Những bộ áo quần làm bằng vỏ cây ở Tây Nguyên

Những bộ áo quần làm bằng vỏ cây ở Tây Nguyên
Già APhiei rít điếu thuốc rê, nhả khói đặc quánh, chậm rãi nói: “Có người hỏi mua, nó bảo sẽ trả 500 ngàn đồng một cái, có người lại đòi đổi một con trâu lớn, cả heo nữa nhưng mình không bán cũng không đổi đâu".
Những bộ áo quần làm bằng vỏ cây ở Tây Nguyên ảnh 1
Bộ áo quần vỏ cây được biểu diễn trong ngày hội của làng

Được các anh, chị ở Huyện Đoàn Đăk GLei giới thiệu về những bộ áo quần “độc nhất vô nhị” làm từ vỏ cây thời nguyên thủy, của bà con dân tộc Hà Lăng (ở làng Đăk Ôn, xã Đăk Long, huyện Đăk Glei, Kon Tum), chúng tôi đã vượt hàng trăm cây số ngược lên biên giới giáp nước bạn Lào, để được tận mắt chiêm ngưỡng những bộ đồ cổ xưa có một không hai này...

Khi biết chúng tôi vượt núi đến tìm hiểu về những bộ đồ được làm bằng vỏ cây, già làng APhiei vui mừng phấn khởi lắm. Già bảo: “Những bộ đồ này nó “ngự trị” trong gia đình già từ lâu lắm rồi… Chỉ biết tổ tiên già đã để lại những tấm áo quần này, đến nay vẫn còn dùng tốt!”. Để có được những bộ đồ này, theo những người già trong làng kể lại, phải đi xa hàng trăm cây-số, vào tận rừng già nguyên sinh để tìm cây L’oongKaPoong (một loại cây giống cây mít rừng-TG), khi tìm được rồi phải đốn ra từng khúc, rồi bóc lấy lớp vỏ phía trong. Sau đó dùng đá đập nát, lột ra và đem phơi khô. Sau một thời gian đem ra cho vào nước nấu kỹ, tiếp tục đập rồi mới tách thành sợi để đan, dệt ra áo quần.

Nếu như tìm cây L’oongKaPoong đã khó thì tìm cây PaSănLaPần để làm chỉ khâu còn khó hơn nhiều. Khi có được nó rồi, người làng phải chẻ nhỏ ra, tách thành sợi dài rồi bỏ vào cây lồ ô đem nướng trên bếp, nướng càng lâu thì chỉ càng bền. Những sợi cây này qua tay các thiếu nữ trong làng, được thêu dệt thành những tấm vải có chiều dài 1,5 - 2 mét. Để mặc cho tiện, người ta xẻ một đường cân giữa tấm áo, khi mặc chỉ việc chui đầu vào, phía dưới ngang người dùng dây rừng buộc lại. Để làm xong tấm áo này, các cô sơn nữ của buôn làng phải mất hơn một tháng trời ròng rã.

Hiện nay dân làng Đăk Ôn đang sở hữu 7 bộ quần áo như thế này. Trưởng thôn AXem cho biết: Chúng chỉ được sử dụng trong những ngày lễ hội trọng đại như: Tết, lễ đâm trâu, mừng lúa mới, mừng giọt nước, xuống hạt... cùng với âm thanh cồng chiêng, múa xoang…

Những tấm áo này được nam nữ thanh niên mặc vào, quây quần bên bếp lửa hồng dưới mái nhà rông của làng. Già làng APhiei phấn khởi: “Già và lũ thanh niên của làng đã mang những bộ đồ này đi thi với các dân tộc thiểu số khác về trang phục, đã từng đi thi biểu diễn cồng chiêng hai lần trên huyện, rồi đi xuống tận huyện Đăk Tô thi tài. Nhờ những bộ đồ độc đáo này mà những lần thi ấy, “quân” của già... rinh hết giải nhất về làng! Dân làng đang mong có dịp được đưa những bộ đồ độc đáo ấy về tận dưới tỉnh để có dịp “ra mắt” bà con nhân dân dưới đó”.

Già APhiei rít điếu thuốc rê, nhả khói đặc quánh và chậm rãi nói với tôi: “Có người hỏi mua, nó bảo sẽ trả 500 ngàn đồng một cái, có người lại đòi đổi một con trâu lớn, cả heo nữa nhưng mình không bán cũng không đổi đâu. Bán là có tội với Yàng (trời). Mình sẽ mất hẳn nó, khi muốn nhìn thì không thấy nó nữa thì cái bụng sẽ buồn lắm... Bây giờ cả làng đều coi nó là vật linh thiêng, như món quà của các đấng thần linh ban tặng, ai đem bán hay đổi và không biết bảo quản Yàng sẽ phạt tội đấy!”.

Những tấm áo quần này có rất nhiều công dụng, trời lạnh có thể làm tấm đắp, làm tấm thảm trải giường, lên rẫy mặc vào thì ấm vô cùng, độ bền thì khỏi bàn đến. Những bộ đồ từ thời xa xưa, đang được các thế hệ con cháu của tộc người Hà Lăng bảo quản chu đáo, là hiện vật quý giá cần được gìn giữ lưu truyền. Các nhà văn hoá, nhà khoa học cũng cần biết đến, đặng giúp người dân tộc Hà Lăng.

MỚI - NÓNG