Những điều chưa nói về “Hà Nội, Hà Nội”

Những điều chưa nói về “Hà Nội, Hà Nội”
TPCN - Tháng 9 năm 2004, nhân một chuyến đi công tác Côn Minh, chúng tôi có dịp trao đổi với các nhà làm phim Vân Nam, phát hiện ra một vấn đề đáng kinh ngạc.

Các nhà điện ảnh Trung Quốc láng giềng hiểu biết quá ít về Việt Nam, về đời sống văn hóa, đời sống kinh tế, diện mạo tinh thần của người Việt chúng ta hiện nay.

Thế là nẩy ra ý định cùng bắt tay làm một phim về cuộc sống của người Việt Nam hiện đại cho người Trung Quốc xem. Thoạt đầu chúng tôi cho dịch hai kịch bản của nhà văn Đào Quang Thép (Khát chữ) và nhà văn Lê Ngọc Minh (Nội tình muôn năm) ra tiếng Trung Quốc gửi cho các bạn đọc để lựa chọn.

Ngay sau đó đã có phản hồi, cả hai kịch bản đều có những ưu điểm lớn, nhưng một lúc không thể làm cả hai, nên phía bạn đề nghị chọn kịch bản “Nội tình muôn năm”.

Vì làm để cho người Trung Quốc xem nên kịch bản phải sửa chữa lại cho phù hợp với đối tượng mới, do vậy tháng 11 năm ấy phía bạn cử nhà văn Cao Húc Phàm từ Bắc Kinh bay sang Hà Nội, đi thâm nhập thực tế cùng nhà văn Lê Ngọc Minh để sửa kịch bản. (Kịch bản “Nội tình muôn năm” dịch ra tiếng Trung là “Gia sự vạn tuế”).

Sau nhiều lần đi thâm nhập thực tế, trao đổi ý kiến, cuối cùng chúng tôi đi đến thống nhất, tạm gác “Gia sự vạn tuế” lại, cùng nhau viết một kịch bản mới theo mô-típ: đi, khám phá, phát hiện và cảm thông để chuyển tải thông điệp.

Cao Húc Phàm tác giả của các tiểu thuyết và tập truyện ngắn “Núi nổi giận”, “Vụ mưu sát kinh điển”... là người Trùng Khánh, định cư ở Bắc Kinh, sống bằng nghề viết kịch bản, tỏ ra vô cùng sửng sốt trước sự phát triển kinh tế, văn hóa của Việt Nam.

Ông thích thú la cà ở các quán cà phê, nhiều lần bầy tỏ muốn xây dựng bối cảnh phim là một trong những quán cà phê ấy. Nhưng nhà văn Lê Ngọc Minh lại có ý tưởng riêng, muốn lựa chọn một hạt nhân văn hóa có liên quan đến hai dân tộc để làm điểm tựa cho phim, nghề thuốc. Cao Húc Phàm và các bạn Trung Quốc nhận thấy đó là ý tưởng hay, nên vui vẻ chấp nhận.

Vậy là ra đời cô gái tên là Tô Tô, một mình đi Việt Nam, bước vào một thế giới xa lạ, ngôn ngữ bất đồng với bao nhiêu bỡ ngỡ, trắc trở, cuối cùng nhờ những người bạn Việt Nam như Trọng, Thanh, Dân... mà cô tìm lại được những người thân cũ của bà ngoại, hoàn thành sứ mệnh tình cảm.

Và bằng tận mắt chứng kiến, tự mình trải nghiệm cô cũng đã phát hiện và làm mới lại mối tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc, ngộ ra chân lý: Tình hữu nghị và sự giao lưu văn hóa được gìn giữ không ngừng nghỉ ấy là trên cơ sở của lòng trung thực và sự chân thành.

Kinh phí làm phim: gian nan và ngoắt ngéo

Kịch bản hoàn thành vào giữa năm 2004, trên cơ sở đó tính ra dự toán của phim là 400.000 đôla Mỹ, mỗi bên đóng góp 50%, dự kiến tháng 10 năm 2005 sẽ bấm máy. Phía Vân Nam, bằng các mối quan hệ riêng, Trình Uất Nho đã vay được của một công ty nhà nước số tiền cần thiết để làm phim. Nhưng do nhiều lí do, Hãng chúng tôi vẫn chưa chuẩn bị được kinh phí.

Tôi điện cho Trình xin dừng lại, nhưng anh nói nếu dừng lại thì sẽ đổ vỡ, vì thời hạn vay không thể kéo dài và nêu một phương án giải quyết, phía bạn sẽ chuyển tiền sang trước để làm phim, kinh phí của Việt Nam sẽ đưa vào làm hậu kì.

Tôi thấy đấy cũng là một cách giải quyết có thể chấp nhận được. Vậy là đoàn làm phim hợp tác được thành lập, các công việc trù bị như tuyển diễn viên, chọn cảnh, dựng cảnh, chuẩn bị đạo cụ được gấp rút tiến hành... Mọi chuyện diễn ra khá là thuận lợi. Thế nhưng ở đời mấy ai học được chữ ngờ.

Khi đó đoàn làm phim đang ở tại khách sạn Trường, lễ khởi quay diễn ra hết sức thành công, Trình Uất Nho rất vui vì đến chứng kiến lễ ra mắt có Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, có Cục trưởng Cục điện ảnh Việt Nam và Tham tán văn hóa đại sứ quán Trung Quốc.

Tết âm lịch đang đến gần. Một hôm Trình gặp tôi, nét mặt không vui. Anh nói, Vân Nam đang điện gọi về, chủ nợ giục phải trả lại tiền vay, mà phải trả ngay. Tôi vô cùng ngạc nhiên, hỏi vì sao. Anh bảo, có người không muốn cho anh làm phim này.

Trình Uất Nho sinh đầu những năm 1960, tốt nghiệp văn khoa đại học Thanh Hoa, nguyên là chủ trì một chương trình của Đài truyền hình tỉnh Vân Nam, mới được bổ nhiệm về làm đại diện pháp nhân, phó giám đốc phụ trách Hãng phim dân tộc Vân Nam, là thường vụ tỉnh ủy Đảng Minjin tỉnh.

Năm 2004, lúc gặp anh ở Côn Minh, anh kể đã gia nhập đảng cộng sản Trung Quốc, đang trong thời kỳ dự bị. Một vấn đề nhạy cảm. Khi anh đưa đoàn làm phim sang Hà Nội, tôi hỏi đã được chuyển đảng chính thức chưa? Anh đáp, không được, chi bộ có 6 người thì 3 người không đồng ý….

Trình là người năng động, khao khát tiến thân. Anh bảo, xã hội Trung Quốc chưa mấy thay đổi, quan niệm thường tình vẫn là quan bản vị, mình được không ít bạn bè tạo điều kiện giúp đỡ tiến thân, hy vọng sẽ có ngày quay trở lại giúp đỡ họ, nhưng nay hết rồi.

Hết là thế nào? Hóa ra Trình là một cán bộ trẻ đang được bồi dưỡng (được đề bạt phó giám đốc phụ trách, lại được đặc cách cho làm nghiên cứu sinh tiến sỹ) có thể sẽ là kế cận cấp cục, bị một cú như thế này làm sao mà lên.

Nhưng không phải chỉ có thế. Vấn đề trầm trọng hơn nhiều: Ngay sau tết, Trình bị truất quyền phụ trách, một phó giám đốc khác lên thay. Và hậu quả đã nhãn tiền…

Để có kinh phí làm hậu kì: dựng, làm nhạc, hòa âm, in tráng làm bản đầu... Trình Uất Nho đã vận động được một số công ty ở Côn Minh và Bắc Kinh sẵn sàng cho vay tiền, nhưng người phụ trách Hãng phim Vân Nam không cho lấy danh nghĩa của đơn vị để vay, không cho dùng con dấu của hãng.

Thành thử nợ xưởng in tráng phim Bắc Kinh, nợ chi phí thiết bị dựng xưởng phim truyện Bắc Kinh chồng chất, nếu không có tiền thanh toán thì công sức mấy tháng trời có nguy cơ đổ xuống sông xuống bể.

Tình thế buộc đạo diễn Trương Kinh phải bay về Vân Nam gặp lãnh đạo Cục Phát thanh - điện ảnh - Truyền hình tỉnh tranh luận và thuyết phục để được vay tiền. Ba ngày đi lại như con thoi, cuối cùng lãnh đạo Cục điện ảnh - phát thanh và Truyền hình tỉnh phải bật đèn xanh cho vay tiền Công ty ốc Sâm, nhờ đó mới ra được bản đầu vào tháng 7 năm 2006.

Xuất đầu lộ diện

…Tháng 7 năm 2006 dựng và hòa âm xong, “Hà Nội, Hà Nội” được đưa duyệt tại Hội đồng duyệt phim quốc gia Trung Quốc, theo Trình Uất Nho thì 10 ủy viên hội đồng đã nhất trí cao, không yêu cầu sửa chữa gì.

Phó Cục trưởng Cục điện ảnh Trung Quốc, thành viên của Hội đồng duyệt phim Trương Hùng Sâm nói: “Đây là một bộ phim tốt ít thấy trong những năm gần đây, thật đáng để chúng ta vui mừng”.

Ngày 16 tháng 8 năm 2006 phim “Hà Nội, Hà Nội” được trình duyệt tại Hội đồng duyệt phim quốc gia Việt Nam. Hội đồng đã đánh giá cao, ra quyết định cho phát hành trên toàn quốc và ở nước ngoài.

Ngày 24/10 chúng tôi (diễn viên Minh Tiệp, Quỳnh Hoa và tôi) được bạn mời tham dự giới thiệu phim mới ưu tú tại Liên hoan phim Kim kê- Bách hoa lần thứ 15 tại Hàng Châu, Trung Quốc.

Đây là liên hoan phim lớn nhất do Hội điện ảnh Trung Quốc tổ chức, năm nay chỉ tiến hành bình chọn giải Bách hoa và giải Kim kê quốc tế (Giải Kim kê hai năm bầu chọn một lần).

…Nói về hành trình của “Hà Nội, Hà Nội”. Buổi tối 24/10 chúng tôi đến Hàng Châu, được Ban tổ chức đón tiếp đưa về khách sạn Hoàng Long, ở chung với các đoàn địa phương. Tại đây chúng tôi mới biết cụ thể, vì sao phim Hà Nội được mời tham dự.

Số là ngày 16/9/2006, Cục Quản lí điện ảnh, Tổng cục Điện ảnh - Phát thanh- Truyền hình Trung Quốc có Thông tri giới thiệu danh mục các phim ưu tú sản xuất năm 2006 gửi các Sở Văn hóa và Cục Điện ảnh các tỉnh, khu tự trị, các thành phố trực thuộc yêu cầu tuyên truyền phát hành và tổ chức chiếu nhân dịp “11 tuần lễ vàng” và kỉ niệm 70 năm hoàn thành thắng lợi cuộc Trường trinh. Trong danh sách 10 phim ưu tú do Cục điện ảnh Trung Quốc giới thiệu có “Hà Nội, Hà Nội”!

…Được biết, trước đó vào dịp Tết Trung thu, “Hà Nội, Hà Nội” cũng là một trong 4 phim được Cục điện ảnh Trung Quốc đưa vào Trung Nam Hải chiếu chiêu đãi các vị lãnh đạo đảng và Nhà nước Trung Quốc.

Ngày 26 tháng 10, phim “Hà Nội, Hà Nội” được chiếu ra mắt tại Hàng Châu, trong một phòng chiếu lớn cỡ 500 chỗ ngồi.

Tại đây chúng tôi đã gặp lại nhà văn, nhà biên kịch điện ảnh lão thành Hoàng Tông Giang (tác giả kịch bản các phim “Người cá biển Đông”, “Nông nô”, “Câu chuyện Liễu Bảo”, “Hồn biển”...), người vào nửa đầu những năm 1960 thế kỉ trước đã sang Việt Nam, được gặp Bác Hồ sau đó mặc quân phục quân giải phóng với tên Việt Nam - đồng chí Nguyễn Chi- vượt Trường Sơn vào miền Nam nước ta thâm nhập đời sống, viết nên vở kịch nói “Miền Nam ơi, Miền Nam”.

Ông chào tôi bằng tiếng Việt “Đồng chí khỏe không?” rồi nói, bộ phim đã làm ông xúc động rơi nước mắt. Đó là bài ca về tình hữu nghị mãi mãi bền vững.

Tại Hàng Châu, các diễn viên Minh Tiệp và Quỳnh Hoa đã tham gia các họat động nhằm tôn vinh diễn viên: Lễ in dấu tay các minh tinh, lễ đặt tên đường “Tinh quang đại đạo” cùng những cuộc tiếp xúc với người xem... Đây là dịp để quảng bá hình ảnh các diễn viên Việt Nam với người xem Trung Quốc.

Thành phố Hàng Châu tổ chức một đội ngũ đông đảo phóng viên quần chúng tham gia việc tuyên truyền giới thiệu phim, đồng thời tiến hành bầu chọn phim và diễn viên được quần chúng yêu thích nhất.

Kết quả rơi vào tay các nhà làm phim và diễn viên Hồng Kông: Phim Tuyệt đỉnh công phu của đạo diễn Châu Tinh Trì đoạt giải Hoa quế vàng với tiền thưởng một vạn tệ và diễn viên Tạ Đình Phong đoạt giải Hoa quế bạc.

Lễ bế mạc liên hoan phim diễn ra vào tối ngày 28/4/2006 là cuộc bầu chọn giải Bách Hoa được tiến hành một cách hoành tráng với một ban giám khảo quần chúng gồm 99 người.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra công khai trước hàng ngàn các nhà làm phim, diễn viên, khách mời và được truyền hình trực tiếp tới hàng triệu người xem. Đó là những khoảnh khắc hồi hộp và nhiều bất ngờ: Nhiều đạo diễn, diễn viên lừng danh như Châu Tinh Trì, Trương Nghệ Mưu, Chương Tử Di... rớt đài vì số phiếu thấp...

Hôm sau, chúng tôi tạm biệt Hàng Châu với Tây Hồ, Bảo tháp, sông Tiền Đường bay đi Côn Minh tiếp tục tham gia lễ ra mắt “Hà Nội, Hà Nội”.

Trước buổi lễ ra mắt, tôi được một người bạn Trung Quốc thông báo, Chương trình “Tin tức toàn quốc” của đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đưa tin, trong đợt giới thiệu phim mới tại Liên hoan phim Kim kê- Bách Hoa ở Hàng Châu, phim “Hà Nội. 

"Hà Nội” được chiếu 3 buổi và là một trong ba phim có người xem kín rạp (hai phim kia là Trên núi Thái Hàng và Vương tử núi Himalaya). Cũng cần nói thêm, người xem muốn vào rạp phải mua vé, giá 20 tệ.

Buỗi lễ ra mắt tại Côn Minh cũng trang trọng và người xem có không ít là Hoa kiều từ Việt Nam trở về, có người cất công từ Quảng Đông lên. Trong số các vị khách danh dự có bà Yan, Trưởng ban Tuyên huấn tỉnh Vân Nam và đồng chí Tổng lãnh sự Việt Nam Nguyễn Văn Đồng.

Bà Yan khẳng định, sẽ chiếu phim “Hà Nội, Hà Nội” nhân dịp đại hội đảng bộ Đảng cộng sản Trung Quốc tỉnh Vân Nam vào ngày 13/11/2006.

Sau 100 phút theo dõi bộ phim, Tổng lãnh sự Nguyễn Văn Đồng bắt tay tôi, tỏ ý chúc mừng. Ông nói: “Tôi rất cảm động. Bộ phim rất hay, tôi đã hai lần rơi nước mắt, ngôn ngữ điện ảnh quả là tuyệt vời... Mong các anh làm được nhiều phim hay và hay hơn thế.”

Một Hoa kiều gốc Quảng Đông tên Ngọc Anh, trầm trồ: “Bộ phim làm cho tôi thêm nhớ Việt Nam. Tôi có nhiều bạn ở Việt Nam lắm, nhất định tôi sẽ quay trở lại Việt Nam. Tôi yêu Việt Nam”…

MỚI - NÓNG