Những dấu hỏi - Tài năng Nghệ thuật Trình diễn 2008

Những dấu hỏi - Tài năng Nghệ thuật Trình diễn 2008
TP- Hơn 100 khán giả (tương đương hơn 30%) bỏ phiếu cho Những dấu hỏi của Phạm Văn Trường- đem lại cho tác giả giải thưởng 3.000 USD, giải thưởng duy  nhất trong đêm chung kết Tài năng Nghệ thuật Trình diễn (Performance Art) 2008 tại Hà Nội.
Những dấu hỏi - Tài năng Nghệ thuật Trình diễn 2008 ảnh 1
Phần trình diễn Những dấu hỏi của Phạm Văn Trường Ảnh: Phương Hoa

Chương trình do Quỹ Phát triển và Trao đổi Văn hóa Đan Mạch- Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Vân Hồ- Hà Nội).

Một đống những dấu hỏi lùng nhùng tiến ra sân khấu. Ở đó chúng uốn éo điên cuồng theo điệu nhạc kích động. Chừng nhảy mạnh quá, nên cái bọc vỡ ra, những dấu hỏi mang hình người xuất hiện, tiếp tục giậm giựt theo những kiểu riêng.

Ba nghệ sĩ nam và ba nghệ sĩ nữ rút cuộc cặp đôi với nhau. Họ giằng xé nhau một hồi, rồi làm toạc quần áo nhau ra, để lộ những bộ quần áo ngắn hơn vẫn vẽ đầy những dấu hỏi. Rồi đến mình trần của các nam nghệ sĩ vẫn mang dấu hỏi... Tác phẩm thể hiện được một đặc tính của con người: Luôn đặt câu hỏi, không ngừng tò mò...

Những dấu hỏi của Phạm Văn Trường có nhiều yếu tố giúp tiếp cận khán giả. Đây là tác phẩm duy nhất trình diễn trên sân khấu lớn (còn có 2 sân khấu tròn- nhỏ và thấp hơn ở hai bên), với số lượng “diễn viên” tham gia đông đảo nhất.

Những dấu hỏi huy động khá nhiều phương tiện (trang phục, động tác, âm nhạc...) dễ đánh động khán giả. Tác phẩm còn trực tiếp tương tác với người xem khi các nghệ sĩ mang các trang phục đầy những dấu hỏi vừa cởi ra tặng cho họ- người được tấm áo, người được manh quần.

Khán giả vui vẻ mặc vào và theo các nghệ sĩ lên sân khấu. Tất cả lại chui vào cái bao câu hỏi- lúc này đã trở nên rách rưới- mà rung lắc một hồi nữa.

Phạm Văn Trường cũng là nghệ sĩ duy nhất in phát biểu ý tưởng của mình ra giấy và phân phát cho khán giả. Nếu nghệ thuật trình diễn mà cứ làm theo kiểu của anh thì dễ xem quá! Và không có gì lạ khi 119/337 lá phiếu của khán giả đã dành cho Những câu hỏi - một tác phẩm gần gũi cả về thông điệp lẫn hình thức thể hiện. Tuy nhiên kết quả này không có nghĩa là các phần trình diễn khác kém cỏi hơn.

Với đạo dụ đơn giản là một mảnh lưới, bản thân nghệ sĩ cũng chả cần nhiều quần áo, Nguyễn Văn Hè đã làm nên một Vòng vây ám ảnh và cũng đầy ngẫu hứng.

Những dấu hỏi - Tài năng Nghệ thuật Trình diễn 2008 ảnh 2
Phần trình diễn Vòng vây của Nguyễn Văn Hè - Ảnh: Phương Hoa

Người xem có cảm giác nghệ sĩ không hề có kịch bản trước. Anh cứ quằn quại vò xé trong tấm lưới cho đến lúc nào nó rách và anh thoát ra được thì thôi. Động tác hình thể của Hè khá sinh động, tạo ấn tượng ghê gớm của một người đang chết ngạt trong chính trò chơi của mình. Đặc biệt khi anh để cho tấm lưới thít chặt lấy mặt tạo nên những chân dung bị bóp méo ba chiều rất hiệu quả.

Thiên về tính thiền là Chuyển động tròn của Nguyễn Huy An. Anh lặng lẽ rắc bụi than thành một đường tròn rồi lại từ tốn đi hốt lại. Cuối cùng để lại một đường tròn xam xám.

Tác giả dẫn giải: “Việc sử dụng than đem rắc lên bóng đổ của mình như một hành động đánh dấu sự suy tư về bản thân. Việc tạo ra và thu lại thể hiện quá trình tự khẳng định và phủ định mình...”. Tiết mục của An không dùng tiếng động. Chỉ thỉnh thoảng có tiếng các fan của anh 2-3 kêu: “Huy An!” như thể đang cổ vũ một ca sĩ nhạc pop vậy.

Cũng “thách đố” không kém là Đợi của Lê Thị Minh Nguyệt. Chị khỏa thân giả định (mặc chiếc quần ngắn màu da người bó sát) ngồi bó gối suốt từ đầu đến cuối. Màn hình phía sau thể hiện cảnh quay xuống lòng đường nhựa từ một chiếc xe máy đang chạy. Âm thanh của tác phẩm là tiếng động của xe cộ ngoài đường. Thông điệp của tác giả: “Vượt qua nỗi đau bằng cách chấp nhận nó như một phần của cuộc sống!”.

Những dấu hỏi - Tài năng Nghệ thuật Trình diễn 2008 ảnh 3
Đợi của Lê Thị Minh Nguyệt - Ảnh: Phương Hoa

Cuộc khiêu vũ với những tấm gương trên nền đọc thơ trong Bóng- hình của Trần Huỳnh Hiểu An kết thúc bằng việc các “bạn nhảy” bị đập vỡ. Tuy nhiên, các tấm gương đã được gắn keo vào khung từ trước để không tan ra từng mảnh- gây nguy hiểm cho nghệ sĩ. Lê Văn Sơn muốn người xem quan sát hiện tượng lũ lụt dưới nhiều góc độ bằng cách trút bùn lên người, hết đợt này đến đợt khác.

Phạm Huy Thông nằm trong rọ lợn để cho bạn diễn đá đạp một hồi rồi tự xé rọ chui ra- anh muốn bày tỏ lòng thương tới những con vật sống chung với người. Lê Quý Anh Hào tỏ lòng thương tiếc vô hạn với người cha quá cố cách đây chục năm trong Tình yêu những bức ảnh- sử dụng rất nhiều tư liệu ảnh và video gia đình.

Hai tác giả Nguyễn Anh Tuấn (với Trưởng thành) và Nguyễn Phương Linh (Dưới nước) vì lý do riêng đã rút lại tác phẩm nên không có mặt trong đêm trình diễn 25/10. Tám tác phẩm được dàn dựng nhìn chung đã thể hiện được nội dung tương đối sâu sắc, lao động nghệ thuật công phu của các nghệ sĩ trẻ.

Hàng trăm khán giả cũng trẻ “chạy theo” các tác phẩm từ sân khấu này sang sân khấu kia- cũng phần nào thể hiện sự quan tâm khá lớn tới bộ môn nghệ thuật đã không còn quá xa lạ này. Dù sao thì đêm trình diễn cũng “thả cửa” hoàn toàn cho công chúng.

MỚI - NÓNG