'Những câu chuyện châu Á' của Đinh Ý Nhi

'Những câu chuyện châu Á' của Đinh Ý Nhi
TPO - 18h30 ngày 15/11, họa sĩ Đinh Ý Nhi mở triển lãm "Những câu chuyện châu Á" của mình tại Mosaique (23 Ngô Văn Sở, Hà Nội) sau 2 năm "im tiếng".
'Những câu chuyện châu Á' của Đinh Ý Nhi ảnh 1
Họa sĩ Đinh Ý Nhi. Ảnh: H.T

Chị bận triển lãm ở Ấn Độ, Mỹ hồi cuối năm ngoái và trước đó đặt ở Thái Lan, Thượng Hải (Trung Quốc). Đây là dịp để chị chứng tỏ mình và có cơ hội gặp bạn bè.

Triển lãm gồm 11 bức sơn dầu (chỉ có 2 bức đen trắng). Chị thực hiện trong vòng 4 - 5 tháng theo lời mời của CLB Mosaique.

Đinh Ý Nhi đặc tả những cô gái bằng nhiều sắc thái bằng những xúc cảm, cung bậc riêng. Có bức đặc tả người đàn bà dạng chân, khỏa thân, chăm chú nhìn vào người xem; còn lại là những gương mặt của một cô gái.

Không lồng đèn, không nhà cửa, không tả những món đồ cổ, nhưng những bức tranh này là tình yêu của Đinh Ý Nhi dành cho Hội An, nơi mỗi năm chị đều tự mua vé và đi du lịch giống như một người nước ngoài. 

Trông họa sĩ Đinh Ý Nhi đầy vẻ dân dã, trẻ hơn cái tuổi Mùi của chị. Đinh Ý Nhi tâm sự ít người thích tranh chị, có nhận xét còn cho rằng Đinh Ý Nhi không biết vẽ, chỉ là những nét... nguệch ngoạc, không mượt mà lắm. Nhưng tranh chị đặt tại Ấn Độ hồi tháng 10/2006 khách mua hết... veo!

Chị không đặt tên hay đánh số cho mỗi bức tranh mà tên chung là "Những câu chuyện châu Á". Triển lãm sẽ kéo dài đến 31/12, TPO tranh thủ phỏng vấn chị:

Lâu lắm rồi Đinh Ý Nhi mới triển lãm, sao vậy?

Các triển lãm cá nhân mở khá nhiều, nên mọi người cảm giác là lâu quá mình mới có một triển lãm. Thường thì cứ 2 - 3 năm mở một triển lãm cá nhân là vừa. Thỉnh thoảng Nhi vẫn có những bức riêng lẻ đặt ở triển lãm chung và ở nước ngoài.

Quan trọng là họa sĩ phải thấy rằng mình có một cái gì mới mẻ, thay đổi thì hẵng mở triển lãm. Cường độ để trưng bày tranh của mình thế là vừa!

Sao không triển lãm một cách "trống giong cờ mở"?

Nếu mở một nơi lớn hơn, hoành tráng hơn, mình sẽ phải cần tới 20 - 25 bức. Nhưng sức vẽ của mình trong thời điểm này không đủ để đảm bảo được ngần ấy vì bên cạnh đó còn vướng một vài dự án khác.

Trước khi khai mạc Những câu chuyện châu Á mình chỉ có chừng 4 - 5 tháng. Một triển lãm trong khung cảnh nhỏ cũng đủ biết là mình vẫn đang sáng tác, và cũng là nơi để bạn bè gặp gỡ và biết tới tranh mình có hay ho hơn không?

'Những câu chuyện châu Á' của Đinh Ý Nhi ảnh 2  'Những câu chuyện châu Á' của Đinh Ý Nhi ảnh 3  'Những câu chuyện châu Á' của Đinh Ý Nhi ảnh 4

Triển lãm lần này khác gì so với những lần trước?

Chuỗi tranh ở triển lãm này vẫn chỉ tiếp mạch suy nghĩ của mình từ nhiều năm trước đây. Với mình, họa sĩ như người đào đất, vẫn đào nguyên theo hướng cũ, áng chừng như chưa đi xa  hơn. Nhưng mình thấy, dù đào thêm được... "1cm" nữa cũng là quá mừng rồi.

Bản thân người họa sĩ luôn muốn mình đào thấy, tìm tòi ra một cái gì đó mới hơn, hay hơn. Mình mất 10 năm để vẽ bột màu, năm 2003 chuyển sang sơn dầu, khác hẳn về chất liệu và kích thước.

Triển lãm trước đặt ở Hà Nội, mình vẽ toàn đen trắng, nay đa phần vẽ màu. Triển lãm được trưng ra chứng tỏ mình đang làm việc đầy hứng thú và sáng tác có hiệu quả.

Theo chị, các họa sĩ triển lãm để bán tranh hay khẳng định vị trí của mình trước công chúng?

Trước khi mang tranh của mình cho công chúng xem, họa sĩ đã nghĩ rằng họ mang để bán, thì chắc rằng họ sẽ chẳng bán được cái tranh nào. Hoặc tranh của họ sẽ bán được nhưng không đồng đều, bấp bênh.

Hội họa cũng như một sản phẩm, người họa sĩ phải biết đưa ra một sản phẩm tốt, đặc biệt, hay hơn các sản phẩm cùng loại khác thì chắc chắn mọi người sẽ mua tranh của mình thôi.

Họa sĩ phải hết mình, khẳng định khả năng công sức của chính mình, cuối cùng mọi thứ sẽ tự đến.

Chị có mang những bức tranh này triển lãm ở nước ngoài không?

Có thể, mình chưa nói trước được.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.