Những bức tranh nhỏ từ nghị lực phi thường

Những bức tranh nhỏ từ nghị lực phi thường
TP - Không thể cầm được cây bút, không thể cử động các ngón tay, nhưng anh tập để cử động được cánh tay phải. Tự nghĩ ra một cái kẹp buộc vào cánh tay và cây bút vẽ, anh bắt đầu vẽ những bức tranh đầu tiên bằng ý chí…

10 giờ đêm, họa sỹ Đào Ngọc Huỳnh (báo Lao động) nhắn cho tôi, bảo: Tôi nhờ bà tí việc. Tôi ừ. Huỳnh kể: Tôi có ông anh họa sỹ sắp có triển lãm. Tôi hỏi, tên là gì? Tranh có đẹp không? Huỳnh không trả lời câu hỏi của tôi mà bảo: Có thể đây là triển lãm duy nhất của anh ấy.

Anh ấy bị liệt 10 năm nay. Những bức tranh mang triển lãm là sự cố gắng trong lao động sáng tạo không ngừng của cả 10 năm trên giường bệnh.

Tôi google tên Trịnh Long, tịnh không có một dòng viết nào về anh hoạ sỹ ấy. Chỉ biết vài thông tin qua câu chuyện của Huỳnh, Long bị liệt toàn thân, vẽ tranh là nỗ lực lớn vô cùng của Long, thậm chí, đó là cả ý chí chứ không đơn thuần là kỹ thuật hội hoạ.

Tôi đến nhà gặp Long buổi chiều hôm sau. Trong điện thoại có nhắn: Em muốn nói chuyện với anh lâu lâu một chút. Long, trong điện thoại bảo: Cũng chẳng có nhiều để nói.

Phố Đê La Thành. Con ngõ nhỏ. Tối. Căn nhà nhỏ. Tối. Long nằm ngay trên chiếc băng ca trong căn phòng mà rất có thể nó được sử dụng làm phòng khách.

Câu chuyện không dài. Vì tôi cũng chẳng muốn hỏi thêm xem tại sao anh lại bị tai nạn. Anh cảm thấy gì khi bị tai nạn. Cha mẹ anh đã khốn khổ ra sao khi đứa con trai duy nhất, giảng viên Khoa Trang trí nội thất trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp không thể khỏe mạnh trở lại. Bởi những điều ấy, chẳng cần hỏi tôi cũng có thể đoán ra.

Long kể, trong một năm đầu bị tai nạn liệt toàn thân, anh vẫn hy vọng vào sự tiến bộ của y học và sự nỗ lực cố gắng của mình, biết đâu có ngày sẽ cử động lại đôi bàn chân, đôi bàn tay.

Tuy nhiên, sau hơn một năm, Long không hy vọng nữa, bởi anh biết, mọi sự cố gắng của anh, tiền bạc của cha mẹ hay sự nỗ lực của y học trong nước chẳng thể nào khiến anh có thể ngồi lên được. Long nghĩ, mình phải làm gì đó.

Triển lãm tranh mang tên Sự sống, diễn ra từ 5/8 đến hết 12/8/2009 tại Trung tâm Nghệ thuật Việt, 42 Yết Kiêu, Hà Nội.

“Mỗi ngày, tôi dành hai tiếng để vẽ, những người bạn hay đến thăm tôi, con cái, em của họ, cháu, học trò của mẹ, thậm chí cả em giúp việc…”

Long vẽ khó khăn, vì tay chỉ có thể đưa theo chiều dọc, còn những chi tiết nhỏ anh không thể vẽ được.

Cuối năm 2008, Long ngồi nhiều, mông bị hoại tử, phải khoét đi. Từ đó, anh không ngồi lên được nữa. Anh cũng không thể vẽ được nữa.

Giờ, bạn bè tổ chức làm cho anh một triển lãm. Người in giấy mời, người in sách, người lo phòng trưng bày cho 36 bức tranh tại 42 Yết Kiêu.

Đây là triển lãm duy nhất mà tác giả không thể xuất hiện. Tôi hỏi, anh có thể cố gắng đến được không? Long bảo, cố cũng được, tuy nhiên hậu quả thì khôn lường. Bạn bè đã quay phim, nói lời cảm ơn và xin lỗi của tôi với mọi người rồi. Tôi sẽ không đến.

Hỏi anh có vui vì triển lãm không, Long bảo, chỉ để cảm ơn bạn bè thôi…

Liệu có thể có triển lãm thứ hai không? Anh bảo: Chắc khó.

Anh có thể vẽ tiếp tục nữa không? Anh bảo: Muốn lắm, nhưng không biết vẽ bằng cách nào.

Tôi về, căn nhà nhỏ và tối, ngõ nhỏ và tối. Phía sau tấm cửa kính dày, cánh cổng sắt đã hoen rỉ là... Long.

Sáng nay, đến cơ quan, nói chuyện với một hoạ sỹ, hỏi cô ấy có biết Long không, cô ấy bảo biết và thêm một câu: Tên đầy đủ là Trịnh Ngọc Long, sinh năm 1969. Trước khi tai nạn, chưa từng yêu. Ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, rất ít người không biết anh ấy. Bởi đó là một người có nghị lực phi thường, nỗ lực phi thường!

MỚI - NÓNG