Những điều Đặng Thùy Trâm chưa ghi trong nhật ký

Những điều Đặng Thùy Trâm chưa ghi trong nhật ký
TP- “Giặc đã cướp của mình 2 quyển nhật ký. Tuy đã mất những trang sổ vô giá đó, nhưng còn một quyển sổ quý hơn cả, đó là bộ óc của mình, nó sẽ ghi lại toàn bộ những điều nó đã tiếp thu được trong cuộc sống”.

Đó là những dòng Nhật ký viết ngày 8/4/1968, trang 216 ngày 15/1/1970 của bác sĩ  Đặng Thùy Trâm.

Ngày 22/6/1970, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã hy sinh, vậy những điều mà Thùy Trâm đã ghi trong 2 quyển nhật ký đã bị mất là thời gian giữa năm 1967, khi bác sĩ Thùy Trâm về công tác xã Phổ Hiệp (nay là Phổ Khánh) thuộc huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.

Là Bí thư xã ủy Phổ Hiệp lúc đó, tôi nhớ lại và ghi những điều mà Thùy Trâm đã đóng góp công sức, trí tuệ - đã cho và nhận trong thời gian sống và chiến đấu ở đây.

Tháng 6/1967, tôi nhận được thư của Huyện ủy Đức Phổ có ghi: Tình hình hết sức ác liệt, trạm xá Bác Mười bị Mỹ đánh phá, huyện phân công bác sĩ Thùy Trâm về công tác tại xã Phổ Hiệp, và giao cho đồng chí Nguyễn Tiến Thu – Bí thư xã ủy chịu trách nhiệm sắp xếp, bố trí, tạo điều kiện để bác sĩ Thùy Trâm thực hiện tốt nhiệm vụ nhất là giải quyết thương vong cho xã Phổ Hiệp, Phổ Vinh…

Tối hôm đó, tôi họp xã ủy tại nhà đồng chí Tôn thì đồng chí Võ Sao - thôn đội trưởng thôn Quy Thiện, đưa Thùy Trâm đến chỗ họp gặp tôi.

Họp xong tôi và đồng chí Mai Bá Giác về chỗ Thùy Trâm cùng ăn món khoai lang khô, nấu với đậu phụng mềm dẻo, rất thơm. Ăn xong đồng chí Giác về thôn Phước Điền, còn tôi tranh thủ bàn công việc.

Thùy Trâm cười rồi nói: “Đây là lần đầu tiên, từ Hà Nội em vào Quảng Ngãi, về Đức Phổ rồi đến Phổ Hiệp quê anh. Mọi việc đều mới mẻ lắm. Do đó anh sắp xếp, để em làm việc gì khi có thương vong”.

Lúc đó, khi Thùy Trâm về Phổ Hiệp có căn cứ quân Mỹ, đánh phá hết sức khốc liệt, nhà cửa xóm làng tan hoang, không còn cỏ cây để chim đậu. Ban ngày thì Mỹ càn, ban đêm thì Mỹ lết, Mỹ bò, Mỹ cõng luôn tập kích vào làng.

Nhưng Phổ Hiệp là mảnh đất lạ kỳ, Mỹ đốt nhà, ta làm hầm pháo để trụ bám, thực hiện một tấc không đi, một ly không rời, trong xã có 4.900/5.200 dân sống chết vẫn bám trụ để nuôi cán bộ, du kích. Qua mùa khô (1966 – 1967), Phổ Hiệp vẫn giữ ngọn cờ đầu không những của huyện Đức Phổ mà còn của tỉnh Quảng Ngãi… 8 giờ sáng hôm sau, Mỹ từ núi Dâu càn ra thôn Quy Thiện, tôi và Thùy Trâm cùng xuống hầm bí mật khoảng 3 giờ liền.

Tôi đưa Thùy Trâm lên ở nhà bà Râng nơi đây có hầm bí mật tôi làm trong hầm pháo, ban đêm Thùy Trâm đi dự họp với lực lượng phụ nữ để phổ biến, hướng dẫn cách trồng cây thuốc nam như bồ bồ, củ sả, dây trầu, và đi chích mủ cây dúi đưa vào lọ, khi bị thương tẩm với bông, rịt vào đó là cầm máu ngay. Đây là một bài thuốc đơn giản nhưng rất hiệu quả, giải quyết kịp thời cho nhân dân khi bị thương.

Khéo léo đối phó với lính Mỹ giành được thương binh

Đêm hôm đó đánh vào đồn núi Dâu, ta bị thương 3 đồng chí, mãi gần sáng mới đưa được về nhà bà Râng. Thùy Trâm và cô Khiêm - cán bộ dân y huyện đang xử lý dụng cụ y tế thì bất ngờ lính Mỹ càn đến, đột thẳng vào nhà bà Râng, chúng lăm lăm chĩa súng vào 3 thương binh nói Vi Xi, Vi Xi,… (VC – tức Việt cộng)…

Bình tĩnh, Thùy Trâm lùa dụng cụ xuống đất lấy áo quần cũ phủ lên rồi ra đứng chặn cửa, đỡ nòng súng lên nói: Nô Vi Xi, Nô Vi Xi,… làm hai tên lính Mỹ không kịp bước vào nhà. Nghe tiếng nói, các chị phụ nữ ở gần chạy đến bao quanh hai tên lính Mỹ, lúc đó em Mận 13 tuổi (con bà Râng) dẫn anh Sơn, anh Lệ là hai thương binh chạy ra khỏi nhà, đi theo bãi cát dọc bờ biển. Hai tên lính Mỹ thoáng thấy chạy theo.

Còn em Mốc bị thương chân không đi được, Thùy Trâm, cô Khiêm và bà Râng cố đẩy lên mái hiên trong nhà, không ngờ hai tên lính Mỹ quay lại thấy chúng chĩa súng vào đó, mặt hằm hằm miệng nói Vi Xi, Vi Xi.

Lúc đó Thùy Trâm đang ở trong nhà lật đật chạy ra, giang hai tay nhẹ nhàng ôm qua lưng tên lính Mỹ và nói: “Nô Vi Xi, nô Vi Xi, nô Vi Xi…” tên lính Mỹ cúi đầu nhìn xuống, cùng lúc đó một tay của Thùy Trâm đưa lên nắm cây súng của tên lính Mỹ, rồi cây súng ấy từ từ hạ xuống. Các chị phụ nữ đến đây thấy vậy đều thở phào, nhẹ nhõm. Tên lính Mỹ nhìn chằm chặp Thùy Trâm rồi quay lưng ra đi.

Sáng kiến bảo vệ phụ nữ

Khoảng tháng 8/1967, lính Mỹ hay dở trò hãm hiếp phụ nữ. Mấy đêm suy nghĩ, tôi đến gặp Thùy Trâm và nói: “Thùy Trâm – em xem thử về chuyên môn có cách gì để đối phó lại việc này”.

Thùy Trâm nói: Chúng ta dùng hóa chất gì đó bằng nước, đựng vào lọ nhỏ có vòi, khi lính Mỹ dở trò, chọn thời cơ thích hợp, bình tĩnh lén bom vào mắt nó, ta sẽ thoát thân…

Nghe qua tôi thấy có lý và xem đây là một thứ vũ khí đặc biệt (sau này tôi mới biết Thùy Trâm là bác sĩ chuyên khoa về mắt). Tôi giao cho Thùy Trâm bí mật làm thử 5 lọ, để 1 lọ Thùy Trâm phòng ngừa, còn 4 lọ tôi giao 4 chị phụ nữ khác, dặn cách làm, tuyệt đối giữ bí mật, nếu để lộ địch sẽ đối phó…

Mấy ngày sau, chị M ở thôn Phước Điền bị lính Mỹ dở trò… chị áp dụng thành công. Lúc biết tin Thùy Trâm nói với tôi: Khi chiến tranh kết thúc em trở về Hà Nội đem lọ nước này phổ biến với chị em phụ nữ. Còn không may, em hy sinh thì anh tìm cách nếu được, đưa vào Bảo tàng phụ nữ cho em anh Thu nhé! Đến bây giờ đã 38 năm câu nói ấy vẫn còn in đậm trong trái tim tôi…

(Nguyên phó trưởng ban Dân vận tỉnh Quảng Ngãi -người đã cùng sống, chiến đấu với bác sĩ Đặng Thùy Trâm)

MỚI - NÓNG