Những bài dã sử Việt: Bắt đầu bằng ngạc nhiên

Những bài dã sử Việt: Bắt đầu bằng ngạc nhiên
TP - “Khoa học bắt đầu bằng sự ngạc nhiên và do đó buộc người ta phải đi tìm những kiến giải khác” - nhà viết sử Tạ Chí Đại Trường nói. Mỗi bài viết của ông đều ít nhiều chứa đựng bất ngờ.
Những bài dã sử Việt: Bắt đầu bằng ngạc nhiên ảnh 1
Tác giả Tạ Chí Đại Trường tại Văn Miếu (Hà Nội) 1992 (Ảnh gia đình cung cấp)

Người đọc quen chờ đợi ở nhà viết sử quê Bình Định, sống ở Mỹ từ năm 1994, những bất ngờ như vậy, qua một số tác phẩm như Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802; Thần, người và đất Việt và nay là Những bài dã sử Việt.

Đề cập các vấn đề dễ gây tò mò của lịch sử cổ trung đại - như từ bao giờ đình làng biến thành nơi diễn ra tệ  ăn uống; vị địa thần ông Đống đã biến hóa thành vị nhân - nhiên thần Phù Đổng như thế nào; hay những khuất lấp trong chế độ nội hôn của họ Trần...

Những bài dã sử Việt dành cho lớp độc giả say mê chuyên chú. Bởi nếu không, dễ lầm tưởng cuốn sách chỉ là sự “chồng chất một mớ trích văn người khác”, điều mà tác giả tối kỵ.

Việc tác giả đưa nhiều sử liệu hơn các bằng chứng điền dã, hẳn một phần xuất phát từ hoàn cảnh sống (thời chiến rồi ở nước ngoài). Nhưng có lẽ chủ yếu là từ quan niệm của ông đối với việc nghiên cứu: “Sử liệu thành văn chính thức của ta - ít nhưng chưa được khai thác đúng mức, chưa được lăn qua trở lại đủ khía cạnh để sự thực nổi lên”; và với ông, “vấn đề cốt yếu vẫn là nâng cao trình độ giải mã tài liệu”.

Ông có tham vọng tìm ra cái gần với quá khứ nhất, quá khứ như nó đã xảy ra chứ không như nó phải xảy ra, qua việc khai thác, đối chiếu các nguồn sử liệu đa dạng.

Chẳng hạn, bàn về nhân vật Lê Hoàn (Việt Nam ở thế kỷ X), từ những tài liệu mang giọng điệu miệt thị của sứ thần phương Bắc và những ghi chép bóng bẩy thường để che đậy hoặc tô vẽ thêm của sử quan trong nước, cùng những dấu vết khảo cổ, ông vẽ nên chân dung một ông vua cá tính, quyền hành mà sinh hoạt không xa dân chúng.

Những bài dã sử Việt: Bắt đầu bằng ngạc nhiên ảnh 2Từ điển bách khoa Việt Nam định nghĩa thuật ngữ  dã sử dài dòng. Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh ngắn gọn: “Dã sử là của tư gia (histoire pivée)”, có vẻ ứng với lựa chọn của Tạ Chí Đại Trường. Vì thế đọc nó thấy hấp dẫn và bổ ích hơnNhững bài dã sử Việt: Bắt đầu bằng ngạc nhiên ảnh 3 - Dương Trung Quốc

Ông cho rằng, có những điều, dù bị đời sau phản bác hoặc cho là thô thiển, lại chính là sự thật. Đó là khi ông chứng minh dấu vết điền chủ lãnh chúa rõ rệt ở các vị hoàng đế của nước Đại Việt thế kỷ X - XIV qua hình ảnh Lý Nhân Tông, vị hoàng đế suốt ngày loay hoay với việc đồng áng, chẳng khác một nông dân tham công tiếc việc, hà tiện chi li (Những Hoàng đế - điền chủ Đại Việt thế kỷ X - XIV).

Không chịu uy lực của sách vở, ông tiếp cận một vấn đề còn tranh cãi - chế độ nội hôn của họ Trần, một chế độ chẳng hề xuất hiện ở các triều vua Đại Việt trước và, sau đó, theo giải thích thông thường là để củng cố vị thế độc tôn của dòng họ.

Tuy nhiên, qua các sự kiện được chính sử ghi chép, ông muốn đánh tan thiên kiến của đời sau, để thấy được lý do bình thường của chế độ nội hôn này: Sự gắn bó trong gia tộc có lẽ một phần do nguồn gốc di cư (mới đến đất Việt khoảng một thế kỷ), khiến họ ở vào thế cô lập, cách biệt.

Những bài dã sử Việt: Bắt đầu bằng ngạc nhiên ảnh 4
Bìa cuốn “Những bài dã sử Việt”

Mặt khác, sinh hoạt sông nước cũng góp phần nới rộng khuôn khổ đạo đức. Những cuộc hôn nhân giữa anh em chú bác ruột hay chị dâu em chồng như trường hợp Trần Thủ Độ và Huệ Hậu hay Trần Cảnh và Thuận Thiên, theo ông, không phải là đột khởi mà chỉ là sự tiếp nối một sinh hoạt từng được tiến hành riêng biệt trong một gia đình, một khu vực và bởi tình thế đặc biệt đã được công khai hóa ở mức độ rộng lớn hơn (Phổ hệ và chế độ nội hôn của họ Trần).

Bài Về khuôn tiền đá ở Núi Voi (Bắc Thái), chỉ từ một tấm ảnh ố vàng, ông chứng minh: Khuôn đúc tiền tìm thấy ở Núi Voi không thể là của đời Đường như một số sách/giáo trình lịch sử nhận định, bởi trên đó chỉ có một lỗ khắc đồng Khai nguyên, tiền hiệu đầu Đường, thế kỷ VII; còn bảy lỗ khác là tiền hiệu Tống, thế kỷ X, XI.

Tạ Chí Đại Trường thừa nhận, có những khía cạnh ông bàn đến chưa hoàn toàn sáng tỏ, lý luận chưa vững vàng, cách chứng minh có thể sơ hở. Nhưng ông tin tưởng,  những vấn đề đó có thể mở đầu cho các kiến giải sâu sắc hơn, đáng được chờ đợi hơn.

MỚI - NÓNG