Những bảo tàng... xót tiền dân

Những bảo tàng... xót tiền dân
TP - Hai bảo tàng lớn của tỉnh Quảng Ngãi là Bảo tàng tổng hợp và Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng thời gian gần đây, cái thì dở sống, dở chết, cái thì gây phản cảm vì không đúng với thực tế.

Bảo tàng Tổng hợp Quảng Ngãi nằm giữa trung tâm thành phố Quảng Ngãi, với tổng diện tích trên 18.000 m2, trong đó diện tích xây dựng gần 3.100m2. Khởi công xây dựng từ tháng 10/2000 và cơ bản hoàn thành năm 2003 nhưng mãi đến nay vẫn đóng cửa im ỉm.

Gạch men ốp bên ngoài tường, đá hoa cương lát cầu thang, nhiều mảng tường đã bị bong tróc, hoen ố vì không chịu được nắng mưa, thậm chí đã xuất hiện những vết nứt.

ở lan can tầng trên của khu nhà, lớp vữa còn bị mủn ra và có thể lấy tay bóc từng miếng nhỏ, một số nơi gạch lát nền đã vỡ ra, bong lên. Do không có chỗ thoát nước nên hành lang tầng 2 trở thành “bồn” chứa nước bất đắc dĩ. Và để giải tỏa “bồn” chứa này, ai đó đã cạy gạch nền và khoét một lỗ rõ to trên sàn bê tông như hang chuột.

Theo ông Nguyễn Phúc Nhân - Quyền giám đốc BQL các dự án đầu tư và xây dựng ngành Văn hóa - Thông tin Quảng Ngãi, các cửa ra vào và cửa sổ đều được làm bằng gỗ lim (gỗ nhóm 2).

Tuy nhiên, một số cánh cửa đã bị nứt nẻ và vênh lên nên không thể đóng kín. Trong nhà vệ sinh của khu vực nhà làm việc bảo tàng (khu A) hệ thống thiết bị vệ sinh bắt đầu hư hỏng.

Trong khuôn viên bảo tàng hiện còn mấy nóc nhà ngói xập xệ của người dân chưa giải tỏa được. Một phần đất diện tích  trên 2.700 m2 trên đường Lê Trung Đình  ngay mặt chính với 19 hộ dân cũng chưa được giải tỏa.

Theo giải thích của ông Nhân, đất xây dựng công trình Bảo tàng gồm 3 nguồn khác nhau (đất quốc phòng, đất Nhà nước và đất dân cư). Tại thời điểm khởi công xây dựng, mới chỉ có trên 10.000 m2, tức hơn một nửa diện tích mặt bằng được giải phóng.

Mặc dù vậy, tỉnh vẫn tiến hành xây dựng với hy vọng vừa làm vừa giải toả. Tuy nhiên, do không giải quyết nổi việc này nên đến nay trên 8.000 m2 đất còn lại vẫn chưa giải toả được.

Dự toán ban đầu của dự án Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi là 12 tỷ đồng. Tháng 4/2003 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phải nâng dự toán lên 18,6 tỷ đồng.

Theo ông Hoàng Nam Chu - Giám đốc Sở VHTT Quảng Ngãi, số tiền 6,8 tỷ tăng thêm được chi vào khoản phát sinh trong đền bù giải tỏa và giải phóng mặt bằng; thay đổi một số vật liệu xây dựng.

Dù vậy, công trình Bảo tàng vẫn  đình trệ dẫn đến xuống cấp. Nhiều hiện vật được sưu tầm bị vứt lăn lóc trong khuôn viên bảo tàng.

Bảo tàng khu chứng tích Sơn Mỹ: Phục dựng hay ngụy tạo di tích?

Bộ VHTT và UBND tỉnh Quảng Ngãi triển khai dự án tôn tạo, mở rộng khu chứng tích Sơn Mỹ với tổng vốn đầu tư 11,7 tỷ đồng.

Ông Phạm Thành Công - Giám đốc Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ cho biết, dự án gồm 4 hạng mục, trong đó hạng mục quan trọng là phục dựng khu nhà dân bị thảm sát xưa kia (1 ngôi nhà còn nguyên vẹn, 2 nhà bị cháy dang dở, đổ nát; và 16 nền nhà khác).

Những bảo tàng... xót tiền dân ảnh 1
Vật nuôi bằng bê tông “chết” ngổn ngang trong Bảo tàng khu chứng tích Sơn Mỹ

Ngoài ra còn phục dựng đường đi lối lại trong xóm và con mương nhỏ nơi xưa kia 170 người dân bị lính Mỹ thảm sát và vứt xác xuống đấy.

Theo ông Công, tiêu chí hàng đầu của việc phục dựng là trả lại nguyên trạng khu di tích như nó vốn có. Tuy nhiên, tất cả đường đi lối lại, nền nhà (phục dựng) trong khu vực di tích đều làm bằng bê tông giả đất.

Chất liệu để phục dựng nhà  cũng chủ yếu là bê tông và sắt. Bê tông giả đá, giả đất, giả gỗ, sắt giả tre… Những con trâu, bò, lợn, gà… chết nằm ngổn ngang cũng bằng bê tông. Con mương vốn bằng đất, hai bên cỏ mọc giờ được khai quang và kè bằng đá như một công trình thủy lợi kiên cố.

“Sở dĩ dùng bê tông là nhằm bảo đảm tính bền vững của di tích”- Ông Công giải thích. Kết quả là cả khu di tích trở nên dại dại, xơ cứng, thiếu sức sống tự nhiên. Tính chân thực của di tích- tiêu chí vốn được quan tâm hàng đầu - cũng biến mất.

Không những thế, bê tông, gạch đá của nhà trưng bày cũ và một số công trình kiến trúc khác đã tháo dỡ còn được vứt ngổn ngang, bừa bãi khiến khu di tích càng trở nên ngột ngạt vì bê tông.

Căn nhà được phục dựng nguyên vẹn vốn là nhà ông Đỗ Ký là ví dụ điển hình của sự tùy tiện. Theo ông Trương Quang Đông, giáo viên trường PTTH Sơn Mỹ, cũng là một người dân địa phương, căn nhà truyền thống của người dân địa phương bao giờ cũng có nhà trên và nhà dưới (còn gọi là nhà ngang) nằm liền kề và vuông góc nhau tạo thành chữ L.

Nhà thường có 2 cửa, một cửa chính diện từ ngoài sân vào nhà trên, một cửa vào nhà dưới lại bắt đầu từ hành lang nhà trên. Nhưng ở nhà phục dựng cửa vào nhà dưới lại thông trực tiếp từ dưới sân.

Chị Phạm Thị Minh Tuyết - thuyết minh viên của Bảo tàng chứng tích Sơn Mỹ  cũng khẳng định điều đó là không đúng thực tế; đồng thời cho biết trước đây cửa trực tiếp vào nhà dưới cũng không có và đơn vị thi công mới trổ thêm cửa.

Gia đình ông Đỗ Ký có 5 người bị chết trong vụ thảm sát ngày 16/3/1968. Chị Tuyết cho biết, ngoài 5 người chết, thời điểm đó gia đình ông Ký còn 3 người khác sống sót. Cả nhà ông Ký có 8 người lớn nhỏ, nhưng trong căn nhà phục dựng chỉ thấy kê duy nhất một chiếc chõng tre dài chừng 1,8 mét, rộng 1 mét làm chỗ ngủ (?).

Ở nửa nhà đối diện tiếp giáp nhà dưới lại xuất hiện một chiếc bàn gỗ khá mới và to, dài quá cỡ so với ngôi nhà nhỏ bé này. Không rõ gia đình ông Đỗ Ký ngày ấy dùng chiếc bàn này vào việc gì, cho con học bài hay… để ngủ? 

Những chi tiết chắp vá này khiến khách tham quan bị phản cảm, mất lòng tin.

MỚI - NÓNG