Nhớ Nguyễn Đức Toàn - 'đại tá chống lại thừa tướng'

TP - Quân đội đã tổ chức một lễ tang trang trọng cho đại tá nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng 12/10 ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Hà Nội. Nguyễn Đức Toàn- nghệ sĩ nổi tiếng đa tài, thông minh. Một cuộc đời viên mãn chẵn 90 năm. Nhớ đến ông còn là ấn tượng sâu đậm về một trong “bốn đại tá chống lại một thừa tướng” nổi tiếng cách đây chục năm.

Nhớ Nguyễn Đức Toàn - 'đại tá chống lại thừa tướng' ảnh 1 Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (1927-2016). Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Toàn bích "Biết ơn chị Võ Thị Sáu"

Nhắc Nguyễn Đức Toàn, người ta nhớ nhất: Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Chiều trên bến cảng, Quê em (miền trung du), Hà Nội một trái tim hồng.

Trong chương trình Con đường Âm nhạc 9 năm trước chủ đề Nguyễn Đức Toàn, ông kể về bông hoa lê-ki-ma trong bài Biết ơn chị Võ Thị Sáu: “Phùng Quán viết Vượt Côn Đảo đoạn về Võ Thị Sáu có tả cây trứng gà, mà hoa trứng gà nghe không hay nên anh ấy đổi, bịa ra hoa lê-ki-ma. Mấy ông bạn người Nam bộ cũng bảo tôi: Tôi dân Nam bộ đây, không có hoa lê-ki-ma, ông đừng có viết thế. Tôi nói: Hoa lê-ki-ma dẫu không có trong đời thực nhưng sẽ có trong mơ, trong tâm khảm mỗi người.

Sự lãng mạn khi viết về anh hùng liệt sĩ là một chủ đích sáng tác của Nguyễn Đức Toàn. Ông bộc bạch: “Tính chất âm nhạc Nguyễn Đức Toàn là bay bổng đến vùng trời xa lạ nhất, đồng thời thân quen nhất. Âm nhạc của nhạc sĩ nào cũng cần như vậy”.

Hai nhạc sĩ đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh là Phạm Tuyên và Doãn Nho cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Thụy Kha đều đồng ý rằng Biết ơn chị Võ Thị Sáu xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Đức Toàn, còn Chiều trên bến cảng là đỉnh cao nhạc nhẹ của ông. “Khúc thức rất đẹp”, nói như Thụy Kha. Và quá tình cảm, làm cho người nữ anh hùng đẹp lên bội phần: Dù hoa lê-ki-ma nở, mộ kia vẫn còn nức nở, khi đất nước vẫn chia làm hai miền, đêm đến bao giờ sáng cho hoa kia nở, mùa xuân lan tràn xứ sở...

Nghệ sĩ đa tài, cuộc đời viên mãn

Gặp Nguyễn Đức Toàn, xem ông giao lưu với công chúng và phát biểu trên các diễn đàn âm nhạc, có cảm giác đây là nghệ sĩ cực kỳ thành đạt, vinh quang trong sự nghiệp, viên mãn trong cuộc đời. Đa tài, thông minh, lợi khẩu. Dường như ít chịu thiệt thòi như một số đồng nghiệp.

Nhạc sĩ Doãn Nho đồng tình với nhận định đó. Theo Doãn Nho, Nguyễn Đức Toàn khá may mắn dù vinh quang là xứng đáng, trong đó có việc được giải thưởng Hồ Chí Minh rất sớm, năm 2000. Doãn Nho cho rằng “viết về liệt sĩ như Biết ơn chị Võ Thị Sáu thì ai địch được, còn Chiều trên bến cảng quá hay, là sự mở đầu phong cách nhạc nhẹ của Nguyễn Đức Toàn và các nhạc sĩ cùng thế hệ”.

Nhạc sĩ Phạm Tuyên thấy Chiều trên bến cảng, nó không chỉ của tác giả mà còn của nhân dân. “Bài hát về thất tình thì chỉ thích được một lúc mà thôi”. Theo Phạm Tuyên, cuộc đời Nguyễn Đức Toàn không chỉ có gặt hái vì ông rất trực tính, thể hiện cả trong tác phẩm.

Theo Thụy Kha, âm nhạc Nguyễn Đức Toàn đậm chất lính, biểu hiện rõ nhất ở Mời anh đến thăm quê tôi, Đào công sự, Bài ca người lái xe... Bài ca người lái xe so với Tôi người lái xe của An Chung thì sao?”- tôi hỏi. “Bài ca người lái xe chuyển động hơn”. (Hát: Rì rầm trong đêm khuya đoàn xe ta đi/Qua rừng qua suối qua đồi qua núi qua đèo cao trập trùng mây...). Tôi cãi: “Bài của An Chung cũng chuyển động đấy chứ: Xe tôi băng qua muôn núi ngàn sông, khắp nơi nhân dân đêm ngày ngóng trông”. Anh Kha: “Cũng chuyển động nhưng Nguyễn Đức Toàn gấp gáp hơn còn An Chung ngẫm nghĩ hơn”.

Thụy Kha kể, tháng trước Nguyễn Đức Toàn vẫn còn bán được tranh. Ông nổi tiếng là một họa sĩ học hành chính qui. Thụy Kha thừa nhận Nguyễn Đức Toàn thuộc số nghệ sĩ thông minh lợi khẩu, vinh quang sớm nhưng xứng đáng thôi bởi ông có sự hy sinh. Hai vợ chồng ông từng gửi con ở một bản người Tày để đi kháng chiến. Cho nên Chính Nghĩa, người con trai cả sinh 1953 có chất Tày, chất miền núi do ở miền núi thời gian dài.

Thụy Kha luận giải: Thời bao cấp, Nguyễn Đức Toàn phải tìm mọi cách kiếm sống, kể cả nuôi chó cảnh. Khi người ta đủ đầy, người ta không cần nuôi chó mới sống được.

Một đại tá chống lại thừa tướng

Chục năm trước, tôi đến gặp Nguyễn Đức Toàn để viết bài Bốn đại tá chống lại một nhà cựu quản lý.

Chẳng là hồi ấy, Nhà nước lấy ý kiến công chúng để xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước. Nhạc sĩ Trọng Bằng, nguyên Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được đề cử giải thưởng Hồ Chí Minh.

Bốn nhạc sĩ - đại tá quân đội không đồng tình, vì theo họ, Trọng Bằng được giải thưởng Nhà nước thì vừa, nhiều người xứng đáng hơn mà vẫn phải đợi dài. Bốn đại tá oanh oanh liệt liệt là: Nguyễn Đức Toàn, Huy Thục, Doãn Nho, Nguyên Nhung.

Một cuộc chiến thực sự đã xảy ra. Vì hồi đó Trọng Bằng còn bị tố đạo nhạc Tây. Cuối cùng, Trọng Bằng rút lui khỏi giải thưởng. Hãy hình dung Phạm Tuyên và Văn Chung đến 2012 mới đạt giải thưởng Hồ Chí Minh thì biết sự đời đâu dễ.

Hồi đó gặp ba nhạc sĩ (cả Doãn Nho, Huy Thục) tôi đã nghĩ, chỉ cần một trong ba người phản đối, đủ khó cho Trọng Bằng. Cả ba không chỉ tài năng, nổi tiếng mà còn cực kỳ sắc sảo, có độ quyết liệt. Nhà phê bình Hà Minh Đức đọc bài báo Tiền Phong xong bảo: “Tao mà bị thế là tao chết luôn đấy”. (Ông hay xưng hô thân mật với tôi, học trò cũ như vậy).

Tôi đặt tựa Bốn đại tá chống lại một nhà cựu quản lý, bởi Trọng Bằng từng là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam mấy khóa, về ngạch hội hè thì là “sếp” của bốn nhạc sĩ kia. Sau đó nghĩ, lẽ ra đặt Bốn đại tá chống lại một thừa tướng có phần hóm hơn, đỡ sát thực tế quá.

Mười năm sau, 2016, cuối cùng Trọng Bằng cũng được giải thưởng Hồ Chí Minh, cùng với Doãn Nho, Thuận Yến, Phạm Minh Tuấn, Hoàng Hà, Văn Ký.

Gặp Doãn Nho ở đám tang Nguyễn Đức Toàn, thấy ông khỏe mạnh, lưng thẳng ở tuổi 84. Ôn chuyện cũ, chuyện cuối cùng thì Trọng Bằng cũng thỏa nguyện dù muộn và dù vẫn đeo cái tiếng “đạo nhạc”, Doãn Nho nói: “Thôi. Tranh đấu cũng đến mức ấy thôi. Những việc này (giải thưởng) thuộc về tổ chức, còn thì bọn tôi đến sinh hoạt đảng cũng chi bộ khác nhau. Rồi cũng đến lượt (nằm xuống) thôi mà. Thôi”.

Mua thu đi qua từng phố nhỏ

Nhớ hồi đến nhà Nguyễn Đức Toàn ở Nam Đồng để viết bài, trong mớ câu chuyện, có lúc tôi với ông khoái chí ôn lại những ca khúc Nguyễn Đức Toàn mà quần chúng thường phăng-te-di: Một chiều mùa hè, Ngọc Tân ra bến cảng, tay xách vali lên đường đi sang Mỹ... (Chiều trên bến cảng). Rồi: Chưa có bao giờ khổ như hôm nay/ Ăn sắn ăn mì độn thêm ngô khoai... (Tình em biển cả). Vân vân. Một thời âm nhạc đi vào từng hơi thở cuộc sống, và cuộc sống thì không giống như cuộc sống, gian nan cùng cực. Nguyễn Đức Toàn rất tự hào được quần chúng thuộc nhạc mình, càng chế càng vui.

Còn nhớ, có lần xem bức tranh trên báo châm biếm chuyến xe bão táp, lèn chật người trên cung đường khúc khuỷu mà lái xe vẫn vừa lái vừa hát Có những cung đường êm như ru (ca từ Bài ca người lái xe). Có mỗi chi tiết vớ vẩn mà nhớ đến giờ, đủ biết âm nhạc đi vào cuộc sống thế nào (và lúc ấy ít trò để giải trí thế nào).

Có một thời thế đấy. “Mùa thu đi qua từng phố nhỏ/ Ôi Hồ Gươm như một bài thơ” (Hà Nội một trái tim hồng).

Báo chí viết Nguyễn Đức Toàn thọ 87 tuổi nhưng điếu văn do Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện đọc sáng 12/10 cho biết ông thọ 90 tuổi, được sinh ra ở phố Huế, Hà Nội. Vĩnh biệt ông, một trái tim hồng của Thủ đô.

Trước khi về hưu, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn công tác tại Cục Tuyên huấn Tổng cục Chính trị. Từng là ủy viên BCH Hội nhạc sĩ VN khóa 2, 3. Trưởng Đoàn ca múa 1 Quân đội, Đội trưởng Văn công liên khu Việt Bắc. Huân chương Độc lập hạng 3, Huân chương Chiến công hạng 3, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng 3, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 1, 2, 3...

MỚI - NÓNG