Nhớ tết quê

Minh họa: Đỗ Đức
Minh họa: Đỗ Đức
TP - Là đứa con xa nhà 48 năm rồi mà cứ tết đến lại nhớ về quê. Nhớ những tết xa xưa thường giáp vụ đổ ải cho vụ chiêm.

Giáp tết mà người ta vẫn tranh thủ ngả ruộng đến tận ngày hai bảy. Những ngày ấy nhà nhiều ruộng tranh thủ bắt nước về cho ngấu đất, để ra giêng có thể dập ruộng nhanh còn cắm cây mạ.

Ngày trước trừ vùng đồng bằng đô hội coi tháng giêng là tháng ăn chơi hội hè đình đám chứ vùng trung du, tết nhất gói gọn trong mấy ngày. Qua mồng Năm là ngày con nước, đàn bà con gái đã chúi đầu cắm rảnh mạ trong cái rét tê tái để cho mạ kịp bén chân khi cắt cơn rét.

Tết với bố mẹ như là cái lệ cho xong một năm. Chỉ có trẻ con nhốn nháo mong mỏi. Cũng do đói thịt dài. Tết nhất bao giờ cũng có thể chén thịt bánh căng bụng. Cả năm chỉ có những ngày tết được thỏa thê.

Tôi còn nhớ hình ảnh anh trai tôi thịt lợn. Việc đầu tiên sau khi phanh con lợn ra là bóc nhanh hai cái thăn lưng cho luộc. Mấy đứa con hấm háu đứng nhìn lặng lẽ có trật tự. Cơn thèm hiện lên đôi mắt chúng, anh biết. Luộc chín, cái thăn lưng lợn nạc giắt tí mỡ viền còn bốc khói, anh đã đặt lên thớt thái ra vốc vào bát cho chúng xúm nhau ăn vã. Anh đứng nhìn, khóe miệng mỉm cười. Nhớ lại sao thấy anh giống con gà trống chuồng trước đàn gà con đến thế.

Những con quạ đen ngày ấy rất nhiều. Ngày tết chúng hướng theo tiếng lợn kêu eng éc khi bị giết thịt, bay về. Chúng tụ tập ngất ngư trên các ngọn tre, miệng khà khà cái giọng khản đặc, kiên nhẫn chờ sẵn, đầu ngúc ngoắc ngó nghiêng xuống đám người làm lòng lợn ở dệ các mương nước.

Chúng chỉ chờ cho mọi người trở lại sân, đặt cái nong, rải lên đó mấy tàu lá chuối to rồi hất con lợn xuống pha thịt thì quạ lặng lẽ rời ngọn tre, sà xuống ăn tết trước. Chúng vừa ăn và khà khà cảm thán, có lẽ là khen ngon. Đôi khi cũng có những xô xát nhẹ nhưng chúng không mổ nhau hay đánh nhau vì miếng ăn. Không biết câu mắng những người đàn bà hư đốn là đồ quạ mổ thì không rõ là quạ mổ vào chỗ nào và trong hoàn cảnh nào!

Ngoài đồng thì đám chìa vôi cũng phởn phơ nhảy nhót trên những ruộng đang bắt nước ngả ải. Những con dế mới nở, muôn vàn thứ bọ nhện, ngạt nước bị đẩy lên là thành món đặc sản ngon lành bỗng dưng hiện ra cho chúng hưởng. Chúng tôi thường lợi dụng sự ngây thơ của đám chim dại này, đặt bẫy thít cổ. Con dế béo mầm làm mồi buộc trên núm bẫy mà con giời lơ mơ ghé mỏ vào chưa kịp giằng ra thì bẫy đã sập, cổ bị thít chặt, chúng chỉ còn giãy giụa trong tuyệt vọng được một lúc…

Trong khi bố mẹ tíu tít rửa lá, ngâm đỗ xóc gạo thái thịt ướp làm nhân bánh và bày soạn đủ để làm thứ kẹo, bỏng, bánh rán tự chế thì chúng tôi nhàn rỗi chầu rìa để thèm thuồng chờ xem lúc nào được ăn.

Bây giờ nhiều anh chị người phố phường đi phượt trong dịp tết, nhìn trẻ em nông thôn thiếu áo quần rét ngằn ngặt thấy thương hại và xót xa, Nhưng với tôi thuở ấy là những ngày hạnh phúc nhất, cha con anh em gần gũi, được ấm áp bên nồi bánh chưng và nhất là được chờ được ăn những miếng bánh chưng còn bốc khói mà bố bóc cho lúc còn nóng bỏng. Vâng, hạnh phúc lắm ạ. Hỏi bây giờ có đứa trẻ thành phố nào được hưởng cái không khí chờ tết rộn rã sâu lắng đến như vậy?

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.