về nhà những tin tức cần thiết thì đã ba giờ sáng!

Ba giờ sáng Washington D.C là đã tầm ba giờ chiều của một ngày mới xứ mình và là cũng vào cái giờ thuận tiện cho cánh thư ký toà soạn bên nhà xử lý bài vở.

Nhưng cái zắc cắm Internet trong phòng lại trục trặc không tương thích với ổ cắm trong máy tính xách tay! Tôi thoáng toát mồ hôi vì nghĩ rằng tầm ba giờ sáng này, quầy Bussenis Center của khách sạn chẳng còn làm việc nữa!

Thôi thì cũng liều xem sao chứ để mai thì muộn mất... Các ngả hành lang của khách sạn đâm thênh thang hun hút dài dặc bởi chả có ai còn thức vào giờ này.

Bussenis Centre của cái khách sạn năm sao này đặt ở đâu ta, tôi mang máng thường cái phòng đó đặt ở tầng trệt. Tôi ấn thang máy xuống tầng trệt.

Ấn liên tục nhưng cánh cửa thép cứ im lìm lìm... Tôi giật bắn cả người khi ngay bên tai có một chất giọng ồm ồm của ai đó. Thì ra một nhân viên an ninh đen sì, com lê cà vạt chĩnh chiện không biết ngả nào chui ra.

Tôi nhận ra đó là nhân viên an ninh bởi một bên tai anh chàng có ngoắc cái cần ăngten trắng ởn. Hồi chặp tối tới đây mỗi tầng như thế đều có ba, bốn nhân viên an ninh gì đó làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho đoàn.

Mỗi cửa thang máy như thế đều có người đứng. Từ nãy giờ, anh ta nấp ở xó xỉnh nào thế nhỉ? Và qua anh chàng tôi được biết, phải có thìa khoá phòng ở thì mới mở được cửa thang máy!

Chao ôi, nhiêu khê là thế! Lại quày quả trở về phòng và khi xuống được đến trầng trệt thì mọi thứ đã vắng tanh vắng ngắt, mỗi bộ phận trực lễ tân là còn làm việc.

Thôi đã trót xuống đành phải hỏi bừa. Anh trực cũng là người da đen ngó lừ lừ như một ông hộ pháp nhưng khi nghe thủng đề nghị của cái ông khách bất đắc dĩ này, may thay anh bảo tôi đợi một tẹo rồi biến đi.

Chỉ lát sau, anh quay lại cùng một người đàn ông nữa bận độc một cái sơ mi. Tôi đoán người này đang ngủ thì bị đánh thức dậy vì mắt ông này ngầu đỏ?

Người đàn ông dẫn tôi ngoắt ngoéo qua lối đi phải qua hai chỗ ngoặt mới tới được phòng B.C rồi mở khoá.

Chao ôi, những nơi khác mỗi trung tâm B.C như thế thường ba, bốn màn hình computer nhưng B.C ở khách sạn này cứ như trích đoạn của một trung tâm báo chí quốc tế vậy. Bởi nó thênh thang.

Các màn hình thứ to thứ vừa vừa, thứ nhỏ tuỳ theo sở thích của các loại khách.  Internet tốc độ cao theo đúng nghĩa của nó nên chỉ mươi lăm phút tôi đã xong việc.

Đóng máy, tôi quay ra thì trời ơi, cái người đàn ông kia vẫn đợi tôi trên chiếc ghế tựa đặt ngay bên cửa phòng. Tôi lúng túng vì cảm động hay gì không biết, bởi anh ta không hỏi số phòng của tôi (thông lệ là thanh toán theo phòng)  mà chỉ nói tầm này Internet của khách sạn miễn phí và dứt khoát từ chối năm đô la lẻ mà tôi giúi vào tay anh!

Trước khi đi, anh bạn bên nhà tốt bụng đã cẩn thận giúi vào túi tôi có tới non trăm đô lẻ và dặn rằng sang Mỹ phải liên tục thủ thứ này trong túi để boa để mà ứng xử trong những trường hợp như thế này.

Tự dưng một thoáng ý nghĩ đến bà Barbara, người của Trung tâm Báo chí Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chuyên lo công việc cho cánh báo chí Việt Nam ở Seattle.

Bất kể lúc nào kể cả khi khuya khoắt, bà cũng sẵn lòng đáp ứng đòi hỏi nhiều khi hơi vô lối của cánh báo chí! Bà Barbara ở Seattle rồi người đàn ông ở khách sạn Inter Continental đêm hôm khuya khoắt mãi tận Washington D.C này...

Phận sự một viên chức, tư cách công dân hay là sự trắc ẩn hoặc lòng tốt? Tôi cũng chả biết nữa! Đảo lộn nhận thức thì không, nhưng hình như họ đã làm sang cho nước Mỹ?

... Hóa ra trong lúc tôi kỳ cạch, cụ Lãm cùng phòng tận giờ này vẫn chưa ngủ! Hai đêm ở Seatle cụ ngủ muộn nhưng có trằn trọc đến tầm này? 

Cái sự chệch múi giờ, mà chênh nhau hơn mười hai tiếng, đêm thành ngày và ngược lại khiến cái con người sinh học mà lại đang tiềm ẩn tí chút trục trặc tim mạch như mình còn thấy kho khó ở nữa là cụ Lãm...

Như đang có cảm giác, như đang trong cái không khí quanh quánh sền sệt của thời tiết trước một cơn bão, mà là bão lớn, bão nhiệt đới quê nhà.

Tôi phải nói ngay cái việc xin lỗi cụ chắc có lẽ tiếng động lạch xạch của bàn phím hay cộng với khói thuốc lào đã quấy phiền cụ và ngỏ ý hay là từ mai xin đổi cụ sang phòng khác thì cụ cười không sao không sao, cậu cứ ở với tôi.

Một lát im lặng rồi lại vóng sang giường tôi cái chất giọng tỉnh rụi... Hồi tối nghe ông Khoan mình thấy lạ cậu ạ... Lúc mới tới đây, không nói ra nhưng tớ cứ nghĩ khó mà ra được cái Tuyên bố chung bởi cái ông Hoa Kỳ thường chỉ có Tuyên bố chung với những đồng minh thân cận của mình...

...Biết hầu cụ Lãm chuyện chi khi mọi sự mình cũng rất mù mờ? Cố lơ mơ để có thể chìm vào giấc ngủ muộn chập chờn, tôi thầm nghĩ vậy là đã bước sang giờ thứ tư của ngày 21/6/2005 trên đất Mỹ!  

MỚI - NÓNG