Nhớ Thu Bồn

Nhớ Thu Bồn
TP - Lễ tưởng niệm tác giả Bài ca chim Chrao do Hội Nhà văn TPHCM và Nhóm Văn chương Hồn Việt tổ chức sáng 6/6 tại TPHCM không chỉ nhấn mạnh tầm vóc sáng tác mà còn chiêm nghiệm về một “Thu Bồn - tâm hồn trong sáng”.
Nhớ Thu Bồn ảnh 1
Nguyễn Duy hồi tưởng về bạn văn Thu Bồn

Nhà văn Nguyễn Chí Trung gửi thư từ Hà Nội nhờ nhà thơ Nguyễn Duy đọc giúp: “Nhiều đêm, tôi mơ thấy Thu Bồn. Thu Bồn làm rẫy, dọn cỏ, cõng gạo, cõng muối, làm nhà. Giấc mơ là sự cô đơn nhất của mọi cô đơn. Nhưng cái chết còn cô đơn hơn giấc mơ. Biết mình sắp từ giã cuộc đời, Thu Bồn tha thiết: Nhớ mua cho anh một gói nhân tình”.

Nhắc “gói nhân tình”, nhà văn Triệu Xuân đọc trọn vẹn di cảo Thu Bồn làm ngày 1/6/2003 trước khi mất, có đoạn: “Về đi em chợ chiều sắp vãn/Nhớ mua cho anh một gói nhân tình/Non nước cách xa bạn bè lận đận/Anh nằm đây trò chuyện với riêng mình”.

Tài sản gồm bảy trường ca (Bài ca chim Chrao, Quê hương mặt trời vàng, Thông điệp mùa xuân, Người vắt sữa bầu trời, Oran 76 ngọn, Campuchia hy vọng, Badan khát), bốn tập thơ (Tre xanh, Mặt đất không quên, Một trăm bài thơ tình nhờ em đặt tên, Ôi nhớ mưa nguồn); các tiểu thuyết (Chớp trắng, Hòn đảo chân ren, Dòng sông tuổi thơ, Đỉnh núi, Mắt bồ câu và rừng phi tiễn, Vùng pháo sáng, Cửa ngõ miền Tây, Em bé vào hang cọp)... đã tạo nên chân dung nhà văn, nhà thơ xuất sắc bậc nhất của văn học thời chống Mỹ.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nhớ: “Thu Bồn đã chơi là chơi hết mình. Sự trong sáng làm nên những bài thơ hay”. Nguyễn Duy nói: “Dù ở đâu Thu Bồn cũng có chất thiên nhiên và sự gần gũi. Ông bảo tôi: Nếu anh là Tổng biên tập báo Văn Nghệ thì tôi cũng là Tổng biên tập báo Quận 5”. Hồi ở Liên khu 5, Tiểu đội văn nghệ bổ sung đi qua Cổng Trời và vượt dốc 1001 chỉ một lần, riêng Thu Bồn vượt Cổng Trời và dốc 1001 tới hai lần.

Áp tải máy in, phụ tùng nặng hơn 10 tấn của miền Bắc chi viện đưa về căn cứ Quân khu, Thu Bồn gầy và đen sọm, vẫn nói vui: “Ăn hơn hai chục con dộc mới được như thế này đây”. Thu Bồn đi săn giỏi, xách súng đi, thế nào cũng có chim và chồn mang về.

Cách nay hơn một năm, Hội Nhà văn TPHCM và Nhóm Văn chương Hồn Việt tổ chức hội thảo về Nguyễn Quang Sáng. Giữa Sài thành đông đúc hối hả, nhớ nhau và tổ chức được cuộc thế này, kể cũng là quý.

MỚI - NÓNG