Những điều khác thường

Những điều khác thường
TP - Trong bài hát Hai chị em từ thời chiến tranh, có câu miêu tả một người phụ nữ: Chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình.

Nếu nói về trọng lượng cơ thể, thì đấy là kỷ lục thế giới rồi còn gì. Một người phụ nữ nặng những năm tấn. Guinness mãi đến gần đây mới chỉ ghi nhận người phụ nữ nặng nhất là Carol Yager, 650 kg. Xét ra người đàn bà này mới chỉ bằng một phần tám “chị Hai năm tấn quê ở Thái Bình”.

Tất nhiên ta đang nói chuyện đùa về một số nhân vật “khác thường” trong ca khúc. Sự thật là thế này: thời chiến tranh, phong trào sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình trở thành điển hình trên toàn miền Bắc nhờ đạt năng suất năm tấn thóc trên một héc ta gieo trồng. Người nông dân Thái Bình cần cù trên đồng ruộng, cải tiến ra giống lúa mới, làm tăng năng suất lúa. Thóc gạo ấy được gửi ra chiến trường nuôi bộ đội đánh giặc. Nhiều bài thơ bài hát ra đời ca ngợi Thái Bình năm tấn - Bài ca năm tấn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý chẳng hạn.

Còn đây là một câu trong bài Nhạc rừng: Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang. Trong văn cảnh vui đùa của tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột (2011), tôi có viết về một nhân vật làm lâm nghiệp: “Tốt nghiệp trung cấp, chú em được phân công về một vùng rừng. Đúng với nguyện vọng. Thỏa chí vẫy vùng. Anh là người yêu đất. Yêu rừng. Yêu cây. Yêu muông thú. Anh gây dựng phong trào văn nghệ cho cơ quan. Thấy mặt anh là thấy tiếng cười giọng hát. Đến với làng bản tuyên truyền trồng cây gây rừng, chống chặt cây phá rừng, anh hát. Đi rừng với đồng nghiệp, anh hát. Đi một mình, anh hát. Anh cười một mình rồi cất tiếng hát vang. Chặt khúc ra một câu thì tưởng là tâm thần. Nhưng ai làm nghề rừng thì hiểu câu hát ấy rất hiện thực”.

Đấy là chuyện vừa đi vừa hát. Còn chuyện dường như vừa đi vừa có vấn đề về tai nghe thì lại có một câu khác: Đùng đùng đùng đoàng đoàng đoàng anh vẫn đi. Đừng vội nghĩ rằng nhân vật chính của chúng ta điếc không sợ súng. Chuyện sẽ được lý giải ngay sau đây thôi. Đấy là người thiếu niên làm liên lạc đang xông pha giữa chiến trường, không sợ gì súng đạn của quân thù.

Tiếp vào chuyện tai nghe, còn có một câu hát nữa: Giữa Mạc Tư Khoa tôi nghe câu hò Nghệ Tĩnh. Phải nói là nhạc sĩ có đôi tai của siêu nhân, xuyên qua cả khoảng cách 6.930 km từ Matxkơva ở nước Nga đến thành phố Vinh ở Việt Nam. Hồ sơ tiến cử nhạc sĩ vào sách kỷ lục Guinness chắc chắn phải có câu này làm bằng chứng.

Cũng là nghe thấy một lời ca, trong bài Đàn sáo Hậu Giang có câu như thế này: Con chim sáo nghe trong lòng bay bổng lời ca. Có cảm tưởng giống như người ta chui vào hình nộm chú chuột Mickey, đóng vai chú chuột tung tăng đi lại. Ở đây nhạc sĩ hình như cũng chui vào hình nộm con sáo, và người ta cảm thấy nhạc sĩ đang “nghe trong lòng” chứ không phải là con sáo. Tất nhiên vẫn đang là chuyện đùa, vì ta đều biết nhạc sĩ đã dùng phép nhân cách hóa cho con sáo.

Từ ca khúc, xin đi chệch một chút sang thơ. Vì khi viết đến đây thì bỗng nhiên trong đầu xuất hiện hai đoạn trích thơ này:

Hai mươi năm chị tôi đi đò đầy / Cứ sợ đắm vì mình còn nhan sắc.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình / Em ngừng thoi lại giữa tay xinh / Hình như hai má em bừng đỏ / Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Chị tôi nhan sắc hay không, em tôi có đôi bàn tay xinh hay không, chắc chắn là phải có hội đồng chấm thi, giống như ban giám khảo cuộc thi hoa hậu. Một khi chưa có kết quả chấm thi như vậy, mà chị tự nghĩ là mình có nhan sắc, em tự nói là mình có bàn tay xinh, chắc phải hiểu là kiêu ngạo, không thì cũng có bệnh ảo tưởng. Đừng vội lo Hà Bá làm đắm đò để bắt người đẹp, cũng đừng vội tin rằng chiếc thoi ngẩn ngơ dừng lại vì thấy bàn tay em xinh.

Đùa với vài câu thơ như vậy, thực ra ta vẫn biết đấy là một cảm thức cho rằng hễ làm thơ là phải thi vị hóa mọi điều. Dẫn ra đôi câu ví dụ cũng là gợi ý mời mọi người liên tưởng mà tìm thêm những câu vui khác. 

MỚI - NÓNG