Những cú hích để bảo tồn báu vật đất phương Nam

Đờn ca tài tử là món ăn tinh thần của người dân Nam bộ
Đờn ca tài tử là món ăn tinh thần của người dân Nam bộ
Đờn ca tài tử, cũng như nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác của mảnh đất Nam Bộ đang được giữ gìn, phát huy bằng hàng loạt hoạt động ý nghĩa. Không chỉ được giới thiệu rộng rãi bằng các chương trình truyền hình, bộ môn nghệ thuật truyền thống của Nam Bộ một lần nữa sẽ được tôn vinh tại Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017.

Nam Bộ: Mảnh đất của nghệ thuật dân gian

Cảnh đẹp nao lòng, con người mộc mạc, hồn hậu và nghĩa tình… là những mỹ từ thường được khách du lịch dành cho mảnh đất Nam Bộ. Đây cũng là nơi có hàng loạt các loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng miền sông nước. Chính sự phóng khoáng của con người đã biến nơi đây thành “thánh đường” của Cải lương, của Đờn ca tài tử cùng nhiều loại hình nghệ thuật dân gian khác.

Trong số những loại hình nghệ thuật dân gian ở Nam Bộ, không thể không nhắc đến Cải lương. Ra đời từ những năm đầu thế kỷ XX, Cải lương phát triển mạnh mẽ khi phản ánh được tâm tư, nỗi lòng của người dân. Có một thời, những gánh hát Cải lương được yêu mến, tung hô và đón chào ở bất cứ đâu họ đặt chân đến. Ngày nay, dù Cải lương không còn ở thời kỳ đỉnh cao, nhưng nó vẫn len lỏi và chảy âm ỉ ở những vùng quê miền sông nước.

Đặc biệt nhất phải kể đến Đờn ca tài tử, xuất phát điểm là những bản nhạc lễ, nhạc cung đình nhưng khi vào đến Nam Bộ, nó đã “biến hóa” thành những giai điệu bình dân, bất cứ ai cũng có thể thể hiện, nghe và thưởng thức. Những bản nhạc tài tử với giọng ca của các cô thôn nữ và các anh chàng nhà quê cùng sự hòa quyện của tiếng đàn cò, đàn tranh,… khiến bao người thích thú, say mê. Bắt đầu từ Cần Giuộc, Long An, Đờn ca tài tử phát triển mạnh sang 21 tỉnh thành của Nam Bộ.

Nam Bộ cũng là nơi có những câu hò, điệu lý mà sự đa dạng của chúng đã được chia thành các loại hò sông Hậu, hò Đồng Tháp, hò mái dài Mỏ Cày, hò cấy Hậu Giang, hò xay lúa Gò Công,… Hay như nghệ thuật bát bội, vốn có nguồn gốc từ cung đình, nhưng đến với con người nơi đây, hát bội cũng được bình dân hóa và được biểu diễn ở hầu hết mọi nơi từ thành thị cho đến chốn nông thôn hẻo lánh.

Khi truyền hình vào cuộc giữ lửa âm nhạc truyền thống

Sự đặc sắc, ý nghĩa của các loại hình nghệ thuật truyền thống đòi hỏi phải có những chương trình nhằm phát huy, và “giữ lửa”, để tiếng đàn lời ca không bị mai một và ngày càng phổ biến hơn. Thay vì mua format của nước ngoài, hiện tại nhiều đài truyền hình đã dành đất cho các chương trình thuần Việt, tôn vinh các làn điệu truyền thống.

Đơn cử như chương trình Chuông vàng vọng cổ của Đài Truyền hình TP.HCM, đây là cuộc thi dành cho bộ môn Đờn ca tài tử và Cải lương. Từ chương trình này, hàng loạt nhân tố mới đã được phát hiện như Võ Minh Lâm, Nguyễn Ngọc Đợi, Võ Thành Phê, Nguyễn Hồ Như Tuyết Nhung, Trịnh Thị Ngọc Huyền… 

Những cú hích để bảo tồn báu vật đất phương Nam ảnh 1

Á hậu Thanh Tú cùng ca sĩ Kyo York cũng nghiên cứu, tìm hiểu loại hình nghệ thuật độc đáo này tại sân khấu chương trình Tài tử tranh tài

Mới đây nhất, gameshow Tài tử tranh tài của Đài Phát thanh Truyền hình Vĩnh Long cũng là chương trình hướng đến nghệ thuật truyền thống, góp phần tôn vinh nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng và sân khấu Cải lương nói chung. Những bản nhạc tài tử qua sự thể hiện của các nghệ sĩ trái lĩnh vực, cùng hình thức biểu diễn mới, sáng tạo khi có sự kết hợp của kịch nói, hài kịch và được dàn dựng công phu đã giúp Đờn ca tài tử đến gần hơn với công chúng.

Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II – Bình Dương năm 2017

Nghệ thuật truyền thống vẫn đang âm thầm chảy một lần nữa sẽ được dịp phô diễn ở một chương trình quy mô, hoành tráng khi Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 diễn ra tới đây.

Những cú hích để bảo tồn báu vật đất phương Nam ảnh 2

Ông Huỳnh Vĩnh Ái – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong buổi họp báo công bố Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II - Bình Dương năm 2017 

Với chủ đề “Đờn ca tải tử Nam Bộ - Bảo tổn và phát triển”, Festival lần này hướng đến mục tiêu tiếp tục giữ lửa, đốt tiếp nguồn nhựa sống cho Đờn ca tài tử, làm sống lại những thánh đường sân khấu, lưu truyền báu vật quý giá của mảnh đất Phương Nam đến nhiều thế hệ.

Festival bắt đầu từ đêm khai mạc tổ chức tại quảng trường trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương vào tối 08/04 và kéo dài đến hết ngày 12/04 với hàng loạt hoạt động ý nghĩa.

Một trong số những hoạt động sôi nổi nhất là Liên hoan Đờn ca tài tử - Di sản đất phương Nam, đây sẽ là cuộc tranh tài của các tài tử đờn và tài tử ca đến từ 21 tỉnh thành Nam Bộ. Festival cũng dành hẳn một đêm để tôn vinh hơn 70 nghệ nhân ưu tú, những người có công trong việc đóng cho việc hình thành và phát triển loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử và Cải lương.

Những không gian ở khu vực hồ nước và công viên tại thành phố mới Bình Dương sẽ được bố trí theo mô hình cách điệu của văn hóa miền sông nước. Người dân có thể đến tham quan, tham gia biểu diễn, thậm chí là học cách hát, cách sử dụng nhạc cụ ngay tại đây. Nhiều hoạt động khác cũng sẽ được diễn ra trong thời gian này như tọa đàm Đờn ca tài tử - tài nguyên di sản phát triển du lịch hay cuộc thi ảnh nghệ thuật Khoảnh khắc Đờn ca tài tử Quốc gia lần II - Bình Dương năm 2017...

Có thể thấy, tỉnh Bình Dương nói riêng và mảnh đất Nam Bộ nói chung đang dần chuyển mình với những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, họ vẫn làm tròn trách nhiệm duy trì bảo vệ những giá trị nghệ thuật văn hóa quý báu của dân tộc.

MỚI - NÓNG