'Những chiếc đuôi' của Quỷ

'Những chiếc đuôi' của Quỷ
TP - Triển lãm cá nhân thứ hai của Trần Đức Quỷ mang tên 'Hợp thể' (Fusion) vừa khai mạc tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội. Tác giả tên thật là Trần Đức Quý.
Trần Đức Qủy - tác giả đeo hai cravat tại lễ khai mạc triển lãm Hợp thể
Trần Đức Qủy - tác giả đeo hai cravat tại lễ khai mạc triển lãm Hợp thể .

Một ngày, anh bỗng chán cái tên hay ho của mình. “Các người thích đẹp thì tôi thích xấu. Đôi khi xấu lại là đẹp. Ví dụ một cô gái xấu không bị quấy nhiễu. Đẹp sẽ được các anh chàng rủ đi uống cà phê, đồng nghĩa sẽ sinh chuyện. Cô ở nhà buồn một tí, nhưng thôi biết thân biết phận, cắm cổ học, đương nhiên dễ trở thành người giỏi, người tốt”- họa sĩ lý luận.

“Đặt tên Qủy cho nhàn, ra đường đỡ phải ngoái đầu nhiều vì nhầm tưởng người ta gọi mình như những người tên đẹp khác”.

Anh từng định chính thức đổi tên thành Qủy, nhưng sau lại nghĩ giấy tờ chỉ là hình thức; anh thú nhận đã xé bằng tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật trong lúc hoàn toàn tỉnh táo. Quê Hải Dương, mồ côi cha năm 13 tuổi, trốn nhà ra Hà Nội từ bấy đến nay, nhưng anh vẫn đặc sệt chất quê từ dáng điệu đến lời ăn tiếng nói: “Xem phin Mat-xit-cơ-va tình yêu của tôi thấy cảnh nặn tượng, thích, thấy sung sướng quá, cứ bắt chước, tự nhiên nó trở thành nghề...”.

Ở Hà Nội, anh từng làm đủ nghề liên quan đến tạo hình: Vẽ truyền thần, khắc bia đá, khắc gỗ mỹ nghệ... Cuối cùng là đẽo tượng cho một giảng viên ĐH Mỹ thuật. Năm 23 tuổi, anh đỗ ĐH Mỹ thuật, nhưng không được nhập học vì chưa tốt nghiệp THPT. Buộc phải học bổ túc 4 năm nữa lấy bằng phổ thông rồi tiếp tục thi ĐH.

Những con lợn hai đuôi. Ảnh: N.M.Hà
Những con lợn hai đuôi. Ảnh: N.M.Hà.

Quỷ tâm sự: “Là đứa trẻ sinh đôi, tôi rất nhạy cảm với những cặp đôi dính liền nhau. Một vật thể với một chức năng nào đó chỉ hoạt động được khi độc lập, toàn vẹn. Nếu nó bị dính dấp với một thứ tương tự thì không thể nào vận hành được”.

Anh bắt đầu thể hiện ý tưởng bằng những chiếc quạt dính cánh vào nhau (2007) đến đàn vịt con nọ rúc đầu vào đuôi con kia (triển lãm riêng 2008). Được biết một bảo tàng ở Bỉ đã bỏ ra 20.000USD để mua lứa vịt 500 con 1 đầu này.

Từng đúc những con lợn không đầu hai đuôi bằng sành, đầu năm nay, Qủy nghĩ tới việc dùng chất liệu thật. Anh mua 148 con lợn. Chỉ lấy phần da nửa thân sau. Đem xử lý và nhồi composit vào trong. Mất 6 tháng mới ra thành phẩm. Vì không có chuyên môn thuộc da, nên hỏng mất khá nhiều. Thay vì 100 cái đuôi như ý tưởng ban đầu, đàn lợn thực tế của Quỷ chỉ có 77. Tên ban đầu của triển lãm là Những cái đuôi, dịch ra tiếng Pháp lại mang nghĩa nhạy cảm, nên nhà tổ chức mới đề nghị dùng thêm tên khác.

Những cái đuôi của Qủy lấy cảm hứng từ cảnh chọi trâu ở Đồ Sơn. “Hai con trâu lao đầu vào nhau mạnh như sắp chui vào nhau. Đó là cuộc đối đầu không có tri thức. Tôi thích hình ảnh hai chú lợn lao vào nhau, những cái đầu biến mất. Chỉ còn lại những cái đuôi quăn và những cái mông mũm mĩm, gợi cảm. Đó là cao trào của tình yêu chứ không phải chiến tranh. Ví dụ hai người yêu nhau ôm hôn chưa đã, còn muốn chui vào cơ thể nhau để tìm hiểu, khám phá...”.

Còn với ai thắc mắc tại sao lại là lợn, Quỷ sẽ trả lời: “Con lợn xả thân nuôi sống con người thì cũng nên tạc tượng nó, để nó chết đi khỏi oán mình là vô ơn(!)”.

Quỷ không thích bị gọi là nghệ sĩ. Tại triển lãm chung đầu tay, anh khai trong phần tiểu sử, đại loại: Nông dân Trần Đức Qủy, nghề nghiệp chính chăn nuôi gia súc, nghề phụ làm nghệ thuật; Sở thích ngoáy tai, ôm hôn phụ nữ và ngâm chân nước nóng đập gừng; Về thành tích, từng đoạt huân huy chương cấy lúa ở quê nhà, giải khuyến khích chăn nuôi gà vịt giỏi…

MỚI - NÓNG