Những chiêm nghiệm tử - sinh

Những chiêm nghiệm tử - sinh
TP - Đến Viet Art (Yết Kiêu, Hà Nội) những ngày này, dễ nhận ra một nhân vật khá nổi bật về ngoại hình: nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng. To con, râu rậm, nước da nâu sạm.
Những chiêm nghiệm tử - sinh ảnh 1
Nhà nhiếp ảnh Mỹ Dũng bên tác phẩm sắp đặt

Gặp, người ta hơi choáng với vẻ “ngầu” của anh. Lại thêm cái giọng Quảng lúc nào cũng ồn ào, hào sảng.

Nhưng anh rất hiền, điều này khi ngồi lâu lâu với anh một chút thì nhận ra. Người hiền thì mắt hiền. Mỹ Dũng không chỉ thế, anh còn có con mắt “xanh”.

Con mắt xanh này được ống kính máy ảnh hỗ trợ, ghi lại những khoảnh khắc thú vị của cuộc sống, theo cách nhìn của riêng anh.

Ra Hà Nội lần này, theo Dũng, là ra với không gian nghệ thuật đương đại. Có lý, vì hiện nay hoạt động nghệ thuật mới thì ở Hà Nội là mạnh hơn cả. Bởi lần này, anh không chỉ trình làng những bức ảnh, mà còn làm sắp đặt (installtion) ảnh với lưới, cây que và nhiều thứ khác. Sinh năm 1958, Dũng đã làm nhiều triển lãm ảnh nghệ thuật trong và ngoài nước.

Anh em nghệ sĩ từ Đà Nẵng mà tôi gặp đều than, ở Đà Nẵng ít triển lãm quá. Mà dường như cũng không có không khí say nghệ thuật.

Những bức ảnh của Dũng được đặt thành từng cặp với những cái tên chỉ một chữ: Hạnh - Phúc; Sinh - Tử; Ơn - Nghĩa; Tiền - Tù, Phật - Pháp… Đây là những từ giàu nghĩa, thực chất đều là những khái niệm lớn trong đời người, có vị trí cao trong tâm thức tín ngưỡng Á Đông.

Ảnh của Mỹ Dũng có tải hết được các ý nghĩa này không – điều này nằm trong cảm nhận của mỗi người xem. Nhưng phải nói trong số này có nhiều bức có góc nhìn lạ: Một khung cửa nhỏ hẹp hắt ánh sáng vào đúng góc nằm tối tăm của người tù (Tù), một đám tang với những người ngư dân vẫn nguyên quần áo xuềnh xoàng khiêng chiếc áo quan lên chiếc thuyền đánh cá (Nghĩa).

Những chiêm nghiệm tử - sinh ảnh 2
Sinh

Ấn tượng có thể nói là “Sinh” và “Hạnh”. Ở bức thứ nhất, một đứa bé còn nguyên dây rốn đang bật ra tiếng khóc đầu tiên trong cuộc đời. Bức thứ hai, đó là nụ cười trên khuôn mặt cô dâu trong một đám cưới mà từ tân lang tân nương đến những người tham dự đều là người khiếm thị.

Giữa hai bức Sinh và Tử, Mỹ Dũng sắp đặt một loạt 10 bức vách bằng kính, trên mỗi bức có một con mắt. Một sợi dây thừng đi qua Sinh và Tử, luồn qua những con mắt, bên dưới là một bể kính, đầy những chữ Ơn, Nghĩa, Tiền, Tù, Phật, Pháp…

Trên bức tranh “Tử”, Dũng rải lên nhiều cái cúc áo, đó là một phong tục ở miền Trung, người qua đời, khi ra đi sẽ không mang cúc. Đây là sự cởi bỏ để ra đi thanh thản.

Tác giả giải thích đó là một chiêm nghiệm đời người qua 10 “cửa”, thấm trải những giá trị, và đi qua bể khổ! Có lẽ ở anh, tư tưởng Phật giáo cũng đã thấm phần nào.

Những chiêm nghiệm tử - sinh ảnh 3
Hạnh

Không gian phía trên, Dũng để một tấm lưới, trên đó mắc lên khá nhiều hình nhân… anh nói: đó là “lưới trời lồng lộng”!

Tuy nhiên, một tác phẩm installtion thì không nên “chôn dấu” quá nhiều ý tưởng đến như thế. Và một tác phẩm kiểu này cũng không nên là “minh họa” cho một ý niệm sẵn có. Cũng chẳng nên cho chữ vào mà hãy để vật thể nói tiếng nói của nó. Nhưng thôi, đó là Mỹ Dũng, và anh tin yêu cái gì thì anh làm cái đó!

Triển lãm “Những góc lặng” vừa mở ra tại Viet Art. Cái tên này thật ra hơi nhạt và hiền so với những gì có mặt trong triển lãm. Tham gia lần này có 3 người:  Mỹ Dũng với “I ABC NHÌN”, nhà thơ, designer Huỳnh Lê Nhật Tấn với “Dấu nối sinh tồn” (tranh – thơ) và nghệ sĩ thị giác Nguyễn Mỹ Lê với “Cha mẹ tôi” (ảnh – video art).
MỚI - NÓNG
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại: Nơi hứng chịu 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.