Những chiếc bánh gọi thương, gọi nhớ…

Những chiếc bánh gọi thương, gọi nhớ…
TPO - Đó chỉ là những chiếc bánh bày bán trong một góc chợ đông vui nào đó, hay mải miết toả hương nơi các quán nhỏ ven đường. Chỉ thế thôi, mà đủ để người đi rồi mà lòng còn vấn vương ở lại.
Những chiếc bánh gọi thương, gọi nhớ… ảnh 1
Phơi bánh phồng

Những người sinh sống ở Nam Bộ không ai không biết đến câu “Bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc”. Miếng bánh đã thơm, đã ngon nhưng câu chuyện xung quanh nó còn hấp dẫn du khách đến với mảnh đất miền Tây hơn gấp nhiều lần.

Nhìn những người thợ miệt vườn mải mê làm bánh mới “thấm” hết cái ngọt bùi tinh túy ẩn bên trong. Chẳng ai nghĩ một miếng bột bé nhỏ, chỉ độ chừng ngón tay, đem thả vào chảo mỡ đang sôi, bỗng phồng to lên như một đoá hoa nắng vàng rộm. Cầm đoá hoa rực rỡ ấy trên tay, đưa lên miệng thưởng thức, vị ngọt béo đậm đà nhanh chóng tỏa lan. Có lẽ vì đặc điểm “biến hình” thú vị đó mà bánh được gọi là “bánh phồng”. Cái tên cũng đơn giản như chiếc bánh vậy.

Thế nhưng để có được một chiếc bánh phồng thơm ngon, thỏa lòng những đứa trẻ miền Tây chiều chiều mong ngóng đợi bà, đợi mẹ đi chợ về; người làm bánh cũng trải qua lắm nỗi khó nhọc.

Bánh phồng có nhiều loại mùi vị: ngọt, mặn hay thơm thơm cuả hành. Nhưng dù mang vị gì thì chiếc bánh phồng cũng làm từ gạo nếp. Thông thường các loại bánh đều làm từ bột đã được nhào mịn. Bánh phồng thì khác. Phải để nguyên hạt gạo nếp trắng đục đem đồ thành xôi, sau đó được quết thật mịn và nhuyễn.

Công việc “quết xôi” luôn là phần “ưu ái” giành cho những người đàn ông trong gia đình. Tuy không cần dùng quá nhiều sức, nhưng người thợ phải quết cơm nếp trong thời gian dài và phải thật đều tay. Có như thế lớp bột dưới lòng cối mới dẻo thơm mời gọi, không bị lấn cấn những hạt cơm còn nguyên.

Trong khi “quết” bánh, người thợ vùng miệt vườn sẽ cho phụ liệu vào. Mỗi loại bánh phồng lại có những phụ liệu khác nhau, tạo nên dư vị riêng cho từng chiếc bánh. Từ lâu, quết bánh phồng đã trở thành một nghề. Nên dù buổi sáng tinh sương, mới “ướm chân” lên mảnh đất Châu Đốc đã nghe tiếng chày thậm thịch, râm ran khắp làng trên, xóm dưới. Tiếng chày cứ cần mẫn như thế, vang lên đến khi chớm có nắng mới “chịu” ngừng lại nghỉ ngơi.

Bà con miền Tây thường đùa nhau: “Muốn có bánh phồng ngon phải nhờ vào… ông trời”. Bởi lớp xôi sau khi được quết, phải cán mỏng, sau đó đem phơi. Bánh chỉ đạt độ ngon nhất khi được “phơi mình” dưới cái nắng dịu nhẹ, hiền lành. Còn khi thời tiết thất thường thì... Nắng khô hanh lớp bánh sẽ cứng lại, chai rồi mất đi độ dẻo cần thiết. Mưa thì còn khổ hơn. Chiếc bánh màu trắng đục ngấm nước, trở nên thõng thượt. Phơi bánh phồng mà trời đổ mưa là xem như bỏ.

Miền Tây không chỉ có những bông hoa bánh phồng rực rỡ mà còn quyến rũ thực khách bằng món bánh tráng nước dừa, vừa thơm vừa giòn. Nếu bánh tráng miền Bắc được làm từ bột gạo tẻ đã rây mịn, thì bánh tráng Nam Bộ lại được “chế tác” từ bột dừa, bột sắn.

Người dân Nam Bộ yêu dừa. Đâu đâu trên khắp mảnh đất phía Nam cũng bắt gặp những thân dừa tròn lẵn, chắc nịch. Cây dừa vươn cao, soi bóng xuống hiên nhà, yên bình và gần gụi. Nơi xứ dừa Bình Định, người dân dùng loại cây thân thuộc này để lấy dầu và làm nên loại bánh tráng nước dừa thơm ngon.

Bánh tráng nước dừa trở thành món ăn gợi nhớ, gợi thương có lẽ bắt nguồn từ cách pha bột. Phải chọn những trái dừa già, mới bổ ra lấy cùi. Dừa non tuy có ngọt hơn nhưng không đặc nước và chưa đạt vị bùi bùi cần thiết. Cùi dừa được đem ép lấy nước. Người thợ làm bánh  dùng thứ nước ấy trộn bột dừa, bột sắn.

Phải trộn cho khéo. Nếu bột bánh dầy khi lên khuôn tráng bánh sẽ lâu chín, khi phơi cũng khó giòn. Còn nếu pha bột loãng thì rất khó để lấy bánh ra khỏi nguôn một cách lành lặn. Những người thợ làm bánh tráng nước dừa, bao giờ cũng đặc biệt chăm chút cho giai đoạn hoà bột. Thứ bột màu trắng đùng đục ấy có mùi thơm thật đặc biệt. Đậm đà vị béo ngậy của dừa, phảng phất mùi thơm thanh thanh của bột sắn.

Người dân Nam Bộ cũng tráng bánh như miền Bắc, nhưng tráng đến hai lần. Căng một miếng vải sạch lên trên nồi, khi nước bắt đầu sôi thì múc một gáo bột đổ lên. Người thợ phải nhanh tay rây bột dàn đều trên mặt vải. Sau đó, rải vừng đen rồi đến hành hương xắt nhỏ đều trên mặt bánh. Đậy nắp nồi lại trong một phút rồi mới tráng đến lớp bánh thứ hai.

Lớp vừng đen và hành lá thế là đã được bao bọc chắc chắn. Khi bánh chín, mở nắp ra, toả lan trong không khí một hương thơm ngọt bùi dịu nhẹ. Đợi bánh ráo, người ta đặt bánh lên phên rồi đem đi phơi cho được nắng. Khi bánh khô, nhẹ bỗng là lúc chuẩn bị một bếp than hang để nướng. Chiếc bánh mỏng manh gặp lửa cong lên, rồi nở phình ra, thơm phức.

Bánh tráng được nướng giòn tan, được chia đều cho mọi người vây quanh bếp mà không cần phải ngồi vào bàn ghế sang trọng. Và dù thích lắm, thực khách cũng chỉ nhấm nháp một vài cái bánh thôi. Để vị thơm ngọt còn quyến luyến mãi không thôi.

Thế nên, có những món quà quê ăn chẳng phải để no bụng. Ăn bánh phồng, bánh tráng nước dừa là để cảm nhận phía sau vị ngọt thơm kia là bao khó khăn, vất vả. Là tấm lòng thuần hậu, chất phác của người dân Nam Bộ.

Chính những người thợ ấy đã dồn dém hết tâm sức của mình, để những chiếc bánh đơn giản không chỉ là món quà ăn vặt bình thường, mà trở thành đặc sản thơm ngon và hấp dẫn, vẫn níu chân thực khách trên khắp các nẻo đường, góc phố. Những chiếc bánh gợi thương, gợi nhớ…

Trần Minh Quế
Phòng công an Thị trấn Nhồi (Đông Sơn, Thanh Hóa) minhque201@yahoo.com

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.