Những dấu ấn

Những dấu ấn
TP - Còn nhớ vào mẫu giáo, ngày trước thường gọi lớp vỡ lòng, lần đầu tiên thầy T. phóng vào vở tôi ba chữ abc bằng bút chì đen, to bằng viên sỏi. Thầy chỉ tôi coi kỹ để nhớ mặt các nét viết ấy, và gọi chúng là chữ a, chữ b, chữ c. Thầy bắt tôi học thuộc lòng, rồi bắt tập viết theo. Bình quân tôi học một chữ một tháng.

Mỗi tháng, ba tôi ôm con gà cồ biết gáy đến tạ thầy. Thầy cảm ơn và nhốt con gà vào giỏ thưa. Ba tôi mừng lắm vì thầy nhận con gà. Thầy nói với ba tôi:

“Trẻ con nhỏ xíu bằng hột muối thì học hành cái nỗi gì? Chơi giỡn đất cát, u đầu mẻ trán là chính. Thế nên, thằng này - Thầy chỉ vào tôi đang khoanh tay đứng bên - nó ham chơi, chậm thuộc bài, lâu hiểu giảng, lớn sẽ xuất sắc thông minh đấy. Trẻ nhỏ giỏi quá, siêng năng quá, khi lớn sẽ u mê ám chướng đấy ông ạ”.

Ba tôi tin tưởng vào lời nói này. Ông yên tâm về tôi. Thông minh vốn sẵn tính trời, nên không lo lắng gì cả. Từ đấy, quyển vở cháo lòng và cây bút chì của tôi, tôi bỏ luôn nhà thầy cất giùm. Đi học, tôi đi tay không. Tôi theo học thầy T. suốt hai năm. Thành quả đạt được: Nhập tâm 24 chữ cái. Thông thạo tắm mương và bơi móc chó. Biết đánh tranh, chẻ lạt. Giỏi câu cá và tắm bò. Làm được diều giấy. Đặc biệt, ngồi chồm hỏm biết dòm xuống, tóm ống quần đùi cho kín đáo.

Sang giai đoạn tiểu học, tôi vào lớp thầy P. Thầy ít khi dò bài nhưng cứ khám cần cổ và hai lỗ tai, xem có đất hay không. Chúng tôi rất sợ việc này. Sau này tôi mới biết, trong bụng dơ dáy không ai rõ, nhưng tai cổ phải sạch sẽ vì những chỗ ấy luôn trình diện ra ngoài. Chữ nghĩa lại càng không quan trọng. Ít chữ cũng không ai biết, cứ tự tin ngồi nín thinh, thỉnh thoảng giả vờ gật vài cái và vỗ tay là xong. Tai qua nạn khỏi. Tương lai phát triển.

Nhà có đám giỗ hoặc dịp lễ tết, ba tôi đều mời thầy P. Ăn xong thầy luôn bảo, sau khi đã lẩm nhẩm bấm quẻ tay:

“Thằng bé của bác vốn gầy, có mạng “bỉnh bút”. Thế nên...”

“Bỉnh bút là sao?” - Ba tôi hỏi.

“Bỉnh là cầm. Bỉnh bút là cầm bút viết chữ nghĩa. Sáng tác bài văn là phải bỉnh bút. Viết bản kiểm điểm cũng phải bỉnh bút”.

“Tôi hiểu rồi” - Ba tôi nói.

Thầy P. khẳng định:

“Bỉnh bút là cả hai thứ như thế đó”.

Thầy P. quả là giỏi lý số. Sau này tôi có gặp y như thế.

Sang trung học, xuất hiện thầy G. ấn tượng nhất. Thầy G. bốn mùa quấn khăn lông quanh cổ. Thầy sợ gió. Thầy giỏi tiếng Pháp. Thầy muốn học trò siêng học ngoại ngữ. Thời ấy, chủ yếu học tiếng Pháp. Thầy soạn ngữ vựng tiếng Pháp thành nhiều bài vè cho học sinh dễ thuộc. Ví như: “Ma xơ” chị tôi, “lông” dài, “mu” mềm (Ma soeur = chị tôi, long = dài, mou = mềm)... Cứ cái kiểu ấy thầy soạn cả ngàn từ tiếng Pháp. Nghỉ hè, thầy bắt học trò học thêm “cua” ngoại ngữ do thầy đảm trách. Ngày đầu tiên đến lớp, học sinh phải chép hai câu thơ của thầy vào trang nhất: “Qua sông nhớ trả tiền đò/ Học hành tới tháng phải lo tiền thầy”. Thời ấy, coi vậy mà học sinh học “chùa” nhiều lắm. Chúng học chùa vài tuần rồi biến luôn.

Chính đam mê ngoại ngữ của thầy G. đã truyền sang tôi. Nay, tôi sắp lão nhưng đam mê ấy không mất. Gặp một chữ nước ngoài không hiểu, tức tốc tôi phải tra từ điển cho bằng được.

Từng người thầy là từng dấu ấn cảm động và quí giá trong tiến trình học sinh của tôi. Thầy T. cứ để tôi làm người. Thầy P. chỉ tôi cuộc sống và thầy G. bày tôi vươn ra thế giới.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG