Những ca nương đầu thế kỷ XXI

Những ca nương đầu thế kỷ XXI
Nguyễn Thu Thảo và Nguyễn Kiều Anh - 11 tuổi, chính thức học ca trù từ năm 8 tuổi. Cô giáo Thúy Hòa cho biết hai cháu phải hát được đến 7-8 làn điệu.

Từ hồi sau năm 1954, một tổ chức phi chính phủ của Pháp do nhạc sĩ Tôn Thất Tiết đại diện đã chọn gia đình ông Mùi ở Thụy Khuê để khôi phục truyền thống ca trù. Nguyễn Thúy Hòa, con gái út của ông Mùi từ đó chính thức trở thành học trò của bà Quách Thị Hồ. Trước đó, bà đã sẵn sàng dạy miễn phí cho Hòa từ năm cô học lớp 10.

Thúy Hòa là một trong hai giảng viên của lớp bồi dưỡng ca trù 2 tháng tổ chức do Cục NTBD tổ chức cuối năm 2002 dưới sự tài trợ của quỹ Ford. Và cũng với sự tài trợ này mà diễn ra LH Ca trù toàn quốc với sự tham gia của các CLB ra đời từ lớp học hỏa tốc trên.

Theo nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, để học trọn vẹn (những gì còn lại) của ca trù phải mất 4-5 năm. Nghệ nhân Phó Thị Kim Đức có thể rút lại còn 3 năm với sự trợ giúp của các phương tiện hiện đại như máy ghi âm, ghi hình…

Hỏi thăm Thúy Hòa, thành viên BGK LH Ca trù lần này, cô cho biết vẫn chưa học xong bài Non mai hồng hạnh vì không có “người giúp”. Văn bản do chuyên gia Nguyễn Xuân Diện (Viện Hán Nôm) cung cấp lời vẫn không khớp. Hòa bắt đầu học bài này từ khi chưa sinh con, nay con đã 6 tuổi. Cô chỉ có trong tay độc nhất băng ghi âm do Châu Doanh hát.

Hòa đã nghỉ công việc kế toán từ năm 1999 nên có thể coi là một đào nương chuyên nghiệp độc nhất hiện nay. Ngoài những lời mời không thường xuyên trong và ngoài nước, Thúy Hòa và nhóm ca trù Thái Hà vẫn xuất hiện vào 2 tối cuối tuần tại 51 Trần Hưng Đạo trong chương trình Cung đàn xuân.

Ngoài ra, cô sống nhờ vào cửa hàng thực phẩm chung vốn với chồng- một đầu bếp khách sạn. Tại LH Ca trù lần này, có thể thấy anh rất lịch lãm ngồi cầm chầu cạnh vợ. LH là một dịp để Hòa khám phá thêm kho tàng còn lại của ca trù, ở hai cụ bà trong Hà Tĩnh hay bà Cung, cụ Đẹ ở CLB Dân chủ, huyện Tứ Kỳ- Hải Dương, rồi Hải Phòng “cũng có cái hay”. Hòa cho biết sắp tới cô sẽ về Tứ Kỳ “để tìm kiếm thêm tư liệu”.

Đoàn Thị Chinh, 25 tuổi, vốn là cộng tác viên của Trung tâm VHTT tỉnh Hải Dương, có chất giọng thiên về dân ca, từng được giải Ba và giải Nhì 2 lần thi Tiếng hát phát thanh- truyền hình tỉnh. Lớp học của quỹ Ford đã đem lại cơ hội cho Chinh và các bạn trở thành thế hệ hát ca trù thứ 5 (NSND Quách Thị Hồ thuộc thế hệ thứ 2).

Sau 2 tháng học, cô hát được 3 làn điệu: Hát nói (Đào Hồng đào Tuyết), Xẩm huê tình và Hát giai hát ru. Trọ học ở Nhạc viện HN cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc nên cô cho biết có học thêm được bà “một số làn điệu nhỏ”.

Hải Dương hiện có 4 CLB Ca trù, 2 CLB của “các cụ”. CLB còn lại chính là của lứa học sinh của Chinh ở hai huyện Nam Sách và Cẩm Giàng. Chinh bộc bạch: “Thầy truyền đạt thế nào em dạy thế!”. Năm 2003 cô dạy 9 học sinh, năm 2004, 10 em nữa “ra trường”.

Trong số đó, cô cho rằng chỉ 20% là đạt yêu cầu, và tất nhiên không ai theo kịp cô giáo. Cũng như Chinh không thể bằng được cô giáo của mình. Việc lưu truyền ca trù kiểu đó có thể xem như… cho vui, và không khỏi tiếc công cho Chinh. Thay vào việc đi dạy giá có ai dạy cô thì tốt hơn!

Chinh tâm sự, khi còn chưa biết mình được giải: “Có lẽ là em có duyên với ca trù, nên em không dừng lại ở đây mà muốn phát triển hơn nữa!”. Nhưng cho đến nay, cô chỉ có thể tự nghiên cứu thêm băng và sách. Số băng cô có vừa đủ đếm trên đầu ngón tay, còn sách chủ yếu vẫn là quyển giáo trình phát trong khóa học. Chinh xem thêm cả giáo trình cho nhạc cụ nữa.

Cách đây 60 năm, những người như Chinh chưa thể gọi là ca nương nhưng bây giờ cô là thí sinh được đánh giá cao nhất tại một LH toàn quốc. Không học ngay nhỡ các cụ nghệ nhân “đi” thì sao, cô trả lời: “Biết là như vậy nhưng còn điều kiện thời gian, vật chất…”.

Hiện cô đang theo học lớp Thanh nhạc, trường Trung cấp VHNT của tỉnh. Hỏi liệu kỹ thuật thanh nhạc đánh bạt kỹ thuật ca trù không. Cô cho biết: “Nếu không có lập trường thì cũng có khả năng đấy! Vì hai kỹ thuật khác hẳn, một bên khẩu hình mở lớn, một bên ghìm hơi, ngậm miệng, không hát to. Nhưng em đủ tự tin để tách bạch cả hai. Vì chất của mình cũng chỉ trữ tình!”.

CLB Hải Dương của Chinh có 2 người hát, một đàn, một trống sinh hoạt định kỳ giữa tháng. Hai năm kể từ khi tốt nghiệp lớp ca trù Ford về đến nay, họ được mới có 5-6 lần biểu diễn, đều hát thêm quan họ.

Bên mời là Hội phụ lão, đám mừng thọ, và Hội nghị của ngành văn hóa. Mỗi lần đi hát như thế, mỗi thành viên trong nhóm “giỏi lắm cũng chỉ được 50.000đ”. Chinh cho biết ở Hải Dương cũng có một nhóm các cụ U80 lối hát khác hẳn, nhưng cô muốn học các cụ “trên này”! Có lần, các ca nương ở Hải Phòng thấy hát ca trù Hà Nội khác bèn hỏi nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền xem có nên học theo Hà Nội không? Tất nhiên câu trả lời là không. Hải Phòng cũng từng là một trung tâm ca trù lớn có sắc thái riêng.

Nguyễn Thu Huệ, sinh 1982, là một trong 8 ca nương nhận HCB tại LH đợt II. CLB Ca trù tỉnh Bắc Ninh của Huệ có bận bịu hơn trong những tháng xuân này, nào là hát cửa đình, tân gia, chúc thọ, hội nghị.

Những “canh quan họ” ở huyện Yên Phong vốn đã kèm chèo (chẳng hạn trích đoạn Xã trưởng mẹ Đốp) nay điểm thêm đôi bài ca trù. Đang công tác tại Phòng Văn hóa xã, đội thông tin tuyên truyền, Huệ cho biết cô không ngờ được tham dự LH này, vì học hành hạn chế, anh em ai cũng bận công việc, trước khi vào thi, họ chỉ có 3 ngày ráp lại với nhau.

Cô cho biết, CLB đang có dự định bằng quỹ trích ra từ tiền đi diễn sẽ đến xin cô Hòa cho thụ giáo tại nhà. Dù không được nghe hết các tiết mục dự thi nhưng Huệ cho biết cô thích nhất phần biểu diễn của bé Kiều Anh - “nhả câu chữ khéo, hát có tình cảm, ra chất”! Kể cũng không lạ, xét về thời gian học và lượng bài, cả hai cô bé “con nhà” nhóm Thái Hà đều hơn đứt các chị Chinh và Huệ.

Đều gọi Thúy Hòa bằng cô, Nguyễn Thu Thảo và Nguyễn Kiều Anh - 11 tuổi, chính thức học ca trù từ năm 8 tuổi. Cô giáo cho biết hai cháu phải hát được đến 7-8 làn điệu. “Em hát được Thét nhạc nhé, chị hát bị khản giọng!” - Kiều Anh thấp bé hơn nhưng hay tỏ ra “lên mặt” với Thảo.

Hỏi đến đây thi có run không, trả lời: “Cháu mất dây thần kinh run rồi!”. Đang học năm II sơ cấp tam thập lục, Nhạc viện HN, từ năm lớp 2, Kiều Anh đã được HCV ca trù cấp thành phố. Đến nay cô bé đã giành đến 3 HCV. Kiều Anh không hát nhạc thiếu nhi mà thích hát những bài của Mỹ Tâm, chẳng hạn bài Nụ hôn bất ngờ...

MỚI - NÓNG